Tái ngộ…
Lần tái ngộ này đúng bảy năm, vào một ngày cuối tuần tại siêu thị đông nghẹt người mua sắm.
Mặc Sênh một mình đẩy xe hàng, chật vật len lỏi giữa đám đông. Vừa từ nước ngoài trở về, chị vẫn chưa quen với cảnh chen chúc như vậy. Tuy nhiên cảnh tượng đông đúc ồn ào ở đây bất giác khiến Mặc Sênh mỉm cười. Chị cảm thấy hình như mình đang lắng nghe tiếng quê hương với tâm trạng nôn nao của một người xa xứ. Chị tự hỏi không biết một người vừa trở về nước liệu có giống mình không? Hân hoan, hồi hộp.
Bảy năm. Vậy mà đã bảy năm… thời gian vô tình!
Thật lạ lùng. Phải chăng thiên cơ run rủi để mình vừa về đã gặp lại anh? Không, đúng là gặp họ.
Triệu Mặc Sênh lặng người nhìn cặp trai gái đứng trước quầy bán rau. Một lần nữa chị cảm nhận sự lạ lùng của số phận. Bảy năm trước, chính họ đã khiến chị quyết định ra đi. Bây giờ họ lại cùng nhau đi mua sắm. Vậy là cuối cùng họ vẫn cùng nhau. May mà hồi ấy chị ra đi. Nếu không… Mặc Sênh không dám nghĩ thêm…
Hà Dĩ Thâm, Hà Dĩ Văn! Sao mình ngốc thế! Tại sao cứ một mực cho rằng hai người đó tên giống nhau thì nhất định là anh em?
“Chúng tôi không phải là anh em. Trước đây hai gia đình là hàng xóm của nhau, đều họ Hà cho nên cũng đặt tên cho các con giống nhau. Về sau cha mẹ Dĩ Thâm đột ngột qua đời, cha mẹ tôi nhận nuôi Dĩ Thâm”
“Chị tưởng chị mạnh hơn tình cảm hai mươi năm giữa tôi và Dĩ Thâm hay sao?”
“Hôm nay tôi chính thức cho chị biết. Tôi yêu Dĩ Thâm. Nhưng tôi không muốn yêu thầm, yêu vụng. Tôi và chị sẽ cạnh tranh công khai”.
Năm 19 tuổi, một ngày trước sinh nhật Mặc Sênh, cô bạn gái Hà Dĩ Văn vốn điềm đạm bỗng nhiên thẳng thắn tuyên bố với chị. Một người dịu dàng, không bao giờ tranh giành với ai như Dĩ Văn mà quả quyết như vậy, chắc chắn cô ấy phải yêu Dĩ Thâm nhiều lắm.
Còn chị? Chị có thể cạnh tranh với Dĩ Văn? Chính vào ngày Dĩ Văn tuyên chiến, chị đã thua. Sau đó chị chạy trốn sang Mỹ suốt bảy năm trời.
Ôi, Hà Dĩ Thâm. Nghĩ đến ánh mắt lạnh lùng, những lời nói tuyệt tình của anh ta, Mặc Sênh thấy nhoi nhói trong lòng. Tuy cảm giác rất mơ hồ, khó nhận ra nhưng chắc chắn là có thật.
Anh đi về phía chị. Bàn tay Mặc Sênh nắm chặt tay đẩy xe hàng đến mức đau cả khớp, các ngón tay trắng bệch như sắp long ra. Siêu thị lúc đó quá đông, chị lại đang đẩy cái xe chứa hàng nên không thể quay người bỏ chạy. Nhưng ngay lập tức chị nghĩ, vì sao mình phải bỏ chạy? Mình nên bình thản nói với họ một hai câu đại loại: “Ồ, đã lâu không gặp!”, Rồi kiêu hãnh quay đi, để lại cho họ một hình ảnh đẹp về mình mới phải. Nhưng, có thể họ không nhận ra mình. Có thể lắm chứ. Mình đã thay đổi nhiều. Mái tóc dài buông xõa năm xưa bây giờ đã để ngắn chấm tai, làn da trắng nõn ngày nào đã sạm đi nhiều bởi cái nắng bang California, lại còn quần bò, áo phông rộng thùng thình, giày thể thao. Khác xưa nhiều quá!
Họ bước từng bước, chầm chậm tiến đến gần nhau, rồi… lướt qua nhau.
Đau đớn quá!
Hình như có tiếng nói vẳng lại:
– Có cần mua thêm sữa không?
