Nhà tôi vốn lúc nào cũng đầy ắp người đến chơi, nhưng bây giờ thì còn nhiều hơn nữa, vì nhà tôi mới lắp wifi mà mẹ tôi hay gọi là “cục hai phai”. Đời sống ở xóm tôi cũng khá nhưng lại rất ít nhà có wifi, điều này hẳn là có lý do. Với những nhà kinh tế ở mức bình thường, con cái đi học xa, bố mẹ ông bà ở nhà dù có tập tọe dùng Smart phone thì việc bỏ ra gần 200k 1 tháng có vẻ không thiết thực cho lắm. Còn với những nhà kinh tế khá thì họ lại chả thích việc dùng mạng chậm rì rì khi phải dùng chung với nhà hàng xóm. Thế là gần như nhà ai có nhà ấy dùng. Xin mật khẩu thì vẫn cho nhưng mà nói chung là không thật sự vui vẻ gì.
Nhà tôi có wifi, mọi người đến chơi có thể tranh thủ vào mạng, kể cho nhau những câu chuyện đọc trên ấy, những video hay ho ở trên mạng hay chỉ đơn thuần là cả mấy bác liền cả chiều thay nhau cũng chẳng nhập được cái mật khẩu. Có thứ giải trí, mọi người vui vẻ hơn, thân mật hơn và thế là tình cảm dần đi lên. Có khi mọi người chủ đích sang có việc dùng nhờ wifi, thế là tiện thể có cơ hội ngồi nói chuyện luôn. Nói cho đúng là wifi nó không mang con người ra xa như ở thành phố mà lại mang mọi người đến gần nhau hơn. Vì cơ bản có 1 điểm khác biệt, chỉ cần Cô nào mà xem được thời tiết cả tuần hay là biết trước nội dung phim Cô dâu 8 tuổi, thì tất cả cùng nhau bàn tán rôm rả mà chẳng biết điện thoại nằm ở chỗ nào. Họ gần nhau như thế đấy, vì cơ bản họ không bị con nghiện Smart phone xâm chiếm. Đấy là lý do tôi công khai pass wifi mà chỉ mua loại 1 râu nên chẳng phát được xa.
Từ khi có cục wifi, em gái tôi mắc thêm bệnh “hắt xì liên miên”. Chuyện này tất nhiên cũng có nguyên do. Cục wifi là nó mua về nên nó nhất quyết mật khẩu wifi theo ý nó. Và mật khẩu nó chọn là ngày tháng năm sinh của nó. Mấy cô bác ở quê thì thường hay quên, lại chả biết để chỗ tự động bắt mật khẩu, mỗi lần đến họ lại hỏi. Biết thế, tôi dặn mẹ nếu có ai hỏi thì mẹ bảo là “sinh nhật con gái”. Thế là vì cái mật khẩu ấy, người ta thường xuyên nhắc đến tên em gái tôi, thế là nó cứ hắt xì hơi liên tục, nhất là tầm chiều. Người lạ đến chơi thấy hàng xóm hay bọn trẻ con hỏi “Sinh nhật chị Linh là ngày nào hả bác”, người ta không biết nên thấy xóm tôi quan tâm đến em gái tôi quá thì cứ xuýt xoa cả xóm thân nhau quá, lại khen nhà tôi được cả xóm quý, thế là lại thấy vui vui.
Nhà tôi mở 1 cái quán bán hàng, được 2 năm rồi và hầu hết những người đi học hay công tác xa đều bảo “Cái quán nhà tôi làm văn minh cả xóm”. Trên thực tế thì nhà tôi cũng chẳng cách cái đại lý to nhất cả huyện bao xa nên người mua ban đầu cũng ít dù rằng quán bán rất rẻ. Người ta vẫn giữ cái quan niệm đi xa để tiết kiệm 5 trăm hay 1 nghìn rồi lải nhải mấy điệp khúc “Ai cho 1 nghìn bây giờ”. Dĩ nhiên điều ấy với cái quán nhà tôi chẳng quan trọng lắm, quán vẫn đông khách và điều tôi vui nhất là rất nhiều anh chị trong xóm đi học đi làm xa, hiểu biết hơn, biết giá cả hơn thì họ đều mua ở quán nhà tôi.
