Tôi vẫn có thói quen lang thang bên bờ sông mỗi buổi chiều những ngày cuối tuần. Không gian thoáng đãng, vắng vẻ và tĩnh lặng rất hợp với những người sống hướng nội như tôi. Tôi cố ép bản thân mình phải quên đi chuyện của mình và Phương, nhưng sự đời, cái gì càng ép buộc nó, càng đè nén nó thì càng làm mình nhớ thêm. Dẫu vậy thì sự thật cũng chỉ có một – tôi và Phương đã không còn là gì của nhau cả. Những ngày tháng tới đây của tôi sẽ chỉ là học hành, thí nghiệm, và biết đâu sẽ là Trang – người mà tôi vẫn cố chạy trốn?
kỳ thi của tôi cũng qua, kết quả không thành vấn đề. Nhiều lúc tôi vẫn tự hào về bản thân rằng không để những chuyện bên ngoài ảnh hưởng đến học hành và công việc. Ngày xưa lúc tôi và Mai chia tay nhau cũng là khi tôi chuẩn bị bước vào kỳ thực tế đầy cam go, hay những ngày lằng nhằng với Chúc cũng là lúc tôi đang phải hoàn thành dự án của giáo sư.
Đang lang thang bước, tôi thấy bóng ai đó quen quen đang thong thả đi theo chiều ngược lại ở phía bên kia suối. Con suối ở chỗ tôi ở rất nông và hẹp, nối hai bờ bằng vài chục phiến đá hình lục phương, nơi mà buổi tối nhiều đôi trai gái vẫn rủ nhau ra đây tình tự hẹn hò.
Nhìn thấy nhau, theo phản xạ 2 đứa giơ tay lên chào vẫy vẫy.
– Đi đâu đó? – Giọng Trang lảnh lót.
– Tớ loanh quanh thôi. Trang đi đâu?
– Tớ cũng thế. Sang đây! – Trang vẫy vẫy.
– Ừ, đứng đó.
– Thôi đứng đó để tớ sang! – Nói rồi Trang bước luôn xuống từng phiến đá định đi sang. Bổng “á” một tiếng – chẳng biết mắt mũi để đâu mà nàng thụt ngay chân xuống khe nước, ngã nhào, đập cả ngực lẫn bụng xuống phiến đá phía trước. May mà mặt vẫn còn ngửa được lên kịp không thì cũng đi luôn cả bộ răng.
Tôi hết hồn, vội vàng chạy sang, vừa chạy vừa nghĩ trong đầu “cái chỗ này mà ngã được kể cũng lạ”. Sang đến nơi thì Trang vẫn đang nằm im, đúng theo tư thế úp mặt xuống đất, mặt nhăn nhó. Dìu vào trong bờ ngồi, mặt em vẫn trắng bệch ra vì sợ, thở lấy thở để vì nãy giờ bị ngừng thở một lúc khá lâu.
Kết quả của pha tiếp đất bằng bụng là chân trẹo sưng vù do đạp xuống tận đáy sông, bụng và ngực đau tức, cứ ngồi xoa bụng rồi lại quay người đi xoa xoa ngực. Nhìn thấy thương quá tôi không đành lòng nên xoay người Trang lại, lấy tay để lên lưng em.
– Làm gì đấy?
– Quay sang đi tớ xoa cho, toàn người lớn rồi ngại gì.
– Thôi không cần đâu!
– Quay sang đi để tớ xoa cho! – Tôi nói hơi to. Trước khi miễn cưỡng quay sang vẫn thấy mặt Trang đỏ rần lên.
Thấy có vẻ hơi sỗ sàng, lại đụng chạm vào người Trang như thế nên tôi cũng phải xuống nước. Thực ra chưa bao giờ tôi có ý nghĩ lợi dụng hay gì đó, chúng tôi đều là người lớn cả rồi, không cần mấy cái trò mèo này để tranh thủ động chạm sờ xịt hay đưa con gái người ta lên giường như mấy cái thằng du học sinh vẫn làm. Nói chung là có qua có lại thôi.
– Sao không? Mắt mũi để đâu mà ngã được?
– Hám trai quá nó thế đấy!
– Giai đẹp đâu chả thấy. Giai này ăn thua gì.
– Còn khó thở không?
– Đỡ rồi, giờ còn hơi tưng tức thôi.
– Có phải đi khám bác sĩ không?
– Thôi. Chắc không sao đâu.
– Cứ đi khám cho chắc bạn ạ, đập cả người xuống cơ mà.
– Ừ, để xem nếu tối còn đau thì mai tớ đi khám.
