Để bắt được nhiều muồm muỗm cũng không phải đơn giản. Chỉ trừ những chú muỗm muỗm hạ cánh ở tầm thấp, hoặc ngay dưới đường, còn lại, những con đậu trên cao (cành cây, mái nhà, cột điện…), người ta phải dùng đến những dụng cụ tự chế đặc biệt. Đó là một chiếc sào dài, đầu trên được buộc hoặc gắn thêm một cái chai nhựa (hoặc can nhựa loại nhỏ) đã được cắt bỏ phần đáy để làm thành một cái phễu tầm xa, ngoài ra còn phải có đèn pin để soi những con muồm muỗm khôn ngoan nấp mình sau những cây xà ngang…
Khi “tóm” muồm muỗm ra khỏi phễu cũng phải biết cách, nếu không muốn bị hai chiếc răng vừa to vừa cứng, vừa nhọn hoắt lại đen xì của chúng cắn vào tay. Theo kinh nghiệm của nhiều người, bắt muồm muỗm phải cầm thật chắc vào phần gáy để tránh chúng có thể… quay ngược đầu về phía sau.
Bắt muồm muỗm, bọn trẻ con chúng em phải cùng những người lớn tuổi thường đi thành từng tốp, từng nhóm vài người một. Mỗi người đều “thủ” sẵn một cái chai nhựa trong tay, người cầm gậy dài, người cầm đèn pin. Vào những ngày muồm muỗm xuất hiện nhiều, có nhà giăng đèn bẫy cả đêm có thể thu được từ 5 – 10 kg trở lên.
Thoạt đầu bắt muỗm về là để chơi. Cho muỗm xanh muỗm nâu cắn nhau rồi thử ngón tay vào hai cái nghiến ngàm của muỗm. Muỗm cắn đau cực đến nỗi tôi phải kêu lên đau đau là rồi rụt vội tay ra xuýt xoa…
Lũ trẻ bọn em hay nuôi muỗm cho vào cái hộp hay cái lọ miệng rộng. Bóc những hạt lúa non mới cấn sữa nhét vào mồm muỗm. Chúng nhai ngấu nghiến ngấu nghiến rồi đùn ra ngoài. Không biết có nuốt được chút nào vào bụng không…
Muồm muỗm mới bắt về con nào con ý béo múp đầu bụng no căng tràn mướt mắt.
Chơi chán nếu có vài con thì nhờ các anh nhớn hơn đặt vào bếp tro nóng vùi nướng. Muỗm nướng chín ăn thơm ngậy và ngon hơn cào cào (châu chấu, tôm bay) rất nhiều. Vì thế mà mùa gặt muỗm hiếm hơn cào cào.
Khâu sơ chế muồm muỗm cũng không đơn giản. “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột” là 4 khâu cơ bản để tạo nên hình hài một chú muồm muỗm trên bàn nhậu. Trải qua 4 khâu, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo.
Thông thường người ta hay nướng muồm muỗm để ăn. Nếu ít thì lấy một cái que xiên qua mình con muồm muỗm rồi đem nướng trên bếp lửa. Mới chỉ nghe tiếng mỡ của nó chảy xèo xèo xuống than hồng thôi đã thấy sự thèm. Chừng vài phút sau, khi cánh và chân muồm muỗm cháy hết chỉ còn trơ lại mỗi cái thân tròn, căng, vàng óng, thơm phức, cái mùi thơm cuốn hút đặc biệt này làm náo nức cả lũ trẻ, cả người lớn và cả những người chưa từng ăn muồm muỗm nướng bao giờ.
Bắt được nhiều về cấu đầu rút ruột vặt cánh chan rửa sạch cho vào chảo rang lên cho thêm chút mỡ lợn rang khô bóng vàng rắc thêm chút gia vị và lá chanh thái chỉ thơm ngon cực.
Hoặc đem muồm muỗm om với nước măng chua trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ vào, đảo đều tay trên bếp to lửa. Khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn. Nêm nếm gia vị vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay, cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.
Ðã biết bao lần em nhẫn nha nhấm nháp để tận hưởng vị bùi bùi, béo ngậy mà không thấy ngấy ấy. Biết em thích ăn muồm muỗm nướng, chiều em, nên buổi chiều nào, sau khi học xong, anh trai em cũng ra đồng bắt muồm muỗm xâu lại thành một chuỗi mang về.
