Đương nhiên năm nay phải về quê ăn Tết. Thành phố Y cách thành phố A không xa, đi xe hơi chỉ khoảng hơn ba giờ đồng hồ, nhưng đường ngày tết đông, Dĩ Thâm và Mặc Sênh xuất phát từ sớm vậy mà về đến nhà đã hơn một giờ chiều.
Cảm thấy người bên cạnh im lặng hơi lâu, Dĩ Thâm đưa mắt nhìn sang. Từ tối hôm qua Mặc Sênh đã bắt đầu lo lắng, không hiểu sao khi sắp về đến nhà lại có vẻ bình thường?
Mặc Sênh nhìn ngoài của sổ, không nhìn thấy Dĩ Thâm đang nhìn mình.
Dĩ Thâm ngạc nhiên nhìn vợ, gọi:
– Mặc Sênh !
– Gì thế? – Chị quay đầu lại – Gì thế anh?
– Em có biết chơi mạt chược không?
– Chơi mạt chược? – Mặc Sênh tưởng mình nghe nhầm.
– Cô Hà rất thích chơi mạt chược, nếu em không biết chơi thì sẽ làm cô ấy mất hứng – Dĩ Thâm cố tình làm ra vẻ quan trọng.
Mặc Sênh băn khoăn, ý nghĩ trong đầu bỗng biến mất, chỉ còn lại hai chữ “mạt chược”.
– Làm thế nào bây giờ, sao anh không nói trước, em chẳng chuẩn bị gì cả.
– Bây giờ chuẩn bị vẫn kịp – Dĩ Thâm mỉm cười, dừng xe – Mặc Sênh, chúng ta đến nơi rồi.
Đã bao nhiêu năm Mặc Sênh không được hưởng không khí đón Tết vui vẻ đầm ấm như thế này.
Bên ngoài tuyết rơi lả tả, tiếng pháo tép từ xa vọng lại, cả nhà quây quần bên bàn ăn, nghe bà Hà ca cẩm.
– Hai đứa này càng lớn càng hư, một đứa đã cưới vợ, một đứa sắp lấy chồng, vậy mà không đứa nào báo với bố mẹ một câu…
Dĩ Văn nhăn mặt với Dĩ Thâm:
– Mẹ, mẹ đã nói suốt buổi chiều rồi còn gì.
– Lâu lắm các con mới về chơi ăn Tết, bà để cho chúng nó yên, đừng có làu bàu mãi thế – Ông Hà lườm vợ.
– Ông chán tôi rồi hả?
Ông Hà cả đời sợ vợ, nghe bà nói vậy lại nhăn nhó:
– Là tôi nói vậy thôi, bà thích thì cứ nói cho thỏa, nay mai chúng nó đi rồi không nói được nữa.
Trương Mại không hiểu tiếng địa phương, bắt Dĩ Văn phiên dịch, Dĩ Văn không chịu, vậy là anh chàng hờn dỗi, ngồi yên không nói.
Mặc Sênh mỉm cười ngồi nghe, nhiều năm nay chị đã quen ăn tết một mình, chị thèm khát không khí gia đình đấm ấm như thế này. Chị xúc động không nói được gì, dường như sợ nếu mình lên tiếng, bầu không khí tuyệt diệu này sẽ tan biến.
Sau bữa ăn, bà Hà tổ chức chơi mạt chược. Dĩ Thâm lẻn lên phòng sách, Dĩ Văn nhận trách nhiệm rửa bát. Vậy là Mặc Sênh, Trương Mại cùng chơi với ông Hà vốn chưa bao giờ dám trái ý vợ phải vào trận theo yêu cầu của bà Hà.
Bà Hà có kinh nghiệm mấy chục năm chơi mạt chược đã trở thành tay chơi lão luyện, ông Hà rèn luyện mấy chục năm, bản lĩnh cũng không kém, Trương Mại là nhà kinh doanh nên các món cờ bạc cũng khá rành, chỉ khổ cho Mặc Sênh mấy năm ở nước ngoài chỉ còn nhớ mang máng, giờ đây lâm trận đã thua thảm bại.
