Mẹ cấm nó mua cuốn sách to bự dày đặc, tất nhiên là tốn tiền không kém, nó lựa dịp đi chơi với bạn mua luôn, kèm theo một cuốn sách nữa dành cho mẹ, nhưng cũng tất nhiên, là cuốn nó thích.
Mẹ cấm nó chơi video game, chả sao, sinh nhật nó, bạn bè tặng nó tới mấy bộ. Đương nhiên, nó vịn cớ bạn đã có lòng tặng, để đó chi cho chật nhà, rồi cứ dịp ở nhà một mình nó lại lôi ra “cày”.
Mẹ bực mình nó kinh khủng, đã bao nhiêu lần nói mà mặt nó vẫn cứ trơ ra, môi nó vẫn cứ cong lên, cứ loắng nhoắng cãi, thôi thì, mẹ không thèm nói nữa!
Mẹ không thèm nói nữa! Đã bao nhiêu lần mẹ nói câu đó rồi nhỉ?
Và rồi, khi năm học đầu tiên tại cấp Ba đang đến gần, nó bỗng nảy ra ý tưởng…
“Mẹ! Con ứng cử làm lớp trưởng lớp mới nha!”
“Hả?” Mẹ nghe như sét đánh ngang tai, làm sao con bé đỏng đảnh, nhạy cảm, cứng đầu này tự dưng lại muốn làm lớp trưởng?
“Không được đâu nhé! Con không đủ tố chất, làm lớp trưởng cực lắm con!”
“Không đủ thì rèn, vả lại làm lớp trưởng, con sẽ được thầy cô ưu tiên, rành những phong trào ở trường, làm quen với các bạn nhanh hơn, oai lắm chứ, mẹ?”
“Không không không…”
Tối hôm trước khi nó đi nhận lớp, mẹ cứ nơm nớp lo, cứ sợ nó tự giơ tay đề cử mình, tự rước rắc rối vào nó, một đứa còn chưa hình dung nổi thời khóa biểu cấp Ba, lịch học thêm sẽ dày đặc cỡ nào, chưa nghĩ hết được khả năng tiếp thu bài vở của mình tệ ra sao, nó chưa bao giờ làm lớp trưởng cả, lúc nào cũng thờ ơ với mọi thứ xung quanh, thì làm sao mà đảm đương toàn bộ việc lớp, mà trách nhiệm với cả một tập thể được?
Hôm nhận lớp, trong khi từng chức vụ trong ban cán sự được lần lượt trao vào tay những ứng cử viên “có vẻ là tiềm năng”, con bé cứ hồi hộp, quả thật nó cũng ngại giơ tay, ngại ánh mắt của các bạn nhìn nó, nhưng nó vẫn không mảy may tự ti về khả năng của mình. Giơ hay không giơ? Chỉ có mỗi cơ hội này để thử sức, để được một lần trở nên oai ơi là oai. Giơ không đây? Đến khi cô chủ nhiệm hỏi “Còn chức lớp trưởng? Làm lớp trưởng dễ ợt à, chỉ điểm danh các bạn, giữ các bạn im lặng trong lúc chào cờ, quản l…”
“Con”. Cánh tay nó chĩa thẳng băng lên trần nhà, giọng nói nhỏ bé nhưng không hề run rẩy. Cả căn phòng yên ắng, những ánh mắt đổ dồn về phía nó, con bé cảm thấy tim mình đập những nhịp rộn ràng, nó biết mặt mình giờ đỏ y chang những mạch máu đang dồn dập lên não nó. Liệu có ai còn tranh chức với nó không?
Không ai dám giơ tay nữa.
Cô chủ nhiệm vui mừng: “Con hả? Vậy con đọc tên với số điện thoại cho cô nha!”
Và thế là nó làm lớp trưởng.
Khỏi phải nói mẹ phẫn nộ đến mức nào.
“Mẹ hết nói nổi con rồi. Con lo cho thân con còn chưa xong, học hành chả giỏi giang gì, các bạn lại thông minh hơn mình gấp nhiều lần, có kham nổi trọng trách này không? Rồi lớp ồn, lớp không hợp tác, có nhiêu là đổ hết lên lớp trưởng đó.”
“Mẹ khuyên con nên từ chức ngay đi, trước khi con thấy hối hận.”
Con bé nghĩ, “Nhỡ giơ tay mà từ chức liền thì quê chết, còn gì hình tượng với các bạn mới nữa. Chi bằng cứ thử, được đâu hay tới đó, mình chỉ cần cố hết sức thôi…”
Con bé cứng đầu.
