Mà phải công nhận tụi này cũng được phết à nha, không có khinh chê gì hai thằng mà vẫn chơi rất bình thường. Nói gì nói, cái bọn thành thị nhìn lúc nào cũng trắng trẻo, sang trọng, đa phần tụi nó quen với cuộc sống dư giả, sung túc từ nhỏ, ít ra thì cũng chẳng phải làm lụng, dầm mưa dãi nắng bao giờ. Còn những đứa như hai thằng đây thì ngược lại hoàn toàn, đâu có so được với tụi nó.
Từ lúc 7, 8 tuổi đã theo ba mẹ ra rẫy phụ giúp gia đình, ngày nào và nhà nào cũng vậy cả, cuộc sống quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới có cái mà bỏ vào miệng. Cứ sáng cắp sách đi học thì trưa về cơm nước xong xuôi là lọt cọt tranh thủ đạp xe vô ruộng vô rẫy. Hễ khi trời bất đầu mưa xống thì người ta lục đục phân giống cho vụ mùa. Ở chỗ mình thì đa số là trồng bắp và trồng bí, là bí đỏ đó các bác, thêm một vài sào ruộng để cuối mùa lấy gạo ăn quanh năm. Người lớn thì đi trước cuốc lỗ, lót phân, trẻ con mỗi đứa một cái lon theo sau, một lỗ thả hai hạt xong lấy chân lấp lại. Có đứa thả nhanh quá, gí sát chân làm ông già cuốc trào đờm không kịp.
Trời nắng thì đội mũ mà trời mưa thì khoác tấm vải bằng mủ để che lưng, phải làm liên tục cho kịp vụ chứ hổng có chuyện vô chòi nghĩ núp mưa đâu à nghen. Thà là vậy chứ xuôi xuôi nó mà nắng cho 4, 5 ngày không mưa là cả gia đình phải vác cuốc ra đào lên trồng lại, chấp nhận mất hết tiền vốn đợt đầu đó. Khi cây nhú lên khoảng 3 – 4 cm thì phải bón thêm đợt phân nữa cho tụi nó có sức mà phát triển. Được dịp, bọn tranh, cỏ cú, cỏ dại các kiểu cũng thừa cơ đớp ké mà mọc lên ầm ầm, lại phải đi sạt, đi nhổ chứ đâu có dám xịt thuốc, lỡ cỏ chưa chết mà cây giống nó đua nhau nghẻo cho phát là toi đời. Cứ vậy quần quật suốt 3 tháng không off dù chỉ một ngày.
Khi trái đã già và chuẩn bị thu hoạch thì lại sợ nhất là trời mưa. Các bác có tin không? Bắp thì còn đỡ chứ gặp bí mà nó mưa cho chừng 4 ngày là thôi rồi lượm ơi, hàng trăm tấn bí nằm la liệt mà thúi sạch sẽ không còn lấy một trái. Công sức vun trồng bao lâu của dân làng phút chốc tan thành mây khói. Cứ tưởng tượng cái cảnh cả một vùng đồng bằng rộng lớn toàn bí, trái nào trái nấy to bằng bắp vế, xanh xanh vàng vàng nằm lúc nhúc dưới lá nhìn rất sướng con mắt. Không ít thì nhiều vẫn chắc mẩm vụ này mỗi nhà cũng xúc cả chục triệu, vậy mà chỉ sau mấy ngày trái gió đã không còn lấy một trái nấu canh. Ai cũng đau đớn vác dao đi lùng từng trái còn dùng được cắt bỏ bao thồ về bán cho lợn ăn với giá vài trăm đồng một ký để vớt vát.
Bắp thì không sao rồi, chắc như bắp mà lị. Ở đây rất ít ai đi mướn người làm, thường thì bà con trong xóm sẽ dàn công lẫn nhau, tức là hôm nay tất cả sẽ đi bẻ (hái) cho nhà này, mai thì đến nhà kia, cứ vậy xoay một vòng là huề cả làng, rất là tiết kiệm. Đầu buổi thì khoảng hơn chục người sẽ đi một vòng bẻ và vứt thành từng đống nho nhỏ nằm rãi rác, tới trưa thì khoảng hai người sẽ đi chặt cây lấy lối đi, còn lại đàn bà thì gom đóng vô cần xế hoặc bao tải, đàn ông sẽ vác ra đầu đường chỗ cuối cùng xe có thể vào được để tải về nhà. Sau đó thì mất thêm cả tuần lễ để lột vỏ. Cái thời mình còn nhỏ thì chưa có máy phóng, thế nên cứ ban ngày đi làm, tiếp tục gieo trồng cho vụ sau, ban đêm thì câu bóng đèn ra sân, cả nhà hì hục vừa chém gió vừa lột từng trái.