Dĩ Thâm từ trong phòng sách đi ra không tin vào mắt mình:
– Mới chưa đầy một giờ mà em đã thua thế này ư?
Mặc Sênh xấu hổ, ấp úng:
– Vận xấu thôi…
Dĩ Thâm vỗ vai Mặc Sênh, ra hiệu bảo đứng lên:
– Để anh…
Bây giờ mới gọi là kì phùng địch thủ, Mặc Sênh ngồi bên xem, càng xem càng thấy mê, không hề buồn ngủ. Dĩ Thâm giục mấy lần không được phải trợn mắt, Mặc Sênh mới chịu đi ngủ.
Đêm khuya, nửa mơ, nửa tỉnh, nghe thấy có tiếng mở cửa, đèn bật sáng:
– Xong rồi hả? Thắng hay thua?
Dĩ Thâm vén màn chui vào, vẻ mệt mỏi:
– Chỉ có một mình cô Hà thua.
Mặc Sênh trợn mắt:
– Ba người đàn ông bắt nạt một phụ nữ.
– Họ Hà có một qui định, trên bàn mạt cược không có chuyện nể nang nhường nhịn. Vả lại chưa thua sạch cô Hà chưa chịu thôi – Rồi anh ôm chị vào lòng – Ngủ thôi, mệt chết được. Tất cả là tại em.
Mặc Sênh rất ân hận, bình thường anh luôn bận rộn, về nhà ăn Tết lại phải vì mình mà mệt mỏi như vậy, thương quá. Vậy là ngoan ngoãn nằm gọn trong lòng anh, không dám quấy rầy.
Nhưng lát sau, Mặc Sênh thấy cặp môi ấm nóng của anh xê dịch trên cổ mình, chị trách:
– Anh đang mệt cơ mà?
– Ừ… nhưng anh vẫn có thể mệt thêm chút nữa – Dĩ Thâm thầm thì.
Sáng mồng một Tết, Mặc Sênh tỉnh dậy đã hơn bảy giờ, vừa ngồi dậy mặc quần áo lại bị Dĩ Thâm kéo vào trong chăn.
– Còn sớm, dậy làm gì? – Dĩ Thâm nói giọng ngái ngủ.
– Em phải dậy nấu cơm. Buông em ra – Chị cố gỡ tay Dĩ Thâm đang ôm chặt mình, nhưng không sao gỡ được, chị nhăn mặt rên rỉ – Dĩ Thâm…
– Nằm với anh thêm lát nữa – Dĩ Thâm nói, mắt vẫn nhắm.
– Đúng là! – Mặc Sênh lẩm bẩm – Dĩ Thâm, hôm nay anh lạ lắm.
Người Dĩ Thâm như cứng lại trong một thoáng im lặng mấy giây, anh hỏi giọng hơi thiếu tự tin:
– Lạ thế nào?
– Anh giống như đứa trẻ vậy! – Mặc Sênh mỉm cười thì thầm vào tai anh.
Tay Dĩ Thâm vẫn ôm chặt chị:
– Đừng làm ồn, ngủ đi.
Hình như cả nhà chưa ai dậy cả, Mặc Sênh đành nhượng bộ, đằng nào cũng không thể thoát khỏi vòng tay Dĩ Thâm:
– Ngủ tiếp vậy.
Nhưng… nằm thế này khó chịu lắm.
Vừa nhắm mắt chưa đầy một phút, Mặc Sênh bắt đầu cựa quậy, muốn nhấc đầu ra khỏi cánh tay Dĩ Thâm.
– Sao mà bướng thế không biết? – Dĩ Thâm mở mắt – Em đừng cựa quậy nữa được không?
Mặc Sênh nhăn mặt, chị muốn nằm gối bông, như vậy sẽ dễ chịu hơn.