Rõ ràng cũng chả lời lãi là bao nhưng nếu ai trong xóm mua ở quán tôi bán hàng cũng thấy vui vẻ hơn, vì cơ bản tôi thấy được ít nhiều tình cảm của họ nằm trong ấy. Vài hôm lại thấy mẹ tôi khoe cho người này cái này, cho người kia cái kia, bọn trẻ con thì lúc nào cũng hứng khởi khi được cho kẹo và luôn chào mẹ tôi bằng hết tất cả sức lực và không khí trong phổi. Mẹ bọn trẻ thì “sĩ dởm” và cấm còn chúng thì luôn xin rất nhiệt tình. Mua mấy cân hướng dương bán Tết thì mỗi người đến mua cho thêm 1 ít đến cuối cùng có khi chả đủ vốn nhưng vẫn thấy vui, vui một cách dã man như cái cách mà mỗi anh chị ấy bảo “Cái quán nhà tôi làm văn minh cả xóm”.
Nhà tôi luôn là nhà đèn sáng muộn nhất xóm. Chẳng phải vì tôi chăm học đâu mà là đèn của mọi người đến xem tivi. Cái tivi cũng đểu đểu thôi nhưng mà đặc biệt. Không phải nhà họ không có, mà chắc là vì họ thấy vui. Mấy chị em chia nhau từng hột ngô rang, vài cái bỏng bộp, vài miếng khế, nói chuyện to hơn cả tivi, phim thì chẳng xem mà toàn đi nói chuyện ngoài lề. Mọi thứ kết thúc khi nhạc kết thúc phim vang lên, ai về nhà nấy và không quên hứa hẹn tối mai lại sang xem. Phong cách xem film nông dân chân chất, mọi người cùng nhau chia sẻ cái sự văn minh nhỏ bé mà ấm áp.
Thế đấy, văn minh ở quê và ở nhà tôi là như vậy đấy. Bình thường thôi, giản dị thôi nhưng mà đúng là rất văn minh mà lị.
…
Lão lè nhè:
– Con Canh đâu?
Cô con gái rón rén lên nhà, run cầm cập trước bố. Lão lèm bèm: “Con nặc nô! Mày đi đực cái với thằng nào để trương bụng ra, cả làng người ta ỉa vào mặt tao rồi kia kìa!”.
Canh xám mặt, run rẩy quỳ xuống. Lão hừm một tiếng, rồi quát:
– Mụ già đâu!
Vợ lão lập cập dưới bếp đi lên, cúi mặt bên chồng. Tợp thêm một ngụm nữa, lão co giò đạp mạnh vào vợ. Bà khuỵu xuống. Lão nghiến răng:
– Nhục! Chúng mày bôi gio trát trấu vào mặt tao! Cút hết đi!
Lão đạp mâm cơm tung tóe rồi ôm mặt khóc. Đôi vai vạm vỡ cứ nhô lên, hạ xuống theo tiếng rống ồ ồ từ cổ họng tuôn ra…
Lão đau! Muộn mằn lắm, vợ chồng lão mới có hai mụn con. Chỉ có điều hai con vịt giời này lớn lên thay đổi khuôn mặt như bị phù phép. Con chị hồi bé xinh xắn bao nhiêu thì lớn lên hệt bố bấy nhiêu. Thân hình ục ịch, cái mặt bè bè, cái mũi tẹt thù lù. Con em lại thanh thoát, da trắng, môi đỏ. Hồi bé, cô đen đủi, cóc kẹ không được bố yêu quý như cô chị. Càng lớn cô càng giống mẹ, không có nét nào của bố. Sẵn tính đa nghi, lão nhìn con lại cứ liên tưởng đến thằng cha hàng xóm trước đây ở quê. Biết là hắn ta hay nhìn trộm vợ mình, lão tức mà không làm gì được. Nhân có đợt vận động đi khai hoang, lão lôi thốc cô vợ trẻ lên vùng đồi núi hoang sơ này lập nghiệp. Được dăm năm mụ làm một mạch hai cô con gái rồi tịt luôn. Lão thèm quý tử mà đúc mãi không được. Lão hằm hè với vợ và đứa con út. Lão nhìn nó như nhìn thấy cái gai. Đích thị là mụ vợ tuy ăn nằm với mình nhưng bụng vẫn nghĩ về thằng đốn mạt ấy nên đứa con đẻ ra mới giống hắn đến thế! Vậy là sinh ra nghịch cảnh yêu con này, ghét con kia…
Và bây giờ con chị đã đổ đốn! Sáng nay, thằng trưởng thôn rỉ tai lão rằng: Con gái lão đã ăn trái cấm mà sao lão vẫn phởn phơ vậy! Lão cay đắng quá! Nhà này động mồ động mả rồi hay sao mà có con chửa hoang!? Hực! Cái giống nếp mới này uống vào cứ êm như ru nhưng ngấm là ngấm đến từng lỗ chân lông. Hực! Lão trút hận vào tiếng khóc. Hực! Nước mắt chảy vào mồm cay cay. Ô! Bao nhiêu rượu đều biến thành nước mắt hay sao?! Hực! Hực…
… Lão mở mắt. Mặt trời đã vượt khỏi dãy Bạch Kê. Nhà vắng tanh, chắc mấy mẹ con nó đã sang sân giở gạch. Lão phăm phăm ra cổng.