Con bé lì lợm kinh khủng.
Vì thế nó cố gắng thật.
Trong những tuần đầu tiên, nó xông xáo, cẩn thận ghi chép, quan tâm đến tất cả thành viên, chịu khó nhắc nhở lớp giữ trật tự, đồng thời chịu khó xem trước bài mới, dò từng thuật ngữ không hiểu…
Họp phụ huynh đầu năm, mẹ không tin vào tai mình khi nghe cô khen nó thực hiện vai trò đứng đầu rất tốt.
Con bé nghe mẹ kể, khoái chí lắm, nghĩ rằng năm học này mình sẽ thật oai, thật nổi tiếng trong trường cho mà xem.
Thế là mỗi ngày vào lớp, nó bắt đầu tỏ vẻ ta đây, luôn nghĩ rằng mình khôn khéo, thông minh hơn các bạn, rằng các bạn phải nghe lời nó, nếu không thì cái mặt nó sẽ rúm ró, gàu gợn không khác gì cái bịch ni lông được xài lại nhiều lần, kèm theo cái vẩu môi kinh điển và cái giọng chua ngoa: “Muốn làm gì thì làm!” Đầy hách dịch. Mỗi khi có ai trả lời được các câu hỏi khó do thầy cô bộ môn đặt ra, không phải nó, nó sẽ ngồi ra đó, hết liếc mắt khó chịu đến tức tối trong lòng. Nó muốn được công nhận là người toàn diện nhất lớp. Phải là người cất tiếng lên mà ai cũng nghe theo. Nó là lớp trưởng. Nó phải là nhất.
Từ đó cái tính ích kỷ tự cao lại ngoi lên chiếm phần nhiều trong nó. Nó tự cao đến nỗi không dám nói xin lỗi bất cứ ai, không thèm suy xét kỹ lưỡng một vấn đề. Đã quen là tâm điểm của sự chú ý, nó luôn là đứa đầu têu ra tất cả phi vụ “nói chuyện liên hành tinh” trong lớp. Thầy cô bắt đầu phàn nàn về tình trạng kỷ luật của lớp. Đã có một số bạn cảm thấy không phục với cách xử lý vấn đề của nó. Tự cao quá mức, nó bắt đầu ỷ y vào khả năng học tập của mình, bắt đầu bỏ bê việc học, hoặc nhiều khi nó chỉ ôm tập ngồi thừ ra đó, tập mở ra trước mắt, nhưng đầu óc nó lại lang thang đâu đó, đi luẩn quẩn trong một thế giới khác, một thế giới được xây nên bằng những viên gạch xấu tính đố kỵ kết dính chặt chẽ với nhau bằng chất keo “chủ quan”, sẵn sàng khép chặt cánh cửa, cách ly nó khỏi thế giới bên ngoài.
Kỳ thi tập trung giữa học kỳ đến và qua nhanh.
Cầm trên tay bảng điểm, con bé muốn bật khóc.
Trước khi kiểm tra vì nghĩ mình biết hết, nó không thèm xem lại những bài cũ từ đầu năm.
Lúc kiểm tra xong, nó cứ nghĩ mình đúng hết.
Nhưng, sao điểm nát bét thế này?
Một con toán trung bình.
Một con hóa chỉ được 6 điểm (con bé tính ra nó được 9 cơ).
Môn văn, môn nó tự tin nhất, chỉ được 7 điểm, trong khi những bài kiểm tra từ lúc biết văn là gì nó luôn trên 8, thuộc top cao nhất của lớp.
Môn anh văn, tại sao vậy, 7 điểm thôi?
Không thể thế được. Con bé chực trào nước mắt. Lớp trưởng mà còn thua điểm gần như hết lớp. Lớp trưởng mà học sinh khá. Bộ mặt của lớp mà bảng điểm nát bét như thế này sao?
Nó nén lại, cố dụi cho bằng được nước mắt.
Phải tìm đứa nào đó để “dốc bầu tâm sự” xả stress mới được.
Giờ nghỉ giữa 2 tiết, nó vào nhà vệ sinh, vừa để “giải quyết nỗi buồn”, vừa để xem có đứa nào trong lớp đang ở trong nhà vệ sinh không.
Cửa các buồng vệ sinh đóng im lìm, chắc bọn nó chưa ra, con bé mệt đến nỗi không buồn gọi xem có ai chung lớp nó đang ở trong đó không.
Nó tìm một buồng không người.