– Dĩ Thâm – Mặc Sênh lại bắt đầu cựa quậy – Như thế này anh sẽ bị tê tay.
“Lại còn biết nghĩ cho người khác cơ đấy! Nếu không ôm chặt cô ta thì cả hai có nguy cơ cảm lạnh, cứ ôm chặt thế này là an toàn nhất”.
Dĩ Thâm dứt khoát giả bộ không nghe thấy, cứ nhắm mắt ngủ.
Mặc Sênh cựa quậy một hồi không kết quả, lại không ngủ được, mắt nhìn lên trần nhà, cuối cùng dừng lại trên khuôn mặt tuấn tú kề sát mình.
Dĩ Thâm quả rất đẹp trai!
Lặng lẽ hôn vào má anh, Mặc Sênh bắt đầu buồn ngủ, đầu vẫn nghĩ sẽ dậy sớm giúp cô nấu ăn.
Kết quả khi chị mở mắt đã hơn mười một giờ, không thấy Dĩ Thâm bên cạnh, vội trở dậy mặc quần áo ra ngoài, Dĩ Thâm và bác trai đang đánh cờ cạnh cái bàn rộng ở gian giữa.
Chị đến bên Dĩ Thâm nói nhỏ:
– Sao anh không đánh thức em?
Dĩ Thâm đang tập trung vào bàn cờ, sau khi đi xong một nước mới ngẩng đầu giục chị:
– Mau xuống bếp làm cơm đi.
Mặc Sênh thò đầu vào bếp, chỉ có một mình bác gái làm bữa.
Thấy Mặc Sênh ở cửa bác cười nói:
– Tiểu Sênh, dậy rồi hả, có lạ nhà không?
Chị lắc đầu, chị là người dậy muộn nhất, ngủ say như vậy lại còn lạ nhà gì nữa:
Cô để cháu giúp
Rồi cầm con dao trong tay bà Hà, chị bắt đầu thái thịt.
Bà Hà đi rửa rau, vừa rửa vừa nói chuyện cới Mặc Sênh, một lát sau như nhớ ra chuyện gì bà Hà nói:
– Ôi trời! Bác hồ đồ quá, Tiểu Sênh, nhà cháu cũng ở thành phố Y này đúng không, khi nào tiện hai nhà gặp nhau ăn bữa cơm thân mật.
Mặc Sênh giật mình suýt cứa vào tay, chị mím môi, có nên nói ra không? Ngẩng đầu thấy nụ cười thân thiết của bà, mình không nên lừa dối bác, chị quyết định nói ra:
– Cha cháu…
– Mặc Sênh !
Vừa mở miệng thì Dĩ Thâm xuất hiện ở cửa, mặt anh nghiêm nghị, sắc mặt hơi tái.
– Cái thằng, làm người ta giật mình – Bác Hà trách yêu Dĩ Thâm.
Dĩ Thâm nhìn chị:
– Mặc Sênh áo khoác của anh đâu, sao anh tìm mãi không thấy?
Mặc Sênh rửa tay ra khỏi bếp.
Áo khoác Dĩ Thâm treo ngay cái giá áo đầu giường, vừa vào phòng chị đã nhìn thấy. Mặc Sênh ngẩn người trước giá áo, không hiểu thế nào.
Dĩ Thâm giơ tay với chiếc áo từ phía sau chị:
– Em đừng có suy nghĩ lung tung. Anh không muốn có ý nghĩ khác về em – Dĩ Thâm nói giọng nghiêm túc – Mặc Sênh, em phải tin anh.
Có một chút cay đắng trong giọng nói Dĩ Thâm, chị đã nhận ra và chị thấy đau lòng.
– Dĩ Thâm…
– Em cứ như vậy, đừng nghĩ nhiều.
Mặc Sênh ngước mắt nhìn Dĩ Thâm:
– Nhưng như thế anh sẽ trách em lắm chuyện.