– Cháu chào bác ạ!
Lão giật thót người lên. Thế – Bí thư Đoàn xã – đứng trước mặt lão cười cười, tay cầm mấy cái khuôn gạch vừa sửa. Khổ thế đấy! Nhà toàn đàn bà con gái đái không qua ngọn cỏ, rời tay lão này ra là rối beng hết cả lên. Có cái khuôn gạch đứt dây mà để thằng khác đem đi sửa thì nó coi cái nhà này là cái gì nữa!
– Cháu được nghỉ mấy ngày xuống xem nhà có việc gì cháu đỡ một tay!
– Tôi chả dám!
Thế không ưa thái độ ấy, nhưng đang say cô con gái út của ông, anh tảng lờ rồi ra đảo gạch gần Hồng. Canh lau mồ hôi nói với sang Thế:
– Anh Thế không theo được việc nhà em đâu!
Thế nhã nhặn:
– Theo được bao nhiêu thì theo, mình cũng tập làm cho quen, sau này còn giẫm gạch giúp bố vợ chứ!
Thế âu yếm nhìn Hồng. Canh sa sầm mặt. Cô giận em gái rất vô lý cứ như Hồng đã cướp người yêu từ tay mình…
… Nhìn con gái lớn, lão thương đứt ruột. Xấu như nó, lại gặp thằng Sở Khanh thì chỉ có thằng điên mới ngó ngàng đến. Ờ! Mà có cái thằng điên đó thật, thì lão sẽ cho chúng nó dăm lò gạch để xây nhà! Có gì cho tất… Lão đăm chiêu… Tự nhiên, lão nghĩ đến Thế. Lão kéo Thế vào lán gạch, khề khà:
– Anh Thế hôm nào đến uống với tôi chén rượu. Có can rượu Vân mà không có người uống cùng. Chán quá!
– Vâng ạ! Cháu có thể hầu bác cả buổi. Nhưng phải đợi đến chiều ngày kia, cháu đi họp về bác nhé! – Thế mừng rơn khi thấy ông nhạc tương lai không khinh khỉnh nữa.
…
Sáng ấy lão bắt vợ và con gái út ra thị xã thăm bà chị họ lão ốm nằm viện. Rồi lão bắt Canh ra lò gạch và dặn Canh cứ làm theo lời lão. Khoảng 5 giờ chiều, Thế hớn hở đi qua. Thấy Canh đang chuyển gạch một mình, anh nhảy vào giúp. Được một lát, Canh nhăn nhó ngồi phịch xuống giữa rãnh:
– Anh Thế ơi! Em… em đau quá!
Thấy Canh ôm bụng nhăn nhó, Thế hốt hoảng dìu cô vào lán. Canh nằm vật ra giường quằn quại: “Ối đau chết mất thôi! Anh Thế đưa cho em lọ dầu cuối giường!”. Thế luống cuống tìm lọ dầu gió, rồi đứng như trời trồng. Canh vẫn vật vã kêu hoảng loạn:
– Anh… Xoa vào bụng nhanh không thì em chết mất! Ối mẹ ôi!