Đang “giải quyết”, nghe tiếng cửa mở, rồi có ba giọng nói quen thuộc vang lên, ríu ra ríu rít. 3 con nhỏ hay tám với mình đây rồi, nó định mở mồm gọi tên bỗng khựng lại…
Giọng nói quen thuộc đó, từng cùng nó trải qua biết bao “phi vụ”, từng là một trong những người nó tin tưởng.
Giọng nói ấy, tiếc thay, đang gợi nguồn cho một cuộc nói xấu sau lưng, mà “nữ chính” của câu chuyện, không ai khác, chính là nó.
“Bọn bay biết lớp trưởng môn Toán bao nhiêu điểm không?”
“9 Điểm hả?”
“Hửm? Sao cao vậy được? Đánh giá lớp trưởng hơi cao rồi đó.”
“Tao thấy nó biết nhiều với tự tin lắm mà?”
“Trời, cái mác bên ngoài nó vậy thôi, trong lớp suốt ngày nói chuyện, quản lớp thì không, thầy cô khó chịu ra mặt, cho điểm thấp là đúng rồi.”
“Ừ, nó chểnh mảng thiệt đó, đầu năm tao cứ nghĩ nó biết điều khiêm tốn lắm.”
“Mới đầu vô nó vậy, giờ bản chất lộ ra rồi, từ giờ đảm bảo không ai nghe lời nó nữa.”
Cả đám lại ríu rít ra ngoài, bỏ mặc nó co rúm trong nhà vệ sinh, tủi hổ, sững sờ, cô đơn…
Nó xuống dốc thật sự. Những ngày đến trường không còn là những ngày vui, đầy tiếng cười nữa. Cứ nghĩ đến cảnh bị “phản bội”, bị nói sau lưng, bị ánh mắt dò xét kín đáo của các thành viên trong lớp là lòng nó lại trĩu lại, nó cảm thấy mỗi ngày vào lớp là một lo lắng, là một gánh nặng. Càng lo lắng, nó càng mất tập trung trong giờ học, bắt đầu ngại mở lời, không dám tham gia trò chuyện với các bạn nữa. Việc quản lý lớp của nó càng ngày càng trì trệ…
“Lớp trưởng ơi, quyết vụ áo lớp đi!”
“Hả?” – Nó giật mình khi thấy tin nhắn từ đứa bạn cùng lớp. – “Có áo lớp nữa hả?”
“Ủa? Lớp nào chả có áo lớp…”
“Ờ để tui coi thử.”
Nó mệt mỏi mở nhóm chat của lớp, một loạt các ý tưởng… không giống ai lướt qua, nó thầm nghĩ “Sao tụi lớp mình có gu tệ thế nhỉ? Loại áo này mặc vào không giống ai cả?”
Không hình dung tiếp được cảnh nó sẽ phải mặc loại áo màu xám xịt chèn thêm mấy dòng chữ nhằng nhịt, nó type luôn:
“Thôi để áo vậy kỳ lắm. Mình đổi kiểu khác được không?”
“Kiểu nào nói thử coi LỚP TRƯỞNG ơi?” – Dòng tin nhắn đáng ghét tỏ ý khinh bỉ nó xuất hiện, đứa nó “không vừa mắt” nhất lớp nghĩ nó là ai thế kia?
Tự ái, nó liền đề xuất cho cả lớp nó ý tưởng về cái kiểu áo được “thiết kế có 1 – 0 – 2” và hoàn toàn “phù hợp với mắt người nhìn vào cái lớp”. Phổ biến xong, tưởng chừng được ủng hộ, lay động được cái nhìn của các bạn, nó nào ngờ tự nó lại đẩy mình vào tình thế, như mẹ nó nói là “Không biết thì dựa cột mà nghe”, và nó lại bỏ cái cột đi đến nơi nào mất rồi.
“Gu thẩm mỹ của bà bị gì vậy bà?”
“Thôi cho tui xin, bà đi khám mắt đi là vừa!”
“Trời đất, kiểu này quê quá à, tầm thường hết sức.”
Đúng lúc con bé vốn nhạy cảm sắp chết ngộp trong những lời chê bai ấy, đứa nó chướng mắt nhất lớp – đứa luôn luôn can thiệp vào chuyện quản lý lớp của nó, luôn lăm le chức lớp trưởng của nó – lên tiếng:
“Được rồi các bạn, tha lớp trưởng đi, lớp trưởng đang sống chậm thời đại thôi à, mốt có hoạt động gì thì mình tự làm để lớp trưởng có thời gian cập nhật cái đầu lại ha.”