– Em cũng hơi lắm chuyện – Anh vuốt tóc chị – Đúng thế, em rất lắm chuyện!
Tự dưng cảm thấy lòng nhẹ nhõm.
– Ra ăn cơm thôi, có lẽ bác đã làm xong rồi.
Lúc ăn cơm, bà Hà lại nhắc đến cha mẹ Mặc Sênh. Chị nói, cha chị đã mất, mẹ chị đang ở nước ngoài. Bà Hà thở dài không hỏi thêm. Bà định mời mọi người cơm xong chơi vài ván mạt chược để thư giãn, nhưng mọi người không mấy hào hứng. Ông Hà muốn đi ngủ, Dĩ Văn muốn đưa Trương Mại tham quan thành phố, bà đành từ bỏ ý định.
Tối hôm trước Dĩ Thâm ngủ ít, sau bữa trưa muốn ngủ bù. Mặc Sênh sáng dậy muộn nên không hề buồn ngủ. Nhân lúc Dĩ Thâm ngủ trưa, chị xem các đồ vật cũ của anh.
Một bài kiểm tra cũ kỹ chị cũng ngắm nghía hồi lâu, chị muốn nhìn kỹ nét chữ hồi nhỏ của Dĩ Thâm. Chị đọc từng trang cuốn vở tập làm văn của anh. Dĩ Thâm viết văn rất hay, toàn được điểm 9. Nghĩ đến các bài văn của mình phần lớn được điểm 6, họa hoằn mới có bài được điểm 7, Mặc Sênh không khỏi ghen tỵ. May mà phần văn bình luận anh viết không hay lắm, coi như cũng được an ủi.
Dĩ Thâm tỉnh dậy thấy Mặc Sênh ngồi trên nền, đang giở các đồ đạc của của mình. Anh “hừ” một tiếng cảnh báo:
– Hà phu nhân, bà đang xâm phạm đời tư của tôi.
– Dĩ Thâm, anh dậy rồi à? – Mặc Sênh ngẩng đầu, mắt sáng lên – Còn gì cho em xem nữa không?
Mặc Sênh say sưa ngắm nghía những kỷ vật cũ của chồng. Dĩ Thâm kéo chị đứng lên:
– Đừng ngồi trên nền.
Anh cầm lên một cuốn vở trong đống đồ trên nền:
– Sao cô Hà vẫn còn giữ những thứ này nhỉ?
– Bức ảnh này anh chụp lúc mấy tuổi? – Mặc Sênh chìa trước mặt Dĩ Thâm một tấm ảnh cũ, trong ảnh Dĩ Thâm mặc đồng phục, rất khôi ngô, tay nâng bằng khen
– Có lẽ trong cuộc thi vật lý toàn quốc năm lớp Bảy.
– Vật lý ư? Nhưng anh học luật cơ mà?
– Nhưng đến trung học anh thích các môn xã hội.
– Nếu biết anh học trường Trung Nhật, em cũng đến đấy học – Mặc Sênh nói vẻ tiếc nuối – Lúc đầu em cũng định học ở trường đó, nhưng trường quá xa nhà, buổi sáng chắc em không dậy sớm được.
– May mà em lười – Dĩ Thâm âu yếm nhìn chị – Cho nên anh mới yên ổn học hết trung học.
Mặc Sênh lườm anh:
– Còn ảnh nào không?
Dĩ Thâm lấy tập ảnh trong tủ:
– Không nhiều lắm, người nhà anh không thích chụp ảnh.
Tập album kiểu cũ, bìa đã ố vàng. Trang đầu tiên là ảnh đứa bé sơ sinh, bên dưới có hàng chữ nhỏ: “Dĩ Thâm hơn ba tháng”.
Đứa bé trong ảnh béo mũm mĩm, cau mày, vẻ mặt đăm chiêu, cương nghị hứa hẹn trở thành chàng trai giàu ý chí, nghị lực. Mặc Sênh ngắm nghía hồi lâu, chợt phát hiện điều gì, chị reo lên:
– Dĩ Thâm, thì ra ngay từ nhỏ anh luôn cau có.