Thế lúng túng hết chạy ra sân lại vào lán, chỉ mong nhìn thấy bóng ai đó. Thấy Canh gần như ngất xỉu anh hốt hoảng, lóng ngóng dốc hết lọ dầu ra tay rồi cực chẳng đã vén áo Canh lên, run rẩy xoa dầu lên khoảng bụng đang căng. Canh càng vật vã đau đớn, lăn lộn, cạp quần trễ xuống tận đùi. Thế hốt hoảng đứng vội lên, Canh nhoài theo, ôm cứng lấy Thế:
– Anh Thế ơi! Thương em với! Em yêu anh…
Thế giằng mạnh nhưng không thoát khỏi vòng tay điên loạn. Canh đã gỡ được thắt lưng và kéo chiếc quần dài xệ xuống…
Vừa lúc đó, Lão Cán đứng lù lù giữa cửa, tay cầm con dao phát, xông thẳng vào túm cổ áo Thế: “A! Thằng đốn mạt này! Cứ để nguyên vậy!”. Rồi lão trói nghiến Thế lại. Canh ngồi góc giường tấm tức khóc. Mãi Thế mới nói một câu: “Tôi sa bẫy bố con ông. Giờ ông muốn gì?”.
Lão Cán điềm nhiên rút xoạch tờ giấy trên mái lán xuống, chìa ra trước mặt Thế, anh nóng nảy không cần biết nội dung gì, giật chiếc bút trên tay lão rồi ngoằng ngoằng chữ ký thiếu suy nghĩ.
… Cả xóm xôn xao về việc ông Cán làm đám cưới cho con gái đầu lòng. Ai cũng bảo tưởng Thế yêu cô em, hóa ra lại lấy cô chị… Còn Hồng! Cô khóc ngất khi từ tỉnh trở về thì việc đã rồi… Cô trốn đám cưới ra lò gạch nằm khóc trong lúc chị gái nhận chiếc dây chuyền mẹ đeo vào cổ chúc phúc.
Đêm tân hôn, Canh sụt sùi xin Thế tha thứ. Thế thở dài “Cô cứ yên tâm chửa đẻ. Danh chính ngôn thuận tôi là bố đứa bé. Còn chuyện tình cảm thì không nói trước được điều gì!”.
Thế quay lưng lại, nằm im.
Canh hai, tiếng chim từ quy khắc khoải trên cánh rừng quế sau nhà, Thế ngồi dậy, thương hại nhìn người đàn bà nằm bên cạnh mình mà anh phải gọi là vợ đang ngáy phì phò. Anh ra sân, rồi vừa đi vừa chạy sang sân gạch. Hồng vẫn chờ anh. Tuy chẳng hẹn, nhưng những ngày qua, dõi theo dáng đau khổ của Thế, Hồng ngậm ngùi nghĩ cả hai sẽ phải sống trong nghịch cảnh phũ phàng…
… Cái bụng Canh đã chềnh ềnh. Canh đi chợ cười nói oang oang ra dáng tốt số, hạnh phúc. Thế thường về nhà lúc chạng vạng, chân nam đá chân chiêu, nhiều lần ngủ gục trên bàn làm việc trong buồng. Cùng lúc đó, Hồng thấy nhiều triệu chứng của người có thai. Một đêm, Hồng lo sợ kể ra điều đó. Thế lặng đi. Niềm vui và nỗi cay đắng bất ngờ trào đến… Sực tỉnh, anh ôm chặt Hồng hơn:
– Chúng mình trốn đi!
– Trốn đi đâu?
– Về quê! Quê anh cũng là quê em! Họ hàng sẽ đùm bọc chúng ta!
– Nhưng… em sợ bố giết anh, giết em!
– Hổ dữ không ăn thịt con đâu!
– Còn sự nghiệp anh?
Thế ôm chặt Hồng: “Em là tất cả cuộc đời anh rồi! Anh không cần gì hết! Chỉ cần chúng mình đồng lòng là được!”.
