– T ơi!
– Dạ!
– A1 năm phần, A3 hai phần, C3 hai phần, C4 sáu phần em ơi!
– Dạ ok anh ơi!
…
– Nước sôi đây… nước sôi đây…
– Ê thằng kia làm xiếc hả?
– Dạ em xin lỗi! Dạ anh chị gọi hai phần ạ?
…
– T ơi!
– Nghe anh ơi!
– B2 bốn phần, B3 bốn phần, B5 hai phần, nhanh nhanh lên em ơi!
– Rồi… rồi có ngay, có ngay!
Nhanh hơn một cái máy, mỗi khách là một phần gồm 1 dao, 1 thìa, 1 bánh mì, một đồ chua, 1 khoai tây, 1 xà lách. Hai tay chụp lia lịa, tất chất lên một cái mâm cao ngút đựng gần hai chục phần ăn kèm và bắt đầu chạy. Quán nhỏ người đông nên lúc nào cũng phải chen chúc, chân thì luồn lách, tay thì bê nguyên cái mâm giơ cao qua đầu. Bằng một động tác dứt khoát và chính xác, mỗi bàn thả xuống một lô lóc đồ ăn tương đương với đúng số phần được tổ trưởng báo. Dạo hết một lượt bốn năm bàn rồi lại chạy về quầy để tiếp tục lên đồ. Cứ như vậy, người ra kẻ vào, 3 thằng trong khâu dọn phần đêm nay phải phục vụ cho gần hai ngàn lượt khách.
Nghề nào thì cũng có cái cực cái khổ của riêng nó, nhưng có lẽ đối với nghề chạy bàn, thì việc chạy cho cái nhà hàng này là vất vả nhất từ trước đến giờ. Ở Sài Gòn chắc hẳn không ai là không biết bít – tết Hỏa Diệm Sơn, thời điểm này có thể nói là thằng đi tiên phong và hoành tráng nhất trong việc phục vụ món ăn nhanh và ngon số một này nên hiển nhiên lượng khách cũng ngoài sức tưởng tượng so với các nhà hàng thông thường. Quán hơn hai chục thằng chia làm nhiều khâu: Thu ngân, order, dọn phần, bê chảo, bếp, bar, dọn bàn… Tất cả như một dây chuyền được tự động vận hành hết tốc lực và trơn tru, hoàn toàn không hề có chủ hay quản lý ở đây. Anh em cứ tới giờ vô ca, cơm nước xong xuôi là tự nhảy vào việc của mình. Cắm mặt từ đầu tới cuối không rãnh nổi dù chỉ là một giây để đi “ấy”. Những ngày bình thường, quán vắng lắm cũng đã bảy tám trăm lượt khách, riêng cuối tuần như hôm nay thì xác định là gấp đôi, gấp ba. Làm riết người ngợm thằng nào thằng nấy như con khô sặc, tại cực quá mà…
Mười một giờ ba mươi, tất cả anh em bắt đầu xếp hàng và ký tên ra về khi chiếc bàn cuối cùng được rửa sạch sẽ. Từ Cao Thắng về đến cầu chữ Y ngót nghét chục cây số, chổng khu đạp về tới nhà thì thân thể cũng rã rời. Tranh thủ tắm cái cho mát mẻ, đặt cái lưng xuống nền chưa đầy năm phút thì mình đã ngủ thẳng cẳng. Công việc mệt học khiến giấc ngủ đến dễ dàng hơn, với lại, sáng sáu giờ kém mình đã phải dậy chuẩn bị đi học.
…
Mình học ở quận 5. Đều như vắt chanh, cứ sáng sáu giờ đạp xe lên trường, chiều bốn giờ thì phọt qua Cao Thắng, và tối về tới nhà thì cũng hơn mười hai giờ đêm. Rất vất vả nhưng không phải ai cũng dễ gì tìm được một việc làm thêm có lương cao như vậy. So với mặt bằng từ năm đến bảy trăm một tháng thì lương chỗ mình là tám trăm, ngoài ra còn được bao một bữa cơm chiều, cũng chẳng tiêu xài gì nên bấy nhiêu đó hoàn toàn đủ nuôi sống mình trên mảnh đất phồn hoa này.
Mà xin vô được cái chỗ này cũng không dễ. Nhớ lần đầu tới phỏng vấn tạch, lần hai cũng tạch. Vì mình không có kinh nghiệm và thiếu mất CMND gốc do bị mất. Đến lần thứ ba là khoảng một tháng sau, ông chủ nhìn chầm chầm vào bộ hộ sơ mình đang cầm, không thèm xem và nói:
– Thôi được rồi, anh thấy em rất nhiệt tình và rất muốn làm ở đây nên anh sẽ tạo điều kiện cho lần này. Cố gắng làm cho tốt!
Nói rồi ỗng viết cho mảnh giấy và nói chiều tới đây đưa cho tổ trưởng rồi vào làm. Công nhận mình cũng phải nể cái độ kiên nhẫn và lì lợm của chính mình.