– Bé tý đâu đã biết gì – Dĩ Thâm cau mày.
– Thật mà! – Mặc Sênh khẳng định – Bố em bảo lúc em còn nhỏ, vừa nhìn thấy máy ảnh là em cười tít mắt.
Những bức ảnh sau đó đều là ảnh chụp chung. Một thiếu phụ trẻ tay bế đứa con trai, ngồi bên người đàn ông trẻ, nụ cười rạng rỡ hạnh phúc nhìn vào ống kính. Mặc dù hồi đó kỹ thuật chụp chưa tốt nhưng vẫn chớp được vẻ tuấn tú, trang trọng của người đàn ông và nét xinh đẹp yêu kiều của người phụ nữ. Có thể thấy ngoại hình Dĩ Thâm rất giống cha.
Mặc Sênh lặng lẽ xem kỹ từng bức ảnh, thỉnh thoảng ngẩng đầu mỉm cười âu yếu nhìn chồng.
– Thôi – Dĩ Thâm lấy lại cuốn album trong tay Mặc Sênh, để lại vào chỗ cũ trong tủ – Lâu rồi, tất cả đều đã phai mờ.
Mặc Sênh nhìn vào mắt Dĩ Thâm hồi lâu, chị ôm chặt lấy anh. Lát sau chị nói:
– Chúng mình đi thăm họ được không?
– Đợi đến Tết thanh minh – Dĩ Thâm nhẹ nhàng vuốt mái tóc lởm chởm của chị – Đợi cho tóc em mọc dài thêm chút nữa, nếu không em sẽ là nàng dâu rất xấu.
Thời gian nghỉ Tết không nhiều, phần lớn thời gian của Mặc Sênh đều bị bác gái lôi kéo vào bàn mạt chược, nhưng tiếc rằng liên tục huấn luyện trong mấy ngày cũng không mấy hiệu quả. Mặc Sênh vẫn nhìn thấy quân bài trên bàn là quên quân bài trong tay, nhìn thấy bài của mình thì không biết người khác đánh quân gì.
Dĩ Thâm chỉ biết lắc đầu thở dài, không biết nên xấu hổ vì tư chất bà vợ của mình hay nên vui vì sau này ít nhất cô ta không làm khuynh gia bại sản vì mạt chược?
Ngày mai phải rời thành phố Y, tối đó Mặc Sênh trằn trọc không ngủ được. Dĩ Thâm ôm chị vào lòng khi chị trở người lần thứ ba
– Em nghĩ gì thế?
– Dĩ Thâm – Mặc Sênh im lặng, lúc sau mới nói – Em chưa kể với anh về mẹ phải không?
Dĩ Thâm xoa lưng chị:
– Chưa
– Quan hệ giữa bố mẹ em rất lạ… – Sắp xếp lại ký ức, chị nói tiếp – Lúc nhỏ, em luôn cảm thấy mẹ không thích em, có lẽ là do mâu thuẫn với bố, nhưng em không để ý. Về sau bố em xảy ra chuyện, em ở Mỹ, hai mẹ con mất liên lạc, mấy năm sau một người bạn của bố em cho biết, bố mẹ em đã ly hôn một tháng trước khi sự việc xảy ra. Chuyện bố tự vẫn trong tù thực ra mẹ em cũng có liên quan, bố không muốn liên lụy đến mẹ cho nên nhận hết tội về mình – Người chị run lên.
Dĩ Thâm vỗ về:
– Chuyện đã qua đừng nên nghĩ nhiều.
Mặc dù có tài ăn nói nhưng về mặt an ủi người khác, Dĩ Thâm rất kém, chỉ biết vỗ nhẹ vào má chị như dỗ trẻ con.