Tuần sau, làng trên xóm dưới lại ầm ĩ chuyện anh bí thư đoàn mất tích cùng cô em vợ. Nhìn con gái với cái bụng to vượt mặt khóc rưng rức, lão Cán lồng lộn. Chả lẽ một đời lên thác xuống ghềnh của lão lại chịu thua thằng rể vắt mũi chưa sạch! Nó đã chọc vào nỗi đau của lão nhiều lẽ: Nó dửng dưng với con chị, nhưng lại xơi con em! Con Hồng đích thị là linh hồn thằng đốn mạt dưới quê rồi! Cả đời lão căm thù thằng chó ấy! Lão đã thua hắn! Đời lão thua hắn mà bỏ quê đi! Đời con lão thua hắn lại trở về quê! Đau đến mờ mắt lão ra công an huyện tố cáo. Trong tờ khai, lão ghi rõ: Tên Trần Văn Thế đã lấy cắp tài sản công dân (một chiếc xe cup 67 – giấy tờ vẫn đứng tên lão) hai chỉ vàng cùng 5 triệu – những thứ sau lão bịa thêm vào…
…
… Suỵt! Con chó vàng nhận ra chủ cũ quẫy đuôi mừng rối rít. Thế nấp sau hàng râm bụt từ sẩm tối. Anh vẫn chưa hết bàng hoàng về việc đã đánh lừa cảnh sát trốn được về đây. Anh rất sốt ruột khi Hồng một mình trở về nhà sau khi anh bị cảnh sát dẫn giải… Thế bò vào hiên sau, thì thào gọi tên Hồng. Cô bật dậy rồi ngã dụi xuống. Trời ơi! Hồng đã bị xích bằng một dây xích sắt. Cánh cửa lạch xạch, bà mẹ bước vào, Thế vọt ra đằng trước rồi hiện ra sừng sững giữa cửa:
– Mẹ!
Bà mẹ sững sờ. Thế dứt khoát “Mẹ hãy giúp con và Hồng trốn khỏi đây”.
Bà mẹ như sực tỉnh.
– Ừ! Các con trốn đi không thì mai bố đi đám cưới về thì chết cả lũ!
Bên kia gian buồng có tiếng trẻ oe oe, tiếng Canh khê khê nằng nặng dỗ con. Bà mẹ lau nước mắt, tất tả sang với cháu. Thì ra, sau khi Hồng trở về, ông bố đã quyết định gia cố vào gian chái cái cửa thật chắc chắn để nhốt Hồng. Lão tuyên bố, nếu Hồng thoát ra ngoài, trước hết lão chặt một ngón tay của vợ, sau đó bắt được sẽ chặt một ngón chân của cô! Hừ! Cái loại em mà tằng tịu với thằng anh rể. Đúng là loạn luân! Chỉ có loài chó nó mới thế!
Câu chuyện nhà lão Cán như ngọn gió loan khắp làng trên xóm dưới vốn đã tẻ nhạt từ lâu nay bùng lên như đám cháy rừng. Ai cũng biết chuyện mía ngọt đánh cả cụm của anh con rể. Lão Cán bẽ mặt. Lão nghiến răng thề sẽ băm vằm thằng rể làm trăm mảnh. Biết điều đó, Thế tính sẽ đưa Hồng đi một nơi thật xa, không một ai biết. Đêm ấy, bà mẹ giả ngủ say, còn Thế chỉ một nhát búa sắc ngọt đã giải thoát cho Hồng khỏi dây xích cay nghiệt. Cầm mấy trăm bạc mẹ đưa cho, Hồng quỳ sụp xuống chân mẹ khóc rồi gạt nước mắt ra đi, không biết đến ngày nào trở về. Cô đã chán cái không khí chất chứa lòng căm ghét rũ bỏ của cha và chị gái trong căn nhà này nhất là từ khi cô cùng Thế chạy trốn.
Hai người kéo nhau vào Lâm Đồng làm thuê cho một trang trại cà phê. Họ rủ rỉ niềm hạnh phúc tự do của những người vừa thoát khỏi tù tội! Hồng đẻ con trai vào vụ hoa cà phê trắng sáng cả rẫy. Thế hét lên váng nhà: “Con trai rồi!”.
…
Năm năm sau.
Nhà ông Cán lại một phen hoảng loạn. Cứ đùng đùng, xoang xoảng. Hàng xóm chạy sang thấy ông và chàng rể đang giằng co nhau. Hồng ôm chặt bà mẹ vừa bị ngất đi trong tay cô. Hai đứa trẻ khóc ầm ỹ. Ông Cán vừa vụt rể bằng điếu cày, vừa nghiến răng: “Mày làm tan nát nhà tao! Hừ! Mày làm đời con tao khốn khổ! Bây giờ nó đi đâu? Mày mang nó về trả cho tao! Hừ! Hừ!”.
Bị hàng xóm ôm chặt, ông còn cố giơ chân ra đạp Thế thêm mấy đạp nữa. Trong buồng, Hồng rú lên thất thanh:
– Bố ơi! Mẹ… Chết rồi!
