– Không thì bị tóm, hết làm ăn luôn.
– Đại ca quyết nhanh lên, chúng nó đang kiểm tra toa bên cạnh rồi. – Một thằng hối.
– Được: Bà mẹ nó! Bỏ!
Xong chúng nó mở nắp thùng lôi tôi ra. Tôi cố gắng giẫy nhưng chẳng ăn thua.
– Mở cửa sổ ra, lẹ lên.
– Đù má, giờ này mà còn kẹt nữa chứ.
– Cửa này này, nhanh lên.
Ngay sau đó tôi thấy cơ thể mình lâng lâng rồi.
– Bịịchh!! – Cú hạ cánh làm cảm giác đau nhói lan tỏa khắp người tôi.
Và rồi cơ thể tôi lăn lăn lăn và lăn, tôi cũng chẳng biết là mình đang ở đâu nữa, chỉ biết là toàn thân mình bây giờ như rụng rời, không còn cảm giác gì nữa. Đầu tôi ngày càng choáng và tôi dần ngất lịm đi.
Và thế là một hành trình mới được hình thành, một hành trình đầy chông gai đầy trắc trở và những mối tình mới đầy rắc rối dở khóc dở cười.
…
Vừa tỉnh lại, mùi hôi tanh nồng nặc xộc vào mũi tôi, loáng thoáng vài tiếng nhí nhố:
– Êk êk, tỉnh rồi này.
– Đâu đâu, tao xem với.
Từ từ mở mắt ra, ánh sáng bên ngoài làm mắt tôi bị lóa do mấy ngày liền không thấy ánh sáng. Tôi toan đưa cánh tay mình lên che mắt nhưng không được, vừa nhấc cánh tay lên được chừng 5 cm thì hết sức.
– Đừng có cử động. – Một người giữ tay tôi lại.
Tôi lại từ từ hé mắt ra xem là ai thì tôi mém đứng tim. Năm, sáu đứa trẻ mặt lem luốc đang chụm đầu lại dí sát vào mặt tôi.
– Tỉnh rồi, tỉnh rồi. – Chúng nó lùi ra, nhao nhao.
– Tôi: Đây là ở đâu vậy?
– Nhà của bọn tao đó. – Một thằng lớn nhất, chắc ngang tuổi tôi đứng ngoáy mũi nhe răng cười khềnh khệch.
– Tôi: Bọn mày là ai thế? Sao tao lại ở đây?
– Bọn tao thấy mày bị gói như cái bánh tét nằm giữa mương, người ngợm thì toàn máu me nên bọn tao lôi mày về đây. Băng bó lại cho mày.
Nhìn lại thân thể tôi lúc này chẳng khác nào thằng ăn mày. Tay phải thì bị gãy, mình mẩy toàn là máu me với mùi nước cống.
– Tôi: Cảm ơn bọn mày đã cứu tao.
– Có gì đâu, hềhề. Mà sao mày lại nằm dưới mương thế? Lại còn bị trói nữa.
– Tôi: Tao cũng chẳng biết nữa.
– Nhà mày ở đâu?
– Tôi: Ở LC.
– LC là chỗ nào vậy?
Bọn nó ngơ ngác nhìn nhau lắc đầu.
– Tôi: Vậy ở đây là xã nào vậy?
– LK.
– Đệch! – Tôi buột miệng.
Theo như tôi biết thì nơi này cách nhà tôi không dưới 1000 km, còn chính xác thì tôi chịu.
– Anh tên gì thế? – Một đứa bé gái chừng 8 tuổi mặc độ đồ gần cũ kỹ, mặt mày lem luốc chạy đến hỏi tôi.
– Tôi: Đức, còn em?
– Em tên Hồng, mấy anh chị hay gọi em là Sún, bé Sún. – Đứa bé cười hồn nhiên.
Tôi đưa mắt nhìn sang thằng lớn nhất.
– Còn mày tên gì?
– Tao tên Tâm, 16 tuổi. Kia là My, em gái tao, 14 tuổi. – Nó chỉ vào cô bé đang ngồi hì hục nấu cái gì đó với cái bếp củi.
Cô bé đó ngẩng đầu lên mỉm cười nhìn tôi rồi lại cắm cúi thổi bếp.
– Tâm: Còn kia là thằng Bin, Bo.
– Tôi: Ừ, mà ai bó cái cánh này cho tao vậy?
– Tâm: Con bé My ấy, chính nó đã tìm thấy mày đấy.