Trong tâm trí mình vẫn tồn tại một ký ức rất sâu đậm của ngày xưa, đó thời còn chưa có điện và nhà mình vẫn lợp bằng tranh. Mẹ mình ngồi lủi thủi một mình, kế bên là cây đèn dầu nhỏ bằng nắm tay với cái bóng đen ngòm vì đã mở hết cỡ lấy ánh sáng. Trước mặt mẹ là đống bắp thật to, cao hơn cả nóc nhà. Cứ thế, mẹ dùng cái que vót nhọt, lột từng trái, từng trái, lặng lẽ cho đến một hai giờ sáng vẫn chưa nghỉ.
Cái cảnh ấy nhìn buồn và sầu não vcd các bác ạ.
Mình thì chưa bao giờ bị bắt phải đi làm như là các huynh đệ trong bang vì ba mẹ rất thương và cưng chiều. Lúc đó cũng chưa biết suy nghĩ gì nhiều, cứ thức và ngồi cạnh một bên, thỉnh thoảng hỏi mẹ vài câu ngớ ngẩn trên trời dưới đất. Nói ra thì xấu hổ chứ lúc đó mình vẫn chưa biết suy nghĩ, ráng thức cốt là vì để chờ cho đến khi nào mẹ nghỉ và cào cái đống vỏ bắp chần dần kia ra sân đốt thì mình nhảy ra… chơi. Nhìn đống lửa cháy ngùn ngụt mình khoái lắm, đứng xa xa là thấy sáng cả một góc trời. Mình cứ lấy cả chục cái vỏ nối lại thành một dây dài ngoằng sau đó cột vào cái cây thước bảng, mồi lửa cho cháy và xách gậy quơ quào chạy lung tung như thằng dở rồi cười phớ lớ. Lũ hàng xóm nghe động, phát hiện có even liền vác bửu bối kéo nhau chạy qua nhập tiệc, chó sủa vang cả xóm…
Một hình ảnh là rất dễ thương nhưng cũng buồn phải không các bác!!
Cũng vì lao động cực khổ như thế nên thanh niên chỗ mình cứ tới 17, 18 tuổi, sau cả chục năm cống hiến cho nền nông nghiệp, thì thằng nào thằng nấy cũng đen thùi lùi như con quạ, người thì ốm nhom ốm nhách mà bắp chân bắp tay to còn hơn cả cột nhà. Mà nhìn cái tướng tụi nó thấy lẹt đẹt vậy chứ vác bắp, vác bí toàn chơi cần xế, bao tải năm sáu chục ký, chạy ầm ầm từ sáng đến chiều không xi nhê à nha.
Nói vậy để các bác biết trẻ con dưới quê, cả tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng nương rẫy, lớn lên cho dù có ăn mặc, sửa soạn đến cỡ nào thì ra đường người thành thị nhìn tụi mình là vẫn thấy ngay hai chữ nhà quê to chần dần trên mặt. Thế nên khi thấy mấy con nhỏ Long Khánh chịu chơi với bọn mình nhiệt tình và vui vẻ như vậy thì làm sao mà hai thằng không thích thú, tự hào cho được. Các bác cũng vậy nhé, đừng thấy các bạn nhà quê nhìn đen đen bẩn bẩn mà cạch mặt tụi nó. Đen thì các bác biết rồi, còn bẩn thì không bẩn đâu, cứ yên chí, ở đâu chăng nữa thì sinh ra đứa nào cũng đỏ hỏn, bụ bẩm như nhau, chỉ là do lớn lên lam lũ quá mà không được trắng trẻo, xinh xắn chút thôi thôi. Còn cái chuyện người xấu người tốt thì chỗ nào cũng có này có kia như nhau à, cứ chơi với nhau đi thì các bác sẽ thấy bọn nó cũng nhiệt tình và nghĩa khí chẳng thua ai bao giờ.