Các thím, nếu được thưởng thức món muồm muỗm mà bọn em hay gọi là “tôm bay” sẽ chết vì thèm với vị ngọt, bùi bùi, béo ngậy mà không thấy ngấy.
Muồm muỗm nướng, rang từ lâu đã là món ăn phổ biến nhất trong mâm cơm ngày mùa, là món khoái khẩu của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ vùng quê bọn em. Hương vị đậm đà của những món ăn này gắn với ngày mùa, đồng ruộng, khiến cho những ai khi nghĩ về món ăn này cũng nhớ quê đến nao lòng.
…
Ngày xa xưa ấy, thôn quê trung du của em năm 2 vụ chiêm mùa. Lúa chiêm cấy tháng chạp và gặt tháng 5, còn lúa mùa cấy tháng 6 gặt tháng 10 theo lịch âm.
Mùa gặt chiêm tháng 5 thì chúng em không hứng thú lắm vì ruộng có nước, tất nhiên có những con đỉa vốn là hung thần với bọn con nít. Thú vui vụ gặt chiêm chỉ là đón lối gặt để bắt muồm muỗm, và thường bị la mắng cấm cản vì dang nắng tháng năm dễ mang bệnh vào người.
Vụ gặt mùa thì thật tưng bừng náo nhiệt.
Tháng 10 ta là độ cuối thu, chớm đông. Trời xanh ngăn ngắt, không khí hơi se se, hanh hao, gió hiu hiu vờn trên mái tóc cum cúm của lũ trẻ lúc nào cũng háo hức theo cha mẹ, anh chị ra đồng cắt lúa theo tiếng kẻng dóng dả mỗi tinh mơ. Ruộng lúa mùa khô cong, cây lúa chín nặng trĩu bông thường khum khum rạp theo chiều gió. Nhiều ruộng lúa tốt quá hoặc gặp bão lúa đổ ngổn ngang, thân nằm sát mặt ruộng, chỉ còn bông nghểnh lên vẫy vẫy như cầu cứu.
Những ruộng lúa đổ ấy là nhiều ếch lắm…
Cắt lúa đổ thì vất vả hơn. Lưỡi liềm khều nhẹ từng khóm, lựa chiều gỡ những khóm lúa xoắn xuýt để đừng gãy bông, mỗi “tay” lúa có khi chỉ 2, 3 khóm là phải “đổi tay”! Ấy nhưng cái gì thế kia? Một mô đất lùm lùm giữa bốn gốc lúa, trên mặt mô rành rành vài đường nứt nở như quả na mở mắt. Nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng lách lưỡi liềm vào chân mô và lật nhanh nắp mô. Một cặp mắt lồi giương lên nhìn bạn chăm chăm rồi ngụp xuống vũng nước trong leo lẻo vừa bằng cái vung ấm, bạn còn nhìn rõ cái lưng vàng ệch cong cong. Chả đi đâu mà vội. Hãy dùng liềm cắt đôi ba nhánh lúa xoắn lại rồi đưa tay vào cái vũng trong leo lẻo kia mà tóm lấy cái lưng õng ẹo ấy mà giơ lên, mà hét lên sung sướng: ” Gà đồng, gà đồng bà con ơi”!
Chốc chốc, tiếng kêu “gà đồng” lại lảnh lót trên mỗi “lối gặt”, và khi kẻng “tan tầm”, kĩu kịt trên quang gánh lúa là vài cặp đùi mũm mĩm hồng hồng nhịp nhàng theo chân xã viên về sân kho tập kết.
Có buổi, chị cả em bắt được cả chục con… Thầy em thường làm hai món cho 2 chị em ăn cơm: Đùi ếch rang tương mỡ hành và chả ếch lá lốt.
Chả thì phải băm nhỏ phần thân trên với lá lốt, cho thêm trứng, viên dẹt và chiên với mỡ lợn cho vàng 2 mặt, chấm nước mắm gừng.
Đùi rang tương mỡ hành thì đơn giản hơn: Làm sạch, chặt nhỏ, ướp tương chừng 15′, phi thơm hành khô và cho thịt vào xào kỹ, khi cạn nước thì bỏ hành lá và rau răm xắt nhuyễn vào… Cơm gạo mới thơm nức.
Thịt gà đồng hai món có mùi thơm đặc trưng không lẫn còn lưu đến tận giờ.