Đúng rồi, tiếng Dĩ Văn rồi. Vẫn nhỏ nhẹ như xưa
-…
Chị không nghe rõ câu trả lời. Nhớ quá, giọng nói trầm ấm như tiếng vĩ cầm của Dĩ Thâm luôn vẳng lên tai Mặc Sênh trong suốt bảy năm trời chị lưu lạc xứ người.
Hẫng hụt, nhưng đồng thời cũng thấy nhẹ nhõm, Mặc Sênh ngẩng đầu nãy giờ vẫn cúi, quả quyết bước đi.
“Rầm”, chiếc xe đẩy xô vào đống xà phòng hạ giá chất như núi trên lối đi. Thủ phạm là chị đứng ngây nhìn mấy trăm bánh xà phòng đổ tung tóe, ngổn ngang.
Tệ thật. Liệu có thể vờ tỏ ra không biết mình là người gây ra chuyện?
– Trời ơi, đây là lần thứ ba trong ngày rồi – Người quản lý siêu thị không biết từ đâu chạy đến, nói như rên lên.
“Cho nên cũng không nên trách người ta. Sao lại chất hàng ngay giữa lối đi như vậy”. Mặc Sênh lẩm bẩm, cố làm ra vẻ hối hận.
Cảnh tượng đương nhiên thu hút sự chú ý của những người xung quanh, trong đó có Dĩ Văn. Dĩ Văn liếc nhìn về phía có nhiều tiếng ồn ào, bỗng giật mình. Cô ta! Có phải cô ta không? Dĩ Văn dường như không tin vào mắt mình.
Đúng là cô ta! Trở về rồi ư?
– Chuyện gì thế Dĩ Văn? – Hà Dĩ Thâm không hiểu quay sang hỏi, bất giác nhìn theo ánh mắt của Dĩ Văn.
Thân hình cao lớn của Dĩ Thâm bỗng khựng lại.
Triệu Mặc Sênh !
Người phụ nữ cúi đầu như một đứa trẻ mắc lỗi kia chẳng phải là Triệu Mặc Sênh ?! Vẻ thiếu tự nhiên, mắt thấp thoáng nụ cười tinh quái không thể chối cãi. Từ xa khó nhìn rõ nét mặt cô ta, nhưng Dĩ Thâm biết. Anh vẫn biết cô ta là vậy, sau khi khuấy đảo cho nước ao đục ngầu rồi bỏ đi một cách vô trách nhiệm, ương ngạnh, ích kỷ và đáng ghét.
Chẵn bảy năm, cô ta vẫn còn nhớ đường về nhà ư?
Hà Dĩ Thâm gọi:
– Dĩ Văn, về thôi.
Dĩ Văn kinh ngạc nhìn vẻ mặt bình thản của Dĩ Thâm:
– Anh không định đến chào một câu ư? Hay là…
– Cô ấy từ lâu đã không còn tồn tại trong cuộc sống của anh – Giọng Dĩ Thâm dửng dưng, có vẻ như không có chuyện gì thật.
Dĩ Văn thầm quan sát nét mặt Dĩ Thâm nhưng không tìm thấy gì hơn, đoạn nói nhỏ:
– Đi thôi anh.
Nhưng cuối cùng cái nhìn của Dĩ Văn vẫn vô tình hướng về Mặc Sênh, đúng lúc chị ngoảnh lại. Ánh mắt hai người gặp nhau, Mặc Sênh lộ vẻ ngạc nhiên, nụ cười thoáng hiện trên mặt chị, chị bối rối gật đầu.
Dĩ Văn vội vàng quay đầu lại gọi:
– Dĩ Thâm…
– Gì thế?
– Chị ấy… – Dĩ Văn đột nhiên dừng lại. Trong đám người đằng trước không nhìn thấy bóng dáng Mặc Sênh đâu nữa.
– Sao thế? – Dĩ Thâm hỏi
– Không, không có gì! – Dĩ Văn úi đầu.
Chỉ có điều vừa rồi cô đã nhìn thấy họ. Tại sao họ lại dễ dàng bỏ qua, cố tình không nhận nhau? Lại còn Dĩ Thâm nữa, rõ ràng đã nhìn thấy…
…
“Không ngờ có ngày mình lại về đây”.
Chủ biên hỏi Mặc Sênh trong lần đầu gặp nhau:
– Cô Triệu, vì sao cô lại chọn làm việc ở thành phố này?
