Về đến nhà thì gần 10h. Lũ thằng Kang nằm ngáy hết rồi, còn mấy đứa nhỏ thì đang ngồi chờ bọn tôi.
– A, hai anh về rồi. – Thấy bọn tôi về, lũ nhỏ reo lên chạy ùa ra víu lấy bọn tôi.
– Tâm: Anh có đồ ăn cho mấy đứa này.
– Sún: A, bún nè.
– Tôi: Cái này là phở, không phải bún.
– Tâm: Mau lấy chén ra anh san ra cho mà ăn này.
Lũ nhỏ nhanh nhẹn chạy ùa đi lấy chén.
– Tâm: Ủa, chị My đâu rồi?
– Bin: C. My đi ra phụ chị lớn bán hàng rồi.
– Tâm: Ừ, vậy chừa lại cho C. My 1 ít.
– Tôi: Mày đi tắm trước đi Tâm.
– Tâm: Ừ.
Nó đi tắm, còn tôi thì lại ra tìm cái bao cát. Tưởng tượng con nhỏ My chảnh chọe kia là cái bao cát xong tôi dồn hết sức đấm đá cho hả giận.
– Tâm: Tao tắm xong rồi, mày ra tắm đi Đức ơi. – Tiếng thằng Tâm gọi lớn.
– Ừ.
Tôi tạm chia tay bao cát xong đi lấy đồ đi tắm. Ngâm mình trong lu nước mát lạnh cho quên hết muộn phiền, cho tinh thần thoải mái.
– Tâm: Mày đi ngủ trước đi, tao ra gọi con My về.
– Tôi: Ừ, đi nhanh về nhanh nha.
Nằm vắt tay lên trán miên man với những dòng suy nghĩ, không biết giờ này ở nhà thế nào rồi? Không biết mọi người có khỏe không? Mong rằng đừng vì thiếu mất một thằng như mình mà lại làm mất đi không khí vui tươi ngày tết. Tốt nhất là đừng ai mong hay nhớ đến mình, mọi người hãy quên và xem con như chưa hề tồn tại đi vì con chẳng muốn làm ai buồn vì con cả.
– Mẹ ơi, xuân này con không về. – Tôi lẩm bẩm rồi chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, mới có 5h sáng tôi đã giật mình tỉnh giấc.
Vươn vai ngáp dài bước ra khỏi chiếu xong tôi xoay người vặn mình một phát. Tiếng các đốt xương sống kêu lên rộp rộp nghe mà đã tai.
Vệ sinh cá nhân xong tôi lôi thằng Tâm đi làm. Trên con đường sáng sớm vắng tanh, cái thời tiết se lạnh thế này khiến người ta lười ra đường vào buổi sáng sớm. Lâu lâu thì may mắn lắm mới bắt gặp được một bác đang đứng bấm tỉa cành và cắt lá cho cây mai trước sân hoặc vài ba người già rủ nhau đi bộ buổi sáng.
Đi qua chợ, cái không khí tết đã bao trùm nơi đây. Các bà bán hàng đã dọn hàng ra đây ngồi chầu trực từ sớm, tiếng dao chặt xương bổ xuống nghe khô khốc, vài ba bà thì ngồi vừa rao vừa tám chuyện với nhau. Mặt ai cũng hớn hở rạng rỡ chứ không ỉu xìu ngái ngủ như mọi hôm nữa. Những chậu cây quất, mai, cúc, mào gà…
Được trưng hầu như sạp nào có. Loanh quanh còn có vài bà ngồi bán ống tre với cả lá dong nữa. Bất giác lòng tôi lại thấy hơi buồn. Ngày này mọi năm thì tôi chắc đang chạy long nhong cùng với mấy thằng anh đi hái lá dong về gói bánh hoặc là ngồi cạnh nhìn bà gói bánh chưng để ăn vụng đậu xanh.
– Tâm: Sao mày không đi nữa? Đứng đó nhìn ai vậy?
– Tôi: Không, đi tiếp thôi.
– Tâm: Mày nhớ nhà hả?
– Ừ.
– Vậy thì sao mày không về?
– Tao không về được.
– Tại sao?
– Mày không biết đâu. Thôi đi lẹ, trễ bây giờ. Tao không muốn bị càu nhàu đâu.
Tôi đánh trống lảng chạy đi trước. Đang đi bỗng từ đằng sau lưng có tiếng chuông cà rem. Tôi còn đang tưởng là xe bán cà rem thật.
– Hai anh này đi xe ôm không? – Nhỏ Nhi với Trúc dừng lại chống chân xuống đất khoe chân dài.