Lo cái lưng xong tôi lại cúi xuống xem chân Trang. Giờ thì nó sưng như một quả trứng gà. Tôi rút khăn mùi xoa chạy xuống sông thấm nước rồi lên đắp vào quanh cái cổ chân cho Trang. Mấy cái trẹo chân này với con trai thì không sao nhưng với mấy cô tiểu thư như em thì cũng không dễ chịu chút nào. Vừa lấy nước chườm vừa nắn chân cho Trang mà nghe em la oai oái. “Kiểu này là thế nào cũng phải cõng về rồi” – tôi nghĩ trong đầu. Nhưng cho dù Trang có đau và tình huống có éo le thì tôi cũng không muốn đưa mình với Trang vào tình huống khó xử và để có gì đó nảy nở trong đâu 2 đứa. Tôi rút điện thoại ra gọi cho chị D hỏi xem quanh đó có ai có xe máy để ra đón Trang về hay không. Thực ra tôi đã biết anh Thái – thích Trang – có xe máy, con xe cà tàng thôi nhưng vẫn là “đại gia” so với mọi người. Tất nhiên là chỉ vài phút sau thì anh ấy đã ra đến nơi cùng với chị D.
– Sao không Trang? Đi lại thế nào kỳ zạ? – Ông anh này là người Huế.
– Trẹo chân anh ơi, anh với chị đưa Trang qua phòng khám nắn lại đi, nãy giờ em mới chườm lạnh thôi. Kiểm tra cả ngực với bụng nữa, ngã đập người xuống đấy.
– Đi kiểu gì mà ngã được kỳ vậy?
– Thụt chân xuống suối anh ạ.
– Em ngồi sau đỡ Trang nhà Cường – chị D nhìn sang tôi.
– Thôi chị ngồi đỡ Trang đi, em ngồi xe này sập mất – tôi nháy mắt với chị D.
Tôi hiểu chị D muốn gì, nhưng thực ra nó chưa đến mức phải như thế. Nếu là người khác chắc họ cũng ngoan ngoãn ngồi lên theo lời chị D, rất tiếc là tôi không thích kiểu “vun vào” như vậy.
3 người lên xe đưa nhau đến phòng khám còn tôi thì lững thững đằng sau. Đến nơi thì nàng ta đã được bó chân và đang mặc bộ quần áo bệnh nhân ngồi chờ lấy kết quả chụp X – Ray. Xung quanh là rất nhiều bạn bè xúm xít hỏi han. Nhìn thấy tôi một chị trêu ngay:
– Người yêu bị thế mà giờ mới đến hả thằng này?
– Người yêu nào chị? – Trang lấy tay đánh vào người bà chị vừa nói.
– Còn đau không Trang? Bao giờ có kết quả?
– Đỡ nhiều rồi. Đã bảo không cần rồi còn cố đưa vào đây tốn tiền.
– Tiền nong đừng có lo, mỗi người giúp một ít mà.
Cũng may là hôm đó mọi thứ đều không sao, Trang vẫn đi học và đi lên phòng thí nghiệm được bình thường, có điều phải mang theo một cái nạng và đi lại phải có người đưa đón. Tất nhiên là anh Thái – người có xe máy sẽ lĩnh nhiệm vụ cao cả này một cách vui vẻ. Sáng sáng hai người vẫn đèo nhau lướt qua tôi và mấy anh chị, Trang vẫn cố phải ngoái đầu lại mỉm cười với mọi người. Cái chân thì bó cứng, cộng thêm cái nạng gỗ to quá khổ nên nhìn Trang nhăn nhó thấy tội. Bất giác tôi thấy mình thương Trang, một chút tình cảm nhen nhóm trong lòng, có lẽ nó bắt đầu từ việc Trang chạy sang phía tôi để rồi vấp ngã. Đã mấy hôm nay, tôi cứ không ngừng nghĩ về Trang và tự dằn vặt mình rằng tại tôi em mới bị như vậy.
Thấy Trang bị đau thế nên mọi người thay nhau mang cơm lên tận Lab cho em. Tôi tất nhiên là người khả dĩ nhất vì Lab của tôi và em ở ngay gần nhau. Có điều nó cũng vướng vào nghĩa vụ và quyền lợi của người khác – anh Thái. Anh đã đặt lịch ngay từ ngày đầu tiên rằng sẽ về lấy cơm và mang lên cho Trang. Tôi chợt hiểu ra và từ chối ngay nhiệm vụ đáng lẽ thuộc về mình ấy. Chị D nhìn tôi rầu rầu và nhắn cho tôi 1 cái tin: “Em không dám tranh giành à? Hèn thế?”
Chị D rất tốt bụng, nhưng nhiều khi chị tự cho mình quá hiểu người khác để phán xét. Tôi chưa bao giờ tỏ ra là một người theo đuổi Trang thì tại sao lại phải chiến đấu? So với Trang tôi thấy chị lớn tuổi hơn nhưng suy nghĩ và cách bộc lộ ra bên ngoài trẻ con hơn nhiều.
Không mang cơm lên cho Trang, nhưng không hiểu sao ngày ngày tôi vẫn mua nước cam và sữa chuối sang bên lab em. Mỗi lần như vậy anh chàng người Trung quốc lại cười nhe nhởn:
– Ni hảo! Trang’s boy friend!
– No. No. I’m not her boyfriend.