Mặc Sênh tưởng tượng ra cảnh Dĩ Thâm dỗ trẻ con bất giác bật cười, cảm giác nặng nề bỗng vơi đi
– Em không muốn buồn, chỉ là vừa rồi em nghĩ, bây giờ em đã nghĩ thoáng hơn trước nhiều. Mẹ ăn tết một mình không biết thế nào?
Dĩ Thâm nhìn lên trần nhà, trong đêm tối mắt anh càng tăm tối, nhưng giọng nói lại dịu dàng như màn đêm:
– Nếu em không yên tâm, sáng mai chúng mình đi thăm mẹ.
Mặc Sênh bắt đầu buồn ngủ, vùi mặt vào ngực chồng, nói giọng mệt mỏi:
– Ít nhất cũng cho mẹ biết cuộc sống hiện nay của em rất tốt.
Sáng hôm sau, Mặc Sênh và Dĩ Thâm lưu luyến từ biệt ông bà Hà, Dĩ Văn và Trương Mại được nghỉ ít hơn nên đã đi từ hôm trước.
Trước khi rời thành phố Y, họ đến khu mới Thanh Hà. Nhưng lần này họ cũng không gặp may, Mặc Sênh gõ cửa mấy lần mà nhà không có ai mở cửa.
– Có đợi không? – Dĩ Thâm hỏi
Mặc Sênh lắc đầu:
– Thôi, mình đi.
Chiếc cầu thang lộ thiên kiểu cũ vừa dốc vừa hẹp, lúc xuống lầu Mặc Sênh tỏ ra rất có kinh nghiệm:
– Loại cầu thang này phải đi chậm, nếu không sẽ va vào người khác ở chỗ ngoặt.
Dĩ Thâm nhìn chị bằng ánh mắt tinh nghịch:
– Em va vào người ta bao nhiêu lần rồi?
Mặc Sênh ấp úng:
– Không, mới có mấy lần.
– Chắc chắn là rất nhiều lần, vẫn tật cũ, đi không nhìn đường – Dĩ Thâm nắm chặt cằm chị, ngắm má bên phải, bên trái, đoạn thở dài – May vẫn chưa có bên nào bị lệch.
Mặc Sênh nhăn mặt với anh.
Ngồi vào xe ngoảnh nhìn ngôi nhà cũ, cảm thấy buồn, lần này vẫn không gặp, có lẽ hai mẹ con chị không có duyên với nhau.
Xe qua cổng khu, Mặc Sênh vô tình nhìn ngoài cửa, giật mình gọi Dĩ Thâm:
– Dĩ Thâm, dừng xe!
Dĩ Thâm phanh gấp, chiếc xe dừng lại tức thì. Mặc Sênh mở cửa xe chạy ngược lại, Dĩ Thâm không xuống xe, từ trong gương chiếu hậu anh nhìn thấy Mặc Sênh đuổi kịp một người phụ nữ trung niên người gầy gò.
Trong lòng đột nhiên cảm thấy bất yên, anh bất giác thò tay vào túi tìm thuốc lá nhưng không thấy, mới sực nhớ là mình đã bỏ thuốc, hoàn toàn không mang thuốc theo người. Anh nhắm mắt ngả đầu vào thành ghế, mở nhạc, điệu nhạc du dương vang lên. Đang nghe bỗng có tiếng gõ cửa, Dĩ Thâm mở mắt thấy Mặc Sênh đứng ngoài cửa xe ra hiệu cho anh mở cửa.
– Em vừa nói với mẹ, em đã cưới. Anh có đến gặp mẹ một lát được không? – Mặc Sênh hỏi
Dĩ Thâm lặng lẽ gật đầu.
Bà Phương Mai mẹ Mặc Sênh từ xa ngắm nhìn con gái cùng một người đàn ông trẻ dáng cao to đi đến. Mắt bà không tốt, chưa nhìn rõ người đứng đó nhưng trực giác mách bảo bà đó là người đàn ông ưu tú, xem ra Tiểu Sênh rất có mắt.