– Tôi: 2 bà hả? Mình còn tưởng là người bán cà rem nữa chứ.
– Trúc: Bọn tui mà bán cà rem thật thì mùa đông đem ra bắc cực người ta cũng xếp hàng chờ mua. – Nhỏ Trúc chống nạnh.
– Tôi: Ra đấy bán cho gấu trắng hả? Haha.
– Trúc: Xì, mệt quá. Hai ông có đi không thì bảo?
– Tôi: Ờ, đi thì đi. Mà xe ôm là phải cho ôm đấy nha. – Tôi cười gian.
– Nhi: Khôn, không có vụ đó đâu, plè.
– Trúc: Hai ông chở tụi tui đi.
– Tâm: Nhưng mà mình đâu biết chạy xe đâu. – Thằng Tâm gãi đầu.
– Nhi: Vậy thôi để tui chở cho.
– Tôi: Ơ, mình cũng không biết chạy xe. – Tôi vờ ngu.
– Trúc: Không biết thì tập cho nó quen đi.
– Tôi: Hic, sao mà khác nhau đến thế. – Tôi than thầm trách sao ông trời bất công.
Sáng hôm đó bác nào thấy ngoài đường có hai thằng ăn mặc bảnh như con cún cảnh chở hai con mẹt mặc quần ngắn hở hơn nửa đùi bằng hai cái xe đạp cút kít màu hồng thì đó chính là tụi tôi đó.
– Tôi: Xe này thắng ăn không vậy?
– Trúc: Bóp thử thì biết.
– Tôi: Hả? Bóp cái gì cơ?
– Bóp phanh chứ bóp gì, hỏi ngớ ngẩn.
– Tôi: Ờh, thế mà mình tưởng là bóp… hềhề.
– Tưởng bóp gì? – Nhỏ đó thủ tay sẵn chuẩn bị véo nát hông tôi.
– Tôi: Bóp thắng.
Vừa đi vừa giỡn chẳng mấy chốc đã đến quán. Theo thói quen, tôi đạp thật nhanh khi gần đến rồi bóp cả hai thắng cùng một lúc.
– Bịch… – Đầu nhỏ Trúc đập mạnh vào lưng tôi. Mà tôi cảm nhận được hình như không chỉ có mỗi đầu nhỏ đó đập vào lưng mình.
– Ui da!!
– Tôi: Ơh, xin lỗi. Trúc có sao không?
– Trúc: Móp đầu rồi, đau chết mất.
– Tôi: Đâu xem nào… ui xời, chưa sưng mà. Không sao, không sao.
– Trúc: Tui mà có sao thì ông đền thế nào.
– Tôi: Không đủ sức đền đâu. Nhưng mà từ sau đi xe đừng ngồi quay lưng vào mình nữa nha, nguy hiểm lắm đó. – Tôi láu cá nói xong vọt nhanh vào quán trước khi nhỏ đó nghĩ ra hàm ý trong câu nói của tôi.
Vào trong quán thấy c. Mai đang đứng trong quầy pha cafe.
– Chào chị. – Tôi đứng lại chào rồi tiếp tục vọt vào nhà sau thay đồng phục luôn.
– Tâm: Êk, hồi nãy mày làm gì mà con Trúc đang tức xì khói tìm mày kìa. – Thằng Tâm hốt hoảng chạy vào.
– Tôi: Vậy hả? – Tôi cười khoái chí.
– Tâm: Ừ, mày làm gì nó thế?
– Tôi: Tao nói giỡn nó tí thôi ấy mà. Thôi thay đồ lẹ đi rồi ra làm việc.
Thay đồ xong tôi rón rén nhẹ nhàng đi ra làm việc. Nhỏ Trúc thì đang lau bàn ghế mà nộ khí xung thiên sẵn sàng pow tôi bất cứ lúc nào.
– Tôi: Bàn số 3 thêm hai ly cafe đen chị ơi.
– C. Mai: Có liền.
– Nhi: Bàn 5 hai cafe, hai sữa chua.
– Tâm: Bàn 9 thêm 4 ly cam vắt.
Buổi sáng hôm nay còn đông khách hơn cả hôm qua, bọn tôi đều bị quay mòng mòng như dế cả.
– Mùng 1 quán mình có mở không hả chị? – Tầm gần trưa quán thưa khách hơn nên bọn tôi thong thả hơn chút.
– C. Mai: Không em ơi, hôm đó không ai coi quán cả. Mà ai lại làm ăn vào mùng 1.
– Tôi: Ở dưới em người ta vẫn mở mà, em thấy người ta làm ăn đắt khách lắm.