…
Trở lại đêm hôm ấy, trong tâm trạng vô cùng phấn chấn vì không ngờ mọi thứ lại ngon lành và suôn sẻ hết mức, đặt biệt hơn nữa là cuối cùng không những không thiếu mà còn dư tới hơn 80k trong người. Chả là hôm trước thằng Tr có mượn hơn trăm k của thằng thiếu gia con salon xe cùng lớp ngoài Ông Đồn nữa. Hai thằng cứ phè phởn định bụng là lát ghé Suối Cát thăm em bán bánh xèo mà lâu quá rồi không không gặp, làm vài dĩa cho nó ấm cái bụng rồi về đánh một giấc nữa là trọn vẹn.
Về cái em bánh xèo dễ thương này thì tụi mình địa được từ hồi hè năm lớp 9, lúc ấy ẻm nhỏ xíu, học lớp bảy lớp tám gì đó. Cứ mỗi lần đi đâu ngang Suối Cát là kiểu gì cũng tấp vào ủng hộ. Nhìn ẻm lúc nào cũng thấy một sự hồn nhiên, ngây thơ, đặc biệt là cặp mắt lúc nào cũng hiền khô, không giống như con chằn lửa trên kia chút nào.
Hôm nay em bánh xèo không bán, cũng có thể là đã dọn hàng từ đời nào cũng nên. Thôi thì lỡ rồi, ghé tạm con mụ béo to còn hơn ma mút ở quán đối diện vậy. Bữa vui quá xá, đang vừa ăn vừa nói xấu đàn bà thì mình chợt nhớ tới C:
– Đậu má từ từ, làm gì mà tham như trâu vậy mày, hết mịa rau sống của tao?
– Thì kiu thêm đi – thằng bạn đáp cho có chứ miệng vẫn không ngừng nhai điên cuồng.
– Hôm nay không có C, tiếc quá. Tự nhiên nó là người thông báo rồi rủ tụi mình lên, thế mà cuối cùng cả đám đi chơi nó không biết gì cả, tao thấy ngại ghê luôn.
– Sax, mày nói mới nhớ, giờ làm sao?
– Đáng ra phải là con C mới đúng, thế mà bốn đứa lại là con Th, mai thế nào bà H cũng kể, không biết nó có nghĩ gì không nữa!
– Giờ làm sao mậy? Hay là gọi điện kiu con H đừng có kể lại.
– Không kể mới sợ, gặp tao với mày thì có kể với nhau không?
– Đậu má chứ làm sao? Tao cũng thấy ngại quá, biết thế thế lúc nãy để lại số điện thoại cho ông anh nó nhắn nó gọi lại cho rồi.
– Biết sớm quá ha? Chắc đành chờ dịp sau bù cho nó chứ làm sao, cố gắng tết này rủ tụi nó đi chơi cũng được kìa.
– Chắc vậy. Ah, còn vụ đi chơi nếu tụi nó đi thì tiền bạc sao đây mày?
– Hổng lẽ kiu tụi nó đóng?
– Đờu, bốn đứa cũng gần cả chai à, chưa kể khả năng có thêm bé Th…
– Sax, có gì phải mượn Tâm keo quá, tết này Tâm keo giàu lắm, được bao nhiêu được, còn lại chắc nhờ ảnh phụ một tay rồi!
– Mày mượn đi!
– Uh để tao, vậy kiểu gì cũng phải rủ ảnh lên Long Khánh một bữa cho biết tụi kia, dễ mở miệng hơn.
– Tuần sau chắc không đi được đâu, đuối cmnr!
– Uh, từ từ rồi tính.
Làm hết hai chục cái bánh thì tính tiền ra về. Từ lúc đó thằng nào cũng im lặng, chả nói câu gì. Sự vắng mặt của C khiến hai thằng hơi tiếc nuối và cảm thấy rất áy náy. Không biết lần sau gặp lại C có nói gì không nữa.
Tags: Ngôn tình hiện đại, Tâm sự bạn đọc, Truyện ngôn tình, Truyện teen, Truyện tình buồn, Truyện Việt Nam, Tự truyện