– I just see only you bringing something for her these days… haha…
– U know? Because she ask me to buy for her…
Quay sang phía Trang thấy đang cười tủm tỉm nãy giờ.
– Sữa chuối này.
– Thôi không phải mua đâu, hôm nào cũng mua tiền đâu ra.
– Có 800won thôi mà cứ làm như 8K không bằng.
– Ngày nào cũng uống sữa chuối rồi béo quay.
– Béo đã có xe chở, không lo.
– Chẳng thích gì đâu!
– Sao? Đừng nói gì đến chuyện thích hay không. Anh ấy tốt như vậy đừng có nghĩ gì xa quá. Tớ nghĩ là ai bị thế này thì anh ấy cũng nhiệt tình thế thôi. Coi chừng ăn dưa bở.
– Ừ, hy vọng thế. Mà từ mai đừng mang gì sang cho tớ…
– Có gì đâu mà!
– Tớ không muốn ăn dưa bở! – Trang nói hơi to, và hướng mắt nhìn tôi đầy khí khái…
– Uhm. Nếu Trang không thích thì thôi. – Tôi cũng thấy hơi chột dạ trước thái độ cứng rắn đó của em. Dọn dẹp mấy cái lon nước, tôi ra về.
Từ hôm đó tôi cũng không mang gì sang cho Trang nữa, thỉnh thoảng nhắn tin thì em cũng hãn hữu nhắn lại. Buổi tối chúng tôi vẫn ăn cơm cùng nhau nên chuyện giáp mặt là không tránh khỏi, thế nhưng ngoài những câu chuyện vui đùa của cả nhóm thì giữa chúng tôi không có một sự kết nối nào. Ở một phần nào đó tôi cảm thấy thoải mái vì thái độ này của Trang.
Thời gian này tôi hay nói chuyện với Mai. Em giờ đã chuyển ra ngoài nhà chồng để sống. Sau từng ấy thời gian hai người vẫn chưa có con. lý do thực ra rất đơn giản: “Đồng sàng dị mộng”, cho đến tận lúc chia tay, em vẫn không để chồng lại gần mình.
Thực ra trước khi tôi đi nước ngoài Mai đã nói chuyện của gia đình em với tôi. Em muốn bứt khỏi cái địa ngục bố mẹ và họ hàng em đã tạo ra khi mà giờ đây chính bản thân họ cũng không còn một chút ít ảnh hưởng nào với Mai nữa. Khi biết ý định đó, tôi là người một mực phản đối, khuyên nhủ đủ điều! Nhưng tính Mai thì tôi không lạ, vì thế tôi cũng không bất ngờ khi em dứt khoát bỏ nhà đi.
Mai muốn làm mẹ đơn thân và sẽ quyết định tìm một người bố cho con em vào lúc thích hợp. Dù sao thì em vẫn còn trẻ, và bây giờ em coi mình là tự do.
Thuê một phòng trọ như hồi còn sinh viên ở cạnh trường Đại học, Mai ngày ngày đi dạy và đi về như một cái bóng. Với nhan sắc và công việc của mình em không hề thiếu những người vây quanh, thế nhưng theo lời Mai nói thì em giờ đã chai sạn rồi. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi giống nhau – đều sợ mình lại trao thân vào tình yêu để rồi đau đớn.
Nhìn Mai tôi thấy xót xa cho người con gái ngày xưa của mình. Mặc cảm tội lỗi lại dâng lên. Ngày đó, nếu như tôi không chen vào giữa thì chắc gì em đã phải lỡ dở như bây giờ? Để bây giờ Mai nhìn đời qua một cái kính nhuộm màu xám xịt, nhìn gia đình và họ hàng như những người làm hỏng cuộc đời em. Niềm vui duy nhất của Mai bây giờ là ngày ngày lên lớp với những đứa trẻ cấp 3 – cái tuổi ẩm ương và cần những cô giáo vừa trẻ vừa trải đời như Mai dìu dắt.
– Anh còn giữ thư của em không?
– Anh còn. Chữ như gà bới ý.
– Em lại vừa đi xem bói về anh ạ…
– Rồi thầy bói bảo sao?
– Bảo em có 1 trai 1 gái, nghĩa là em lại lấy chồng anh ạ. Gái trước trai sau!
– Bói với toán. Nghe mệt đầu.
– Mà này, anh…
– Sao?
– Em đang chat với Phương này. Sao hai người chia tay mà không nói với em?
– Uhmm. Có gì đâu mà nói?
– Em bảo.
– Gì em?
– Phương nó sẽ là vợ anh đấy! Anh đừng có làm nó buồn nhiều.
– Giờ em thành thầy bói rồi à?
– Tin em đi. Anh có chạy mãi cũng lại quay về với Phương thôi…
– Nếu không phải Phương thì sao?
– Thì… em!
– Cô cứ đùa dai!
Một câu chuyện không đầu không cuối nhưng kết quả của nó thì còn kéo dài đến bây giờ…