Con bé tức giận, tức giận thật sự, đứa đó là ai mà dám lên mặt với nó như vậy? Bực mình, nó type một dòng: “Có quyền gì mà nói tao như vậy?”
Cô nàng này cũng không vừa gì nó. Tìm đúng được điểm yếu của nó, cô độp vào ngay:
– Ủa chứ phải là lớp trưởng mới có quyền nói hả? Lớp trưởng chứ không có phải cái rốn của vũ trụ nhé, muốn mở miệng ra là người khác phải tuyệt đối răm rắp nghe theo cái ý kiến ngớ ngẩn của mình hả?
– Tụi tao chán cái thái độ của mày lắm rồi. Lớp trưởng gì mà trong lớp thì nói chuyện riêng. Suốt ngày ganh tị với hết người này đến người khác. Hở tí không được thì bĩu môi giở trò nước mắt ra hù dọa, quát tháo. Phong trào thì không làm được đến đâu. Vì cái “năng suất hiệu quả” của mày mà từng phong trào đều chỉ đùn hết cho một đứa làm. Giờ đến áo của lớp thì cũng không quan tâm. Làm ơn đi, cái lớp này chán ngấy cái tác phong quản lý lớp của mày lắm rồi.
Chắc chắn nó bị trách oan. Con bé tham gia đầy đủ phong trào của lớp. Nó cố gắng giúp đỡ các bạn trong từng mảng văn nghệ, phụ trong phần chỉnh sửa video lớp, đôn đốc tìm địa điểm, ý tưởng cho cuộc thi cắm hoa. Lẽ nào lại không nhìn ra được công sức, thời gian nó đầu tư? Hình như chưa đủ để “giết” con bé, một bức ảnh chụp màn hình đã cắt tên người nhắn được gửi lên ngay nhóm chat của lớp, từng dòng chữ như cắt đứt hơi thở và nhịp tim, cũng như niềm tin của con bé:
“Thiết nghĩ nên đổi lớp trưởng đi, chứ cái thể loại đứng đó giao việc xong không làm gì thì không xứng đáng để lãnh đạo cái tập thể này nữa.”
Tim con bé ngừng đập. Trong một thoáng, nó thiết nghĩ mình chết đi là vừa. Nhục nhã. Bị khinh bỉ. Không một ai tin nó. Tất cả mọi người đều quay lưng lại với nó. Con bé cảm thấy như bị đẩy xuống dòng chảy tối tăm. Càng ngày càng chìm xuống dần. Nó quẫy đạp. Nó kêu cứu. Không một lối thoát, không một cánh tay nào kéo nó lên. Dòng chảy vẫn tiếp tục chảy xiết, như muốn chôn vùi nó cùng chức lớp trưởng nó hằng ao ước xuống đáy biển sâu. Nó thất vọng vì những ước mong muốn gắn bó, làm cho cả lớp tốt hơn lại không được ai công nhận. Nó thật sự hối hận vì không tin lời mẹ, nó hận mình cứ một mực làm theo những gì mình thích. Chỉ cần nó thích. Chứ nó không bao giờ để ý đến hậu quả sau này. Và con bé khóc. Nó khóc. Từng giọt nước mắt đong đầy xấu hổ, oan ức và căm ghét bản thân. Đáng lẽ không làm lớp trưởng, thì nó sẽ không bị soi mói, không phải rớ tay vào những việc nó không thích như thế này. Đáng lẽ không làm lớp trưởng, cuộc sống của nó sẽ thoải mái, nó sẽ bớt những thói ích kỷ hơn bây giờ. Đáng lẽ ra…
Một tin nhắn mới.
Con bé định tắt nguồn, quăng chiếc điện thoại đi thì…
Là cậu bạn im lặng, trầm tính ngồi bàn cuối trong lớp nhắn cho nó. Con bé hay quan tâm đến cậu bạn vì cậu “bí ẩn”, học giỏi và… khá bảnh trai. Khác với những thành phần nhiều chuyện loi choi trong lớp, cậu hay ngồi đọc những cuốn sách cổ điển, xa xửa xa xưa, hoặc cùng lắm thì trò chuyện với nhóm các bạn nam mê trinh thám. Con bé từng lân la đến gần và nghe cậu say sưa kể về chiến thuật suy luận của Sherlock Homes, Arsene Lupin và Sam Spade… toàn là những thứ quá vĩ mô đối với con bé. Trong lớp cậu không hay giơ tay phát biểu, chỉ xung phong khi có bài khó và điểm kiểm tra cậu rất cao. Con bé ngưỡng mộ cậu bạn ấy. Nó hay kiếm cớ lại gần hỏi cậu về các cuốn sách, thông báo lại cho cậu về phong trào, hoặc đơn giản, nhắc cậu chuẩn bị lễ phục chào cờ. Có thể nói, con bé có cảm tình đặc biệt với cậu bạn ấy.