Mặc Sênh bỗng lúng túng không biết trả lời thế nào. Vì sao ư? Bởi vì đây là nơi tôi học một năm đại học? Bởi vì nơi đây tôi đã quen anh? Bởi vì nơi đây tôi đã có rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều?
Lúc đầu chính Mặc Sênh cũng không biết, tại sao nơi đầu tiên chị nghĩ đến sau khi về nước là thành phố này. Mãi đến hôm gặp Dĩ Thâm chị mới hiểu. Chị muốn gặp lại anh, mặc dù anh đã không còn thuộc về chị, nhưng chị vẫn muốn nhìn thấy anh.
Chỉ nhìn thôi!
– Có lẽ do tôi không thể về nhà – Mặc Sênh nói.
Chủ biên nhìn chị rất lâu, có vẻ ngạc nhiên.
“Có thể giữ cô ta làm phóng viên ảnh” – bà chủ biên thầm nghĩ.
Tuy nhiên, việc chủ biên quá coi trọng lý lịch làm việc ở nước ngoài của chị khiến Mặc Sênh cảm thấy bất an.
– Đó chỉ là một tạp chí nhỏ – Chị nói với bà như vậy.
– Cô Sênh, tôi biết một người Trung Quốc làm phóng viên ảnh ở Mỹ đâu phải dễ, nhất định chị phải ưu tú hơn người da trắng. Bọn họ luôn cho rằng người Trung Quốc chúng ta không có gen nghệ thuật – Bà chủ biên tiếp tục câu chuyện.
– Chị khen kiến thức sâu rộng của tôi ư? Kiến thức của tôi rất bình thường. Tôi chỉ làm việc ở một tờ báo nhỏ của Mỹ, biết khá rõ tờ báo đó thôi”.
Mặc Sênh cười đáp lại lời khen của bà chủ biên, cảm giác bất an trong chị bỗng chốc tiêu tan.
Việc làm vậy là ổn. Chị được nhận vào làm phóng viên ảnh cho tờ tạp chí phụ nữ này.
…
Mặc Sênh vẫn đến siêu thị đó mua đồ, nhưng không hề gặp lại họ. Mãi đến một hôm, người bảo vệ siêu thị gọi chị lại:
– Chị ơi, mời chị đến phòng bảo vệ một lát
Mặc Sênh ngạc nhiên, cảm giác có chuyện chẳng lành. Báo chí có nhiều lần đăng tin nhân viên bảo vệ một số siêu thị cưỡng chế khám xét, thậm chí đánh khách hành.
Mặc Sênh nhìn anh ta với ánh mắt cảnh giác. Anh bảo vệ tỏ vẻ ái ngại nói:
– Xin lỗi chị, chúng tôi không có ý gì. Chỉ muốn hỏi, một tháng trước đây chị có đánh mất thứ gì không?
Một tháng trước mình vừa về nước, chẳng lẽ đánh mất thứ gì mà mình không biết? Chị lặng lẽ theo người bảo vệ với một chút hiếu kỳ. Đến phòng bảo vệ, anh ta đưa cho Mặc Sênh một cái ví da màu đen.
Nhìn qua Mặc Sênh cũng biết đó không phải là ví của mình. Chị lắc đầu nói:
– Anh nhầm rồi, không phải của tôi.
Người bảo vệ ngạc nhiên, hỏi lại:
– Chị mở ra xem.
Chị đón cái ví, mở ra. Bên trong có bức ảnh của chị.
Người bảo vệ nói:
– Ảnh của chị phải không? Mặc dù chị đã khác nhiều, nhưng tôi vẫn nhận ra.
Khác rất nhiều, bởi vì bức ảnh chụp Mặc Sênh vừa vào đại học, vẫn còn để tóc dài tết thành bím đuôi san, cười một cách ngốc nghếch.
Mặc Sênh trả cái ví cho người bảo vệ:
– Đây không phải tôi.
Người bảo vệ vẫn một mực:
– Người trong ảnh không phải chị sao?
– Đúng là tôi. Nhưng cái ví không phải của tôi.
– Nhưng nhất định là người quen của chị. Này, có khi chủ nhân của cái ví thầm yêu chị cũng nên
Ồ, thật bất ngờ! Ai bảo người Trung Quốc thiếu óc liên tưởng?!