Tôi: Ừ. Mà nhà tụi mày đây hả? – Tôi đưa mắt nhìn xung quanh.
Mọi thứ thật chật chội và đơn sơ. Chỉ có vài bộ quần áo cũ đang nhét trong mấy cái bịch, vài cây đèn cầy thắp gần hết, vài cái chén mẻ để trong góc, một cái bếp củi dựng bằng 3 viên gạch, hai tấm chăn rách tả tơi và mấy cái hộp gỗ để trong góc. Ở ngoài là một đống chai nhựa, vỏ lon bia…
– Tôi: Ủa, sao hai bên không có cửa?
– Tâm: Cái cống thì lấy đâu ra cửa mà có.
– Tôi: Hả? Cống mà sao to vậy?
– Tâm: Cái cống này để làm đường, mà cả mấy năm nay người ta vẫn chưa xài nên bọn tao lấy làm nhà thôi.
– Tôi: Bọn mày không có nhà à?
– Tâm: Bọn tao trốn khỏi cô nhi viện mà.
– Tôi: Tao hiểu rồi.
– Tâm: Thôi, mày nằm ở nhà đi, bọn tao đi làm đây.
– Tôi: Bọn mày làm cái gì?
– Tâm: Cái này này. – Nó gõ vào cái hộp gỗ.
– Tôi: Cả con bé này cũng phải làm hả?
– Bin: Không, nó đi bán vé số với chị My. Còn bọn em bán báo với đánh giày. – Thằng nhóc cười tươi rói.
Xong 3 anh em nó kéo nhau chui ra khỏi cống để lại tôi với hai bé gái ở lại.
Tôi nằm vắt tay lên trán nghĩ cách trở về nhà. Nhưng trong lúc ấy tôi bỗng nảy ra ý nghĩ sẽ không trở về nữa, sống phần đời còn lại ở nơi đất khách quê người này, dù gì cũng chỉ còn lại vài tháng. Bây giờ nếu tôi về thì thể nào ba mẹ cũng một mực bán vườn, bán đất để làm phẫu thuật cho tôi. Cả đời ba mẹ tôi đã phải cực khổ làm lụng lắm mới mua được chút vườn chút đất để làm, thế mà chỉ vì tôi mà ba mẹ phải bán hết công sức cả đời của mình đi, rồi tương lai gia đình tôi sau này sẽ ra sao? Tôi không thể ích kỷ thế được.
– “Con xin lỗi ba mẹ, đời này con không thể báo hiếu được cho ba mẹ, xin ba mẹ tha thứ cho thằng con bất hiếu này”. – Hoen mắt tôi bắt đầu thấy cay cay, bất giác tôi không kìm nén được nước mắt.
– “Những thằng em của anh, 3 đứa phải thay phần anh hiếu thảo với ba mẹ nha, anh hai không có ở nhà nữa, mấy đứa phải biết tự che chở cho nhau đó”.
– “P, mong em hãy sống thật tốt, đừng vì chuyện anh mất tích mà tự trách bản thân. Anh sẽ mãi nhớ em.”
– “Vân, anh không mong em tha thứ cho anh nhưng mong em hãy quên anh đi và sống thật tốt, đừng vì một thằng như anh mà lãng phí thời gian của mình. Em hãy sống thật hạnh phúc và vui vẻ, em nhé”.
– “Hào, Trí. Hai đứa hãy cố gắng giúp đỡ Vân giùm anh, Vân là cô gái tốt nhưng rất dễ tổn thương. Mong hai đứa hãy che chở, quan tâm, yêu thương Vân nhiều hơn và nhất là ngay lúc này. Anh tin hai đứa sẽ làm được.”
– “Đại, Thuấn, Dũng, Hùng, Lâm, LP, Lan… tao sẽ không quên lũ bọn mày đâu, bọn mày mãi là bạn tốt của tao. Bọn mày cũng đừng quên tao nha mặc dù tao… không nợ tiền thằng nào cả.”
Hai hàng nước mắt của tôi đã lăn dài. Tôi nhớ về những ngày tháng vui vẻ bên anh em, bạn bè. Những lúc đó vui vẻ biết mấy.
– Sao anh khóc? – Con bé Sún đẩy vai tôi.
Tôi quên là ở đây còn bé Sún với bé My.
– Tôi: À không, bụi bay vào mắt anh thôi. – Tôi gạt nó.
– Để Sún thổi mắt cho anh nha, em thổi xong là hết bụi ngay à. – Con bé ngây thơ.