Đang lồng lộn, lão rũ người xuống, rồi cứ khom lưng như vậy bước vào. Bà nằm im, mắt trợn trừng, mặt co rúm như đang chịu một nỗi đau lớn. Một người đang cố day ngực bà, rồi lắc đầu. Lão cúi xuống, xoa bàn tay thô ráp vuốt mắt cho vợ rồi ngẩng lên nhìn mọi người bằng con mắt thất thần, đột nhiên lão gục xuống ngực người quá cố rống lên ồ ồ. Cả một đời người vợ tảo tần nhẫn nhịn, không một niềm vui trọn vẹn đã kết thúc như vậy. Có lẽ kiếp trước bà đã mắc nợ lão nhiều quá, nên cả kiếp này phải còng lưng trả vẫn không hết nợ đời, nợ kiếp cho lão!
Sau cái chết của vợ, lão Cán thành con người khác hẳn. Không nhuệ khí, không lời cay độc chửi rủa, không con mắt hằn học. Nhìn ông già suốt ngày ngồi bó gối trên chiếc tràng kỷ lên nước bóng loáng, Thế thấy thương xót. Thỉnh thoảng, đôi mắt lão ánh lên niềm vui khi nhìn thấy hai thằng cháu ngoại chơi với nhau. Thế hiểu hẳn rằng Canh cũng chẳng sung sướng gì khi bỏ đứa con lên ba cho bố mẹ để đi biệt tích. Giờ cô ta ở đâu? Có thể sự hiện diện của cô sẽ sưởi ấm lòng ông già vợ một thời cay nghiệt tàn nhẫn với vợ chồng anh.
Công cuộc tìm kiếm Canh bắt đầu.
Thế thông báo trên truyền hình rồi về quê, lên Hà Nội… Mỗi lần về nhà, nhìn vào đôi mắt đục lờ ánh lên niềm hy vọng rồi lại tối sầm của bố vợ 70 tuổi đáng thương, Thế lại không chịu được. Với ông thời gian còn ít lắm. Sự khắc khoải vô vọng như con sâu lá đang gặm rất nhanh mảnh đời còn lại của ông. Đã có lần, Thế thấy ông cầm bàn tay đứa cháu lắc lắc mà mồm vẫn gọi: “Canh ơi sao không về với cha? Các em về rồi đây, cả Thế nữa…”.
…
Giữa lúc tưởng như thất vọng nhất thì Canh về.
Chiều hôm ấy, cái rét ngọt của chiều cuối năm se sắt như cắt vào da thịt. Chiếc xe ôm đỏ bụi đường khựng lại giữa sân. Người đàn bà ngồi sau gỡ tấm khăn trùm mặt rồi lao vào nhà, khuỵu xuống bên cạnh người cha đang ngồi như bất động trên tràng kỷ, khóc hu hu: “Bố ơi! Sao đến nỗi thế này? Hu… hu…”.
Lão Cán cầm bàn tay con gái xa xót. Ngày trước, tay nó đâu chai sần nhiều như thế này, mà bây giờ cứng như tay thợ xây! Nó đấy! Đứa con gái yêu quý của ông chỉ vì một suy nghĩ quẩn mà ông đã đẩy nó và cả nhà này vào chỗ tan nát. Cả cuộc đời ông lên rừng xuống biển nếm đủ mọi cay đắng mà thất bại vẫn hoàn thất bại. Giá như ngày ấy, cái ngày định mệnh ông không trói buộc duyên con em vào con chị thì có lẽ chúng nó đã yên phận mình. Mà bà ấy cũng không đến nỗi ra đi mà không thể nhắm nổi mắt!
Thấy Hồng cùng hai đứa trẻ vào sân, Canh lao ra ôm chặt thằng con kháu khỉnh rồi lảo đảo đứng dậy trước Hồng nghẹn ngào: “Hồng ơi! Tha lỗi cho chị!”. Hai chị em ôm chặt nhau òa khóc: “Các em đi đâu… Chị đi đâu bằn bặt… Cho em xin lỗi… cho chị xin lỗi…”.