– C. Mai: Thế hả? Mà làm cả năm cũng nên có một hai ngày nghỉ chứ em. Làm riết đâu có được.
– Trúc: Ông ra tính tiền bàn 3 kìa. – Nhỏ này như ma chui từ sau lưng tôi ra.
– Tôi: Rồi rồi chị hai. – Tôi bịt tai chạy đi tính tiền bàn số 3.
– Tôi: Của 4 chị là 40k ạ.
– Ủa, anh là nhân viên mới hả?
– Tôi: Vâng, em mới vào hôm qua.
– Hèn gì nhìn lạ quá. Mà bà chị cũng giỏi tuyển nhân viên nhỉ, nhìn cũng được phết đấy. Mỗi tội hơi ốm.
– Ừ, đúng ốm thật.
– Này anh ốm ốm ơi, anh tên gì đấy?
– “Ốm cái đầu mấy cô ấy, thử nhìn lại mình xem, con gái hai lưng, tướng tá như cây tăm mà đòi ở đó nói này nói nọ.” – Tôi nói thầm trong bụng.
– Tôi: Tên Đức.
– Tên cũng được đấy. – Nhỏ đó đứng dậy rút tờ 50k kẹp vào cuốn sổ cho tôi. – Khỏi thối.
Xong chúng toan đi về.
– À mà bảo này. Cậu nhắn giùm con My, bảo là chiều nay nhớ đi sớm hơn giờ hẹn chừng 1h nha. – Một nhỏ tóc tém nhuộm đỏ quay lại.
– Dạ. Cảm ơn quý khách. – Tôi cúi đầu chào.
Đến chiều, vừa ăn trưa xong thì cửa quán bật mở. Là con nhỏ chảnh chọe đó đến. Nó ném cái giỏ lên quầy rồi vào mặc đồng phục.
Chẳng thèm nghỉ trưa nữa, tôi đứng dậy lấy khăn đi lau bàn ghế.
– C. Mai: Vừa ăn xong nghỉ chút đã em.
– Nhi: Làm gì mà siêng quá vậy. Lau riết coi chừng mòn hết bàn ghế đó.
– Tôi: Hềhề, mòn để cho c. Mai thay bộ mới chơi vậy.
– Tâm: Ủa, cái đồng hồ mày hay đeo đâu Đức?
– Tôi: Nãy làm bận quá, sợ rơi nên tao tháo ra gửi nhờ c. Mai rồi.
– C. Mai: Chị đang để trong quầy kìa. Ở trên mặt bàn luôn ấy.
Tôi vào trong quầy lấy cái đồng hồ đeo lại vào tay rồi tiếp tục lấy khăn đi lau bàn ghế.
– Tôi: Êk Nhi.
– Hử?
– Tí Nhi nói với con My là bạn nó bảo nó ra chỗ hẹn trước 1 tiếng.
– Sao ông không nói?
– Tôi: Không thích nói chuyện với nó.
– Nhi: Ừ.
Lát sau, con đó đi ra nhưng không mặc đồng phục quán mà mặc cái váy ngắn màu vàng.
– Hôm nay em có hẹn với bạn rồi, em không phụ giúp chị bữa nay đâu.
– Tạ ơn trời. – Tôi mừng thầm.
– C. Mai: Lại hẹn với bọn đó à?
– Vâng.
– C. Mai: Sao chị nói mãi mà em không nghe thế?
– My: Em lớn rồi, chọn ai làm bạn em tứ quyết được. – Nó đến quầy cầm giỏ.
– Ai vừa mở giỏ em ra vậy? – Nó cáu.
– C. Mai: Có ai đâu.
– Tiền em để trong này đâu hết rồi? – Nó mở cả giỏ kiểm tra.
– C. Mai: Bao nhiêu?
– My: 300k.
– Em tìm kỹ lại xem nào.
Nó dốc ngược cả cái giỏ lại. Gương nhỏ, lược, son môi, khăn giấy… tùm lum thứ rớt ra nhưng không có một xu nào rớt xuống.
– C. Mai: Em nhớ lại xem có mang theo không?
– Có mà, trước khi ra khỏi nhà em đã bỏ vào ngăn ngoài khóa lại rồi mà.
– Nhi: Xem lại trong túi áo quần xem.
– Trúc: Váy thì lấy đâu ra túi mà xem.
– Nãy tới giờ có ai mở giỏ em ra không?
– C. Mai: Nãy giờ mọi người đều ngồi kia nói chuyện cả mà, có ai lại quầy đâu mà mở.
– Trúc: Có đấy. – Nhỏ đó nhìn tôi.
Ngay lập tức tất cả ánh mắt đều đổ dồn về tôi.