– Tôi: Thôi, anh khỏi rồi. Cảm ơn bé Sún nha.
Con bé nhe hàm răng sún cười tít mắt.
– Chắc là anh đói rồi, anh ăn chút cháo cho đỡ đói này. – Bé My bưng chén cháo nóng đến cho tôi.
– Tôi: Anh cảm ơn nha. – Tôi chống tay trái ngồi dậy mà nhức nhói hết cả người.
Ngồi dựa lưng vào tường, tôi múc từng muỗng cháo lên ăn. Tuy chỉ là cháo trắng nhưng sao lại ngon lạ lùng. Tôi lại nhớ đến mẹ, lúc nhà tôi còn ở trong rừng. Lúc ấy nhà tôi nghèo, chợ búa hàng quán thì ở xa lắm. Vì thế cả hai, ba tuần mẹ tôi mới đi mua gạo một lần, có khi cả tháng mới đi một lần. (Còn đồ ăn thì ăn rau rừng với gà nhà nuôi nha, không khéo có bác lại bảo nhà em hiền ăn mỗi cơm không chan nước mắm, muối rang). Những lần như thế mẹ tôi thường nấu cháo trắng cho cả nhà ăn vì hết gạo. Nghĩ lại cũng đã gần 6 năm kể từ khi gia đình tôi chuyển ra LC đến giờ, cũng chừng ấy năm tôi quên mất mùi cháo trắng.
– My: Sao anh lại khóc nữa, cháo không ngon hả?
– Tôi: Ngon, ngon lắm. Cảm ơn em.
– My: Có gì đâu, chỉ là bát cháo thôi mà.
Ngồi nói chuyện với hai chị em bé My, tôi thấy tâm trạng vui hơn hẳn. Con bé kể cho tôi nghe nhiều chuyện lắm, chuyện từ lúc 5 đứa cùng nhau trốn khỏi cô nhi viện, rồi những lần vô tình bán ế vé số mà chúng nó được mấy bữa ăn no. Rồi có những hôm cả 5 đứa ngồi ôm cái bụng đói meo đi ngủ…
– Sún: Sao giờ này mà mấy anh chưa đưa tiền về để mua gạo hả chị? – Con bé ngây ngô hỏi chị, có vẻ nó đói rồi.
Tôi lục lại túi quần, nếu tôi nhớ không lầm thì…
– Tôi: À… đây rồi. Em cầm lấy đi mua gạo đi này. – Tôi đưa tất tần tật gồm 2 tờ 100 với mấy tờ năm nghìn, hai nghìn lẻ cho nhỏ My. Cũng may là trong túi vẫn còn được mấy đồng nhờ cái kèo bắn cf hôm nọ với vài đồng tôi xin mẹ đi ăn sinh nhật nhỏ P, không thì cạp đất rồi.
– My: Em không dám lấy đâu, anh Tâm mà biết là mắng bọn em chết.
– Tôi: Thì em cứ xem như là tiền anh thuê nhà với tiền ăn tháng này của anh đi. Anh bị thương thế này nên còn phải làm phiền bọn em cả tháng đấy. – Tôi cười.
– My: Nhưng mà…
– Tôi: Không nhưng nhị gì nữa, đi mua mau có bé Sún đó rồi đây này. Phải không Sún?
– Dạ.
Nhỏ My cầm số tiền chạy đi mua gạo với mua đồ ăn. Tôi tranh thủ nằm ngủ thêm lát nữa cho qua cơn nhức đầu. Trời lờ mờ tối thì 3 anh em thằng Tâm mới về. Mặt mày thằng nào cũng ủ rũ.
– A, anh hai, anh Bin Bo đã về. – Con bé Sún reo lên.
– Tâm: Ừ. Mày cảm thấy khỏe chưa?
– Tôi: Khỏe hơn rồi.
– Tâm: Thế thì tốt, ủa mà bé My đâu rồi?
– Tôi: Nó đi mua gạo rồi.
– Tâm: Tiền đâu nó mua?
– Tôi: Tiền của tao.
– Cái con bé này thật là, sao mà nó…
– Tôi: Mày đừng mắng tội nghiệp con bé. Là tao tự đưa tiền nhờ con bé đi mua gạo, chứ tao thế này thì còn phải ở đây ăn bám chúng mày cả tháng đấy.
– Tâm: Mày khách sáo làm gì, bọn tao…
– Tôi: Nó về rồi kìa, nấu cơm ăn cơm thôi.
– Tôi đánh trống lảng.