Phòng trọ mình thuê nằm trên một dãy gác trệt tầng hai, ngoài mình ra thì chắc không ai ở được nữa. Không phải vì chịu cực không nỗi mà đơn giản vì nó chỉ vỏn vẹn chưa tới ba mét vuông. Chính xác hơn thì nó là cái khoảng trống giữa hai tấm vách ván của hai phòng hai bên. Bề ngang tầm mét rưởi và chiều dài khoảng hai mét. Nằm xuống là vừa khít, mùa hè thì hơi nóng tí chứ mùa đông thì ấm thôi rồi, cũng chẳng có cửa nẻo gì, nằm xuống thì phía dưới chấn là cái lối đi của phòng bên phải để ra ngoài, thỉnh thoảng họ có đi qua chỉ cần chịu khó cần thận đừng đạp lên chân mình là được. Đồ đạc thì chỉ mỗi cái balo gối đầu, vài bộ quần áo treo trên vách là xong.
Chỗ mình ở nó như một cái khu ổ chuột, có tất cả khoảng ba chục người chia ra nhiều phòng hoặc nhiều ngăn giống mình. Có một điểm chung là hết thảy họ đều là dân Quảng Ngãi, cũng là nguyên quán của mình nên rất dễ sống. Công việc của họ dĩ nhiên cũng chẳng cao sang gì, hơn phân nữa là bán vé số, phần còn lại thì bán dạo mấy cái đồ linh tinh như móc khóa, bấm móng tay, bóp ví… mà họ hay gắn lên một tấm ván vuông vuông được móc sợi dây và đeo một bên vai rồi đi khắp hang cùng ngỏ hẻm. Thường thì khi mình thức dậy thì họ đã đi rồi và khi mình về tới nhà thì họ cũng đã say giấc. Có những ngày không đi học, mình hay gặp họ vào buổi trưa khi một số người về nhà ăn cơm hoặc chăm đón con. Phải nói, có sống chung ở đây mới cảm nhận được cuộc sống của những con người thuộc tầng lớp gần cuối của xã hội này. Vô cùng cơ cực và vất vả, người nào cũng đem nhẻm, ốm nhom ốm nhách. Làm được bao nhiêu đều dành dụm gửi về quê, bữa cơm chỉ vài cọng rau với ít cá khô. Sống bao nhiêu tháng trời chưa hề thấy ở họ một bữa nhậu nhẹt, chơi bời là gì…
Sáu tháng, cũng bằng đó thời gian mình chưa gặp lại tụi Long Khánh. Đằng sau nỗi nhớ da diết dành cho em còn là một chuổi ngày vô cùng vất vả lo học hành thi cử khiến mình không tài nào dứt ra được. Rồi còn làm hồ sơ nhập học, chạy đôn đáo tìm nhà trọ, ăn ở xong rồi thì phải lo kiếm việc làm thêm. Mọi thứ liên tiếp cuốn mình theo, cái nào cũng quan trọng và cần thiết nên cũng đành phải gác lại chút tình trai gái để mà lo ổn định mọi thứ. Thỉnh thoảng chịu không nổi thì ra bưu điện đánh dây thép về, cũng chẳng dám nói gì nhiều, loanh quanh năm ba câu chuyện học hành, sức khỏe. Em thì vẫn rất vui vẻ và nhiệt tình, có vẻ như sự vắng mặt của tụi mình cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến cuộc sống của em. Thôi thì duyên số nó vậy, biết sao bây giờ.
Có những đêm mình trằn trọc suy nghĩ, liệu quyết định của ngày hôm ấy có là đúng hay sai? Nếu thời gian có quay trở lại biết mình sẽ chọn khác đi không? Sài Gòn phù phiếm xa hoa, những đêm cọc cạch mười hai giờ đêm đạp xe một mình, nhìn đường phố lộng lẫy, những tòa nhà cao chót vót, những nhà hàng sang trọng, những cậu ấm cô chiêu đèo nhau trên con xe tay ga bóng lộn, các ông các bà bước ra từ vũ trường, khách sạn với bộ cánh đẹp đẽ, quý phái… mới thấy mình còn quá nhỏ bé và cơ hèn. Thằng Tr từng nói với mình: “Có một nỗi đau của người đàn ông mà không ai nhìn thấy, đó là khi mày chở vợ mày trên một con xe máy và đi ngoài đường, đó là tao đang nói xe máy chứ chưa phải xe đạp, hai vợ chồng mày đi ngang qua một nhà hàng sang trọng được lấp cửa kính nhìn ra đường. Bên trong là những cặp vợ chồng giàu có đang vui vẻ ăn những thứ đồ ăn hấp dẫn và đắt tiền. Dù không ai nói với ai câu nào, vợ chồng mày cũng chẳng mảy may nhìn vô. Nhưng trong cái khoảnh khoắc ấy, mày sẽ thấy có một nỗi đau tột cùng nghẹn ngào vụt qua trái tim mày”. Có lẽ rồi mình sẽ phải cố gắng thật nhiều nhiều, rất nhiều nữa là đằng khác…
Tags: Ngôn tình hiện đại, Tâm sự bạn đọc, Truyện ngôn tình, Truyện teen, Truyện tình buồn, Truyện Việt Nam, Tự truyện