– Nhi: Đúng rồi, hồi nãy ông ra quầy lấy đồng hồ.
Thế là con nhỏ kia hùng hổ tới chỗ tôi.
– Đồ ăn cắp, trả lại tiền cho tôi. – Nó hét vào mặt tôi.
– Cháttt!!! – Một vả.
Sự nhẫn nhịn của một thằng đàn ông có hạn. Sỉ nhục thì sỉ nhục vừa vừa thôi chứ. Tôi vung tay định tát lại nhưng lại nắm chắc tay lại vừa chỉ ngón tay vào mặt nó vừa gằn từng chữ:
– Tôi, tuy là nghèo thật nhưng chưa bao giờ ăn trộm ăn cắp tiền của ai bao giờ. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đổ tội cho một ai đó, không có bằng chứng thì đừng có đổ tội cho tôi. Tôi nhịn cô từ hôm qua đến giờ rồi, đừng nghĩ nhà mình giàu mà lên mặt, khinh thường người khác.
– My: Bằng chứng rành rành vậy mà còn đòi chối à? – Rồi quay sang c. Mai. – Chị thấy chưa, hôm qua em đã bảo là hạng người này không đáng tin mà, kêu chị đuổi việc mà không nghe. Bây giờ đã lộ ra đầu trộm đuôi cướp rồi đó.
Nghe nó nói mà tôi tức lộn máu.
– C. Mai: Đức, em có lỡ lấy thì trả cho em nó đi. – C. Mai nhẹ nhàng.
– Tôi: Không ai tin em. Được, nãy giờ em chỉ mới đi từ quầy ra đây. Mọi người muốn thì lục xét đi.
– My: Được.
Nó móc hết túi áo, túi quần của tôi xong chỉ tìm được tờ 5k cũ.
– Tôi: Lục nữa đi. – Xong tôi quay sang c. Mai. – Em xin nghỉ việc. Em thà chết đói ngoài đường còn hơn ở đây bị người ta sỉ nhục.
Tôi ném cái khăn xuống bàn rồi quay lưng đi.
– Khoan đã. – Nó gọi tôi lại. – Cái áo. – Nó hất mặt.
Tôi đi vào trong thay cái áo ra rồi đi về.
– Tâm: Em cũng nghỉ. – Nói rồi thằng Tâm theo tôi vào thay áo ra.
– C. Mai: Tiền lương của em – C. Mai lấy tiền ra trả tiền lương cho tôi.
Tôi cầm tờ 500k đó ném thẳng vào mặt con nhỏ My chảnh chọe.
– Tôi: Trả cho cô. Chúng tôi đi, giờ cô vui được rồi đó.
Xong hai thằng tôi khoác vai nhau nghênh ngang đi ra khỏi quán.
– Tâm: Mày nói hay lắm. – Nó khen tôi.
– Tôi: Mày không giận tao chứ?
– Giận vụ gì?
– Tao lấy cả tiền công của mày ném vào mặt nó rồi.
– Mày không làm thế tao mới giận mày đó. Nhìn cảnh đó mà tao hả dạ hẳn, để xem nó có thanh thản hay không khi xài số tiền đó.
– Tôi: Anh em tốt.
– Tâm: Ừ, haha.
– Tôi: Giờ còn sớm, tao với mày đi tìm việc khác làm đi.
– Tâm: Làm gì giờ?
– Đi tìm mới có chứ.
Hai thằng đi lượn quanh cả mấy thôn, cuối cùng xin được hai chân phụ hồ.
– Hai đứa mày muốn làm luôn không? Công từ giờ đến 5h được 40k mỗi thằng thôi.
– Tôi: Dạ, làm luôn ạ.
– Tâm: Làm luôn ạ.
– Vậy hai thằng mày khuôn đống gạch kia vào trong chỗ đang xây kia kìa. Xong rồi xếp vào xô kéo dây chuyển lên cho mấy chú ở trên.
– Tôi: Dạ.
Hai thằng tôi lấy mũ bảo hiểm đội vào xong xắn tay áo lên vác gạch.
– Tôi: Đua không? Xem thằng nào chuyển được nhiều gạch hơn và nhanh hơn không?
– Tâm: Tao sợ mày chắc. Đua thì đua.
– 1… 2… 3 bắt đầu.
Hai thằng tôi đua nhau xếp gạch lại rồi vác vào kéo lên cao cho mấy chú ở trên.
– Tôi: Tao thắng rồi haha.
– Tâm: Mày ăn gian.
– Tôi: Gian đâu.
– Không biết, nhưng lần này tao đếm.
– OK, thích thì anh chiều.