– Nhưng…
– Chị cầm đi, cầm đi. Mãi chẳng có ai đến nhận, để ở đây chúng tôi cũng khó xử lý. Đem nộp coi như xung công thà trả lại cho chị. Chị và chủ nhân cái ví nhất định có quan hệ với nhau. Ồ, mà biết đâu tôi chẳng tác thành cho một cuộc hôn nhân – Người bảo vệ hình như mê phim truyền hình, một mực tin vào suy diễn của anh ta.
Một tháng trước có thể Dĩ Thâm đã đánh rơi cái ví vào lúc họ gặp nhau. Dĩ Thâm đánh rơi ư? Mặc Sênh mang cái ví về nhà với suy diễn vẩn vơ.
Buổi tối sau khi tắm xong, nằm trên giường, Mặc Sênh giở lại cái ví. Kiểu dáng đơn giản, nhãn hiệu nổi tiếng, tiền không nhiều, hoàn toàn không xác định được thân phận của chủ nhân nó.
Mặc Sênh thận trọng rút bức ảnh ra. Ở một góc bức ảnh có mấy chữ nổi, chắc chắn được bóc ra từ giấy nào đó. Lật bức ảnh, chị ngỡ ngàng. Mặt sau có nét chữ, nét chữ phóng khoáng rắn rỏi như cào rách giấy của anh Mặc Sênh không bao giờ quên.
Đó là nét chữ của Dĩ Thâm. Dòng chữ viết bằng bút máy, mực đen: My Sunshine!
…
Trong một thành phố phức tạp vẫn có thể sống rất đơn giản. Làm việc, ăn, ngủ, chỉ có vậy. Sau thời kỳ thích nghi ban đầu, những ngày tiếp theo chỉ là sự lặp lại máy móc.
– Chị Sênh, tôi tìm chị khắp nơi – Mặc Sênh vừa bước vào tòa soạn đã nghe có người gọi từ xa.
– Bạch hả, có chuyện gì thế?
Bạch họ Lý, còn rất trẻ, cũng là phóng viên ảnh. Cậu ta có tài tiếp xúc với các siêu sao, siêu mẫu nên được giao phụ trách ảnh bìa.
– Vợ em sinh cháu, buổi chụp ảnh siêu mẫu Tiêu Tiêu ngày mai chị giúp em được không?
Tiêu Tiêu? Mặc Sênh hơi do dự:
– Tôi thì không có vấn đề gì. Có điều nghe nói tính khí của cô ta rất khó chịu, nếu không phải là người quen chưa chắc cô ta đã đồng ý cho chụp.
Bạch đã tính tới chuyện này, anh nghĩ một lát rồi nói:
– Thế này vậy, chị cứ thử đi, nếu không được thì gọi cho em.
Ngày hôm sau, khi nhìn thấy người mẫu Tiêu Tiêu nổi tiếng lạnh lùng, Mặc Sênh hoàn toàn bị bất ngờ. Chị không biết giới người mẫu trong nước, không ngờ cô ta lại… lại rất giống một người bạn thời đại học của chị.
Nhưng bạn đại học của Mặc Sênh là cô gái nông thôn chất phác vụng về. Còn cô người mẫu trước mặt chị, cặp chân dài ngọc ngà vắt chéo nhau, động tác hút thuốc vừa điệu nghệ vừa quyến rũ.
Mặc Sênh không dám nhận, có lẽ chỉ là hai người giống nhau thôi.
Nhưng người đẹp Tiêu Tiêu nheo mắt nhìn Mặc Sênh, đoạn sải bước chân dài đến bên chị:
– Thế nào, không nhận ra nhau à?
– Thiếu Mai ư?
– Hừ, không phải tớ thì ai đây – Cô ta cười đắc chí
– Chị Sênh, thì ra chị là người quen của Tiêu Tiêu? Tốt quá! – Cậu Đồng đi cùng vui vẻ góp chuyện
– Hồi học năm thứ nhất, cậu ở giường trên, tớ ở giường dưới.
– Thời sinh viên ai cũng thích giường tầng – Người quản lý của Tiêu Tiêu chen lời
– Chẳng phải các vị đến chụp ảnh sao? Mau chụp đi! – Tiêu Tiêu nhiệt tình giục.
Thiếu Mai thay đổi những quá. Mặc Sênh vừa lấy góc chụp vừa nghĩ. Trước ống kính hoàn toàn không phải là một Thiếu Mai vụng về đến đáng yêu. Vậy cô ta là ai?