… Đêm đó có ba người không ngủ. Canh kể các bước ra đi của cô. Cái đêm Thế và Hồng phá xích trốn, Canh biết. Cô muốn vùng dậy, đuổi theo chồng, nhưng lại chùng xuống với suy nghĩ anh như cánh chim trời không thể trói nổi. Thôi thì lọt sàng xuống nia. Nghĩ thì vậy, nhưng đau. Chồng mình bằng thật mà em mình dám vượt mặt mình cuốn đi. Cô thù em gái, thù Thế, thù cả người mẹ đã tiếp tay cho chúng. Nhưng ngày hôm sau, thấy bố lồng lộn bên người mẹ đáng thương đang run như dẽ, Canh lại thấy cần bảo vệ bà. Khi lão Cán hằn học lôi dao ra, Canh đã quỳ xuống khóc xin cho mẹ, xin cha rút đơn tố cáo và không truy đuổi theo các em nữa, lão mới tha cho bà. Nhưng vẫn thề sẽ tìm cho ra hai kẻ gian phu dâm phụ kia về giết!
Ba năm trời nuôi con và ngóng người trở về. Nhiều đêm không ngủ, tiếng chim Bắt cô trói cột làm Canh thảng thốt. Cô thấm thía nỗi đau khổ của cha mẹ khi hai người ăn đời ở kiếp với nhau mà không hề có tí hạnh phúc của tình yêu. Cô liên tưởng đến tình cảm hai vợ chồng cô và cay đắng nhận ra rằng không thể ép buộc trái tim người khác theo nhịp đập trái tim mình.
– Thế chị đi đâu mấy năm nay? Hồng dè dặt hỏi.
– Chị về quê, rồi vào Thanh Hóa tìm các em. Trước đây, đã có lần Thế kể có người họ xa trong đấy mà. Hết tiền, chị làm thuê đá xẻ, mong gặp lại các em để xin lỗi, đưa lá đơn ly hôn cho Thế ký và gọi các em về nhà làm ăn sinh sống. Mình có nhà cửa, đồi rừng, ao hồ rộng, thỏa sức mà làm, tội gì…
Nước mắt chan chứa, ngập ngừng một lát, Canh nấc lên:
– Chị đã… đã cướp Thế từ tay em, chị lại trả Thế cho em đấy…
Lau nước mắt, Canh quay sang Thế nghẹn ngào:
– Tôi xin lỗi Thế! Giờ tôi cởi trói cho Thế. Tôi đã làm hai người khổ lắm rồi… Tôi cũng khổ tâm lắm… Thế có hiểu cho tôi không…
Canh nức nở, Thế nắm bàn tay “người vợ hôn thú” nhẹ nhàng:
– Canh nín đi! Tôi và Hồng cũng cúi xuống xin Canh tha thứ. Chính tôi đã lừa Canh, dẫn Hồng trốn, để Canh phải đi tìm cực nhọc trăm bề…
Hồng lí nhí:
– Tội em lớn nhất, em đã cùng anh Thế chạy trốn…
– Không! – Cả ba giật nảy mình quay lại. Ông Cán đứng đằng sau từ lúc nào. Ông thắp một nén hương cho vợ, lẩm bẩm:
– “Bà ơi! Trước hết tôi cúi xin vong hồn bà hãy tha thứ cho tôi! Cả một đời bà vất vả khổ sở vì tôi, tôi đối xử với bà không ra gì mà bà vẫn không một lời trách cứ…”
Ông đi đến bên bàn, trang nghiêm với những người con:
– Xảy ra mọi chuyện là do bố hết. Bố xin các con bỏ qua tất cả tội lỗi bố đã gây ra cho các con trong suốt những năm qua. Bố khốn nạn quá! – Lão đấm ngực thùm thụp, nấc lên – Trời ơi! Con người lão già này sao tàn ác đến thế! Hãy để cho tôi gánh hết mọi tội lỗi tôi đã gây ra, để các con tôi được hạnh phúc, bình an. Hồng ơi! Thế ơi! Canh ơi! Một lần nữa các con hãy tha thứ cho bố, rồi sống với nhau như nào cho phải lẽ…
Mọi người rưng rưng nước mắt. Canh ôm chầm lấy Hồng sụt sùi. Mọi đố kị, giận hờn sạch lâng. Lần đầu tiên trong đời, cô cảm nhận được tình cảm chị em thiêng liêng đến nhường nào. Cạnh đó, hai người đàn ông tay trong tay, giàn giụa nước mắt. Căn nhà tràn ngập hương trầm thơm ngát.
Bên ngoài trời sắp sáng, cuối trời xa thẳm, một ngôi sao sáng xanh lấp lánh. Cữ trời này, ngày mai sẽ nắng ấm đây.