“Lớp trưởng ơi, các bạn nói cũng đúng đó, chỉ là cách thể hiện không được khéo thôi. Lớp trưởng đừng để ý những lời nặng nề đó mà hãy xem như đó là lời khuyên thôi nha! Đừng từ chức nhé vì ngoài bà ra, không ai phù hợp để làm lớp trưởng một cách nhiệt tình như vậy đâu.”
Con bé ngơ ngác, xen lẫn một chút cảm giác được an ủi, một tia nắng ấm áp xuyên qua lòng nó. Hóa ra, trong lớp này, người nó xem trọng nhất, cũng chính là duy nhất còn tin tưởng, ủng hộ nó. Cuối cùng cũng có người dám chèo thuyền đi tìm nó, dù chỉ có 2 cánh tay, nhưng vững chắc, đủ để kéo nó thoát khỏi dòng nước dữ.
Con bé nhắn lại: “Cảm ơn ông nha! Nhưng chắc chỉ có mình ông nghĩ vậy, các bạn khác chắc cũng sẽ đề nghị với cô giáo đổi lớp trưởng thôi.”
“Không đâu, mọi người không có ý gì đâu mà.”
“Đừng tiêu cực nha! Cũng đừng có từ chức. Còn tui… tui ủng hộ bà… Mà thôi, lớp trưởng ngủ sớm đi, mai còn đi học.”
Đặt điện thoại xuống, con bé quệt nước mắt, mỉm cười. Tối đó, nó nằm suy nghĩ, liệu trước giờ nó có thật lòng muốn làm lớp tốt hơn hay chỉ muốn chứng tỏ một mình bản thân nó? Liệu có bao giờ nó thật sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người? Liệu có bao giờ nó chịu nhìn nhận thật kỹ vào những sai lầm, khuyết điểm trước đó của nó không? Nó cứ nghĩ, nghĩ mãi, rồi nó chìm vào giấc ngủ sâu, miên man, trong mơ đó nó thấy các bạn trong lớp uể oải đến trường sau khi nhận những nhiệm vụ “bất khả thi bất khả cãi” của nó, oan ức vì những “phán xét” không có suy nghĩ, bất công của nó, bất lực nghe ý kiến của mình bị bác bỏ, không thể đóng góp thêm ý kiến để xây dựng lớp. Con bé như kẻ độc tài đứng trên ngọn núi của sự tự cao tự đại, giương lá cờ màu đỏ thẫm, cái màu tưởng chừng có thể đem con người ta trở nên quyền lực, thành công, cuối cùng lại thành một màu đại diện cho nguy hiểm, bị đẩy xuống vực khi nào không hay…
Hôm sau, giờ sinh hoạt chủ nhiệm.
“Kết thúc giờ sinh hoạt, các em có ý kiến góp ý gì không?”
Con bé, với một sự dũng cảm, xen lẫn hồi hộp y như cái ngày nó giơ tay tự ứng cử làm lớp trưởng, lên tiếng:
– Thưa cô, em có chuyện muốn nói với cả lớp.