Sáu đứa tôi ngồi bu quanh cái bếp củi nhỏ xíu đang cháy phừng phực. Nhỏ My thì ngồi nhét bã mía vào liên tục cho lửa cháy.
– Tâm: Nhà mày có mấy anh em?
– Tôi: Tao ấy hả?
– Ừ.
– Ờ, tất cả là 4. Tao là anh cả.
– Tâm: Nhà mày chắc giàu lắm hả?
– Tôi: Không, chỉ là một gia đình trên mức nghèo một chút, làm đủ ăn chứ không dư dả đồng nào.
– Tâm: Vậy mày tính về nhà thế nào?
– Tao không biết, nhưng chắc tao không về. – Tôi cầm nắm bã mía đẩy vào bếp.
– Sao mày không muốn về? Mày không sợ ba mẹ mày lo lắng à?
– Tôi: Tao đã làm ba mẹ tao khổ đủ rồi, tao mà về đó ba mẹ tao lại còn khổ nữa.
– Bin: Anh không thương ba mẹ anh sao?
– Chính vì thương nên anh mới không muốn về. – Tôi xoa đầu thằng nhỏ.
– Bo: Vậy anh sẽ đi đâu?
– Tôi: Anh chưa biết nữa.
– Tâm: Nếu mày không chê thì ở lại với bọn tao, đi bán vé số với đánh giày cũng có nhiều lúc vui lắm.
– Sún: Anh ở lại với bọn em nha. – Con bé đang gật gù bỗng ngồi thẳng dậy tròn mắt nhìn tôi.
– My: Nếu anh không muốn thì cũng cứ ở tạm đây cho đến khi lành vết thương rồi tính sau cũng được.
– Bin: Anh ở lại, em dẫn anh đi chơi. Ở đây nhiều chỗ chơi vui lắm.
– Tôi: Ừ, anh sẽ ở lại.
– Yeahh, yeahh!!! Nhà mình lại có thêm người rồi. – Mấy đứa nhỏ reo lên.
– My: Cơm chín rồi nè. Ăn thôi nào.
– Để chúc mừng ngày hôm nay nhà mình có thêm thành viên mới, mọi người cùng nâng chén chúc mừng nào. – Thằng Tâm dõng dạc.
– Yoohooo, nâng chén.
Chúng nó nâng chén cơm cụng nhau nghe keng keng, tôi bất giác bật cười trước sự vô tư của lũ nhóc này.
– Bin: Tí ăn xong em dẫn anh đi chơi, em biết chỗ này vui lắm.
– My: Bin, anh ấy đang bị thương, để anh ấy ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đã.
– Tôi: Ừ, đúng đấy. Anh đang vầy sao đi được. Mấy bữa nữa anh khỏe rồi Bin dẫn anh đi chơi cũng được mà.
– Dạ. – Thằng nhỏ xị mặt như cơm ỉu. Ăn xong, cả lũ lăn ra ngủ như heo. Chắc là bọn nó mệt lắm rồi nên vừa ngả lưng xuống mà đã ngáy khò khò luôn rồi. Còn nhỏ My thì lúi húi rửa chén xong mới đi ngủ. Tôi nằm trằn trọc mãi mà không sao ngủ được, có lẽ một phần là do tôi đã ngủ liên tục mấy ngày liền, một phần là do lạ chỗ và hơi khó chịu vì mùi tanh của cống rãnh.
Cố gượng lết cái thân tàn ra ngoài ngồi. Loay hoay vật vã mãi tôi mới lết ra tới cửa, nói là cửa cho oai chứ thật ra nó là cái đầu cống. Tôi ngồi dựa lưng vào miệng cống thở phì phò như bò thở nhìn lên bầu trời bao la.
Trăng hôm nay khuất quá, dường như đám mây đen kia đang cố che mất ánh trăng. Nó giống tâm trạng của tôi lúc này, u ám, rối rắm, mù mờ, sầu não. Còn những vì sao lấp lánh thì vẫn vậy, chúng chẳng có gì thay đổi cả, chỉ có mình tôi là thay đổi mà thôi. Ngồi từ chỗ này, tôi có thể nhìn thấy thành phố với những tòa nhà cao chót vót sáng trưng ánh đèn. Những bảng quảng cáo đầy màu sắc xanh đỏ tím vàng rực rỡ. Đêm đã khuya nhưng tiếng xe cộ đi lại vẫn đông nghẹt, khác hẳn với nơi tôi đã từng sống.