Chỉ có điều… bà cau mày… vừa rồi Tiểu Sênh nói tên anh là Hà Dĩ Thâm?
Hà Dĩ Thâm! Cái tên sao quen thế?
Thoáng cái hai người đã đứng trước mặt bà. Chăm chú quan sát người đàn ông trẻ, bà Phương Mai rất hài lòng, quả nhiên một người đàn ông điển trai khí chất sung mãn.
Mặc Sênh giới thiệu hai người với nhau:
– Mẹ em. Anh ấy là Hà Dĩ Thâm con đã nói với mẹ
Ánh mắt nghi hoặc của bà Phương Mai dừng trên người chàng rể lần đầu gặp mặt, cảm giác bất yên mỗi lúc càng hiện hữu, bà cố mỉm cười:
– Thì ra anh là Hà Dĩ Thâm, Tiểu Sênh nhà tôi coi như cũng có mắt.
– Mẹ – Mặc Sênh lúng túng.
Hai người đều im lặng, Mặc Sênh cũng không nói. Những điều chị muốn hỏi mẹ lại không thể. Sau mấy câu thăm hỏi, hai người dường như không biết nói gì nữa.
– Dĩ Thâm, anh có mang theo danh thiếρ không? – Mặc Sênh hỏi
Dĩ Thâm gật đầu:
– Có, trên xe, để anh đi lấy.
Mặc Sênh ghi vội số điện thoại di động của mình lên danh thiếρ của Dĩ Thâm, đưa cho mẹ:
– Mẹ liên lạc với con theo số máy này. Có việc gì mẹ cứ gọi cho con.
Bà Phương Mai nhận tấm thiếρ nhìn lướt:
– Nếu các con vội đi, mẹ không giữ nữa.
Mặc Sênh do dự một lát, nói:
– Chúng con đi đây.
Vội vã từ biệt mẹ lên xe, Mặc Sênh cảm thấy dễ chịu hơn nhiều:
– Được như vậy là tốt lắm rồi.
Hai mẹ con xa cách nhau bảy, tám năm trời, còn nhiều điều chưa nói hết với nhau. Lần đầu diễn ra một cách khách khí như vậy, trái lại khiến Mặc Sênh cảm thấy nhẹ nhõm.
Dĩ Thâm không chú ý câu nói của Mặc Sênh. Ánh mắt dò xét của người đàn bà hướng vào anh khiến anh bỗng thấy cảnh giác: “Có lẽ bà ấy nhớ ra điều gì”.
Thấy Dĩ Thâm mãi không nổ máy, không biết anh đang nghĩ gì, lát sau không kìm được, Mặc Sênh kéo tay áo anh:
– Tài xế Dĩ Thâm, đã trở về mặt đất chưa?
Ánh mắt trong veo của Mặc Sênh nhìn anh tinh nghịch. Bóng ma của quá khứ vừa thoáng hiện bỗng tiêu tan. Ngước nhìn Mặc Sênh, Dĩ Thâm bật cười, thầm hỏi tại sao gần đây càng ngày càng cảm thấy một con người, một cá tính từng khiến anh đau đầu, bỗng quay trở lại? Lẽ nào giang sơn dễ cải, bản tính nan di?
Sự thật chứng minh câu nói của cổ nhân rất có lý và dự cảm của Dĩ Thâm cũng rất chính xác. Một Mặc Sênh hai mươi sáu tuổi đương nhiên từng trải hơn một Mặc Sênh mười chín tuổi, nhưng có vài cố tật mà Dĩ Thâm đã quen thuộc vẫn không hề thay đổi theo thời gian hay tuổi tác, ví dụ khi tranh luận với anh không được thì quay ra giận dỗi, ví dụ món ăn nào không thích thì gắp cho anh, ví dụ…
Không sao, Hà luật sư âm thầm thừa nhận, tuy nhiên anh cảm thấy mình đang hưởng thụ. Vả lại, nuôi dưỡng trở lại những tật đó của cô ấy đâu có dễ?