Con bé, với sự hối hận tột độ, mong muốn cải thiện, đã thật sự bỏ qua được cái tôi của mình, mà chân thành xin lỗi cả lớp, xin lỗi những lúc vô tâm, ích kỷ, bảo thủ mà quên đi rằng, các bạn cũng là những người có chính kiến, có tài năng, và quan trọng, cũng là một thần dân trách nhiệm muốn chung tay giúp nó xây dựng lớp. Nó cũng tâm sự về những khó khăn lần đầu làm lớp trưởng, những chật vật cố gắng cân bằng việc trường lớp và học hành, những khoảnh khắc nó chợt thấy lớp đoàn kết, cười đùa, lòng nó tự nhiên ấm áp, như đó chính là trái ngọt đầu tiên, là thành công của việc lãnh đạo một tập thể của nó. Con bé không nhớ nó còn bộc lộ những cảm xúc gì, nhưng toàn thể lớp đều vỗ tay ủng hộ, an ủi, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn chân thành, kể cả cô nàng hay chọc quê nó, đặc biệt, các bạn cảm ơn sự nhiệt tình của nó, còn xin lỗi nó vì cứ nghĩ nó không làm gì cho lớp…
“Trên đời ai mà chả một lần bị vấp ngã, ngay từ những trải nghiệm đầu tiên? Quan trọng, ta có cảm thấy lương tâm cắn rứt vì mình chưa cố gắng hết sức, để tạo động lực cho mình phát triển và sửa đổi thôi.” Con bé tự nhủ với chính mình trên đường về nhà. Ngày mai tới trường, nó sẽ là một cô lớp trưởng hòa đồng, luôn quan tâm, đốc thúc các bạn tham gia học tập và luôn đoàn kết, thương yêu nhau, như mục tiêu ban đầu của nó khi mới nhận chức, và đến bây giờ mục tiêu đó vẫn chỉ như vậy…
Kết thúc học kỳ 1, nó la toáng vui mừng khi công sức cải thiện, phấn đấu của nó được đền đáp: Nó đủ điểm để đạt học sinh giỏi! Không những thế, vì đã hiểu phần nào tính cách và năng lực của nhau, lớp nó đạt giải nhì cuộc thi trí tuệ và múa cổ động của trường, được khen thưởng danh hiệu “Lớp tiến bộ nhất khối”. Được cô giáo và các bạn hoan nghênh, nó vui lắm. Nó thật sự yêu cuộc đời này và cảm ơn những bất đồng, những chê bai từ mọi người xung quanh đã làm nó tự hối lỗi và hoàn thiện bản thân, trở thành một cán bộ lớp đầy gương mẫu, công bằng, luôn đặt mục tiêu chung của lớp lên trên, một học sinh ngoan ngoãn, học lực tốt, một đứa con gái biết suy nghĩ thấu đáo, biết phụ mẹ việc nhà và bớt cãi bướng khi mắc phải lỗi lầm…
Ngày Valentine đã đến, không khí xung quanh ngập tràn những ngọt ngào, tinh khiết của tình yêu học trò. Hương tóc nhẹ của những cô bạn thoang thoảng vào mũi nó, mùi quần áo được là ủi thơm tho của đám con trai đang ra vẻ người lớn, lịch sự. Nhìn những cặp đôi xung quanh nó, mới bước vào trường thôi, con bé thấy lòng mình hơi chùng lại. Ừ thì, có bao giờ nó nghĩ về việc có bạn trai đâu nhỉ? Mà chắc cũng chả ai thèm để ý đến nó đâu. Có gì đâu mà ghen tị?
“Valentine này, cậu cho tớ được làm ‘vệ tinh’, à nhầm, vệ sĩ của cậu được không, lớp trưởng?”
Mảnh giấy kèm với chiếc túi giấy màu hồng nhẹ nằm trong hộc bàn nó, bên trong là thỏi sô cô la vị hoa hồng – vị nó thích nhất. Túi giấy còn rất ấm. Băn khoăn, ngẩn ngơ, không biết là ai đã “thương hại” nó hay cố tình trêu nó vậy nhỉ? Nó chợt nhìn ra cửa lớp, cậu bạn trầm tính ấy đang đứng nhìn nó, nắng chiếu lên mái tóc đen và đôi mắt sáng của cậu. Con bé ngẩn người. Má cậu chuyển sang ửng đỏ, cậu hít một hơi, tiến về phía nó. Cả người con bé như nổ tung vì những “mạch điện” tình cảm đang rần rần chạy ngang dọc, với vận tốc còn hơn cả ánh sáng. Con bé vuốt khẽ mái tóc, mỉm cười…
Bầu trời đương muốn níu giữ mùa xuân vẫn xanh mướt, những ngọn gió vẫn thoảng nhẹ qua mái tóc và tà áo học sinh.
Những tán lá vẫn khẽ đung đưa, lay động những giọt sương long lanh bên đóa hoa xuân nở muộn.
Và con bé vẫn vui vẻ đi trên con đường đến trường mỗi ngày, chỉ là, bên cạnh nó, đã có một chàng trai đi cùng.
Dù có chuyện gì thì vẫn luôn cố gắng và thật trách nhiệm, phải không cô lớp trưởng?
Tác giả: Rachel Dong
Tags: Ngôn tình hiện đại, Tác giả Rachel Dong, Truyện Happy Ending, Truyện học đường, Truyện ngôn tình, Truyện Việt Nam