– Thì ra là anh à, em còn đang tưởng ai nữa chứ. – Nhỏ My đi ra.
– Tôi: Làm em thức giấc hả? Anh xin lỗi.
– My: Không, em không ngủ được, từ xưa đến nay rồi.
– Em gặp ác mộng phải không?
– Sao anh biết?
– Ngày trước anh cũng vậy. Đêm nào anh cũng gặp ác mộng, ngay cả ban ngày anh ngủ cũng gặp.
– Vậy giờ anh cũng còn gặp ác mộng à?
– Không, anh hết gần năm rồi.
– Sao mà anh hết được?
– Anh không nhớ nữa.
– Ừm.
– Bọn em ở trong cô nhi viện từ bé xíu hả?
– Không, anh Tâm bảo hồi đó em mới 5 tuổi thôi.
– Ba mẹ bọn em đâu?
– Anh Tâm bảo ba em thì bị bệnh nặng nên qua đời, mẹ em thì ốm yếu không đủ sức nuôi hai anh em nên… – Nhỏ My ấp úng.
– Vậy tại sao bọn em trốn ra? Lỡ mẹ em quay lại tìm không thấy thì sao?
– Khi ở trong đó, họ suốt ngày la mắng, đánh đập bọn em. Cả bé Sún họ cũng đánh. – Nhỏ quay vào nhìn con bé đang ngủ rồi nói tiếp. – Ngày nào họ cũng bắt bọn em ở yên trong phòng khâu vá.
– Anh thấy việc đó nhẹ nhàng mà.
– Anh không biết đâu, một ngày họ bắt bọn em phải may đủ số lượng họ giao, không thì họ đánh đập bọn em, không cho bọn em ăn cơm.
– Sao họ có thể đối xử với trẻ em như thế chứ? Thật là quá đáng. – Tôi không kìm nổi bức xúc.
– Thế nên bọn em mới bàn nhau trốn đi đó.
– Từ lúc đó tới giờ là bao lâu rồi?
– Gần 2 năm rồi.
– Vậy lúc đó mấy đứa lấy gì sống?
– Bọn em nhịn đói suốt mấy ngày trời, sau đó may mắn gặp được một người tốt bụng cho bọn em ít tiền làm vốn mua đồ nghề đi làm ăn nè. Còn dư thì mua chút đồ ăn.
– Mấy đứa sống bằng nghề đó đến giờ luôn?
– Ừm, những ngày tháng sau khi trốn khỏi cô nhi viện thì hồi trưa em kể anh nghe rồi đó.
– Tôi: Ừ. Mà cảm ơn em nha, không có em thì giờ này chắc anh đang bay lên kia rồi. – Tôi chỉ tay lên trời.
– Có gì đâu, nếu ai thấy thì cũng sẽ cứu anh thôi. – Cô bé vuốt mái tóc cười tủm tỉm.
– Chưa chắc đâu, cũng có khi người ta nghĩ anh chết rồi nên bỏ đi luôn vì sợ mang họa ấy chứ.
– Thật ra lúc đầu thấy anh em cũng sợ lắm ấy chứ, em cũng tưởng là anh chết rồi. Lúc đó anh nằm như đòn bánh tét dưới mương, máu me chảy lênh láng ra trông ghê chết đi được.
– Vậy sao em còn cứu anh?
– Lúc em đang định bỏ đi thì bỗng thấy đầu anh nhúc nhích nên em gọi anh Tâm lôi anh về đây đó chứ.
– Cái cánh gà này cũng là em băng cho anh hả?
– Ư, em bó đại thôi, tại em thấy tay anh mềm nhũn nên em nghĩ là gãy rồi.
– Tôi: Bó đẹp đấy.
– Thật hả?
– Ừ, anh xạo đấy.
Nhỏ bật cười.
– Hứ, em phải bó mãi mới đẹp được thế đấy – Con bé My chun mũi.
– Anh giỡn thôi, em bó đẹp lắm. Cảm ơn em nha.
– Có thế chứ. – Cô bé cười tươi rói.
– Thôi khuya rồi, em vào ngủ đi cho khỏe.
– Ừm, anh cũng vào ngủ đi, anh đang bị thương, ngồi ngoài lạnh lâu không tốt đâu.
– Ừ, anh ngồi lát nữa anh vào.
– Anh vào luôn đi, em đỡ anh vào. Có lát nữa sao anh vào được.
Con bé cứ một hai bắt tôi vào trong nên tôi đành vâng lời con bé vậy.