Có lẽ chẳng là ai hết. Một nhiếρ ảnh có thể chụp được cái thần của người mẫu, nhưng Mặc Sênh không chụp được cái thần của Tiêu Tiêu. Có lẽ chị chưa đủ tài, hay nói đúng hơn, có lẽ người trước ống kính hoàn toàn không có cái đó.
Tiêu Tiêu rất trống rỗng! Một sự trống rỗng đến tuyệt vọng. Có lẽ chính sự trống rỗng này khiến cô ta nổi như cồn.
Chụp xong một tổ hợp ảnh, Tiêu Tiêu xua tay:
– Hôm nay chụp đến đây thôi
– Nhưng Tiêu Tiêu vẫn còn phải… – Người quản lý của Tiêu Tiêu ngạc nhiên nhắc.
– Đến đây thôi! – Tiêu Tiêu kiên quyết quay sang nói với Mặc Sênh – Chúng mình đi uống café. Lâu ngày không gặp nên uống rượu mới phải. Tiếc rằng gần đây dạ dày mình có vấn đề, đành uống café vậy.
– Ồ, uống café rất tốt, có lẽ bạn nên uống cùng với sữa – Mặc Sênh không biết nên nói thế nào. Có bao nhiêu, bao nhiêu chuyện cần hỏi. Thực sự không biết bắt đầu từ đâu – Sức khỏe rất quan trọng, ăn kiêng cũng nên có điều độ – Mặc Sênh chọn một chủ đề ngoài rìa nói
– Xưa nay tớ chưa bao giờ ăn kiêng – Tiêu Tiêu nửa cười, nửa không – Tớ nghiện rượu!
– Thiếu Mai! – Mặc Sênh ngạc nhiên bởi cách cô ta đối xử với bản thân. Chị xúc động nắm tay bạn cũ – Thiếu Mai, tại sao lại trở nên như vậy?
Tiêu Tiêu theo phản xạ hất tay Mặc Sênh làm chị ngẩn người. Cả hai im lặng, có phần lúng túng.
– Cậu thay đổi nhiều quá – Lúc lâu sau Mặc Sênh lên tiếng, vẻ xót xa.
– Đúng vậy, còn nhớ hồi năm thứ nhất tớ thầm yêu một người không? – Tiêu Tiêu lạnh lùng kể – Một hôm tớ nói thẳng với anh ta, tớ thích anh ta. Anh ta thừa nhận nhưng không yêu tớ. Sau đó, Thiếu Mai đã chết. Tớ bây giờ là Tiêu Tiêu.
Lời Tiêu Tiêu như khứa vào tâm can, Mặc Sênh thấy đau lòng chẳng biết nói gì thêm.
Lát sau, Tiêu Tiêu lại nói giọng mỉa mai:
– Rốt cuộc cậu vẫn không thay đổi. Vẫn giả bộ cao thượng. Vì sao bỏ nước Mỹ vàng son mà về?
Câu nói ít nhiều làm tổn thương Mặc Sênh, nhưng nghĩ lại mình cũng có lỗi. Năm xưa chị lẳng lặng bỏ đi, bảy năm bặt vô âm tín. Chị có lỗi với bạn bè:
– Lúc đó mình đi vội quá…
– Không cần nói với tớ những cái đó – Tiêu Tiêu ngắt lời – Những cái đó nên nói với Dĩ Thâm.
Hà Dĩ Thâm. Sao lại liên quan đến anh ta?
Mặc Sênh nhớ lại cảnh Dĩ Thâm, Dĩ Văn cặp kè bên nhau hôm ở siêu thị:
– Mình nghĩ anh ta chẳng quan tâm đâu
– Không quan tâm? Cậu tưởng ai cũng vô tâm như cậu sao? – Tiêu Tiêu có vẻ xúc động – Mấy ngày đầu lúc cậu mất tích, anh ta tìm cậu trông giống như một người điên. Về sau anh ta nhất định ở lại ký túc xá chờ. Kết quả anh ta chờ được cái gì? – Tiêu Tiêu cau mày – Kết quả là có mấy người đến mang đồ của cậu đi. Họ bảo với anh ta cậu đã đi Mỹ, có thể không bao giờ trở lại.
– Mặc Sênh, cậu ác quá! – Tiêu Tiêu dừng lại một lúc rồi lại tiếp – Tớ không bao giờ quen phản ứng của Dĩ Thâm lúc đó. Anh ta có cái vẻ của một người bị rơi xuống vực. Mặt tối tăm tuyệt vọng khiến bọn tớ phát sợ. Không ngờ một người kiêu ngạo như Dĩ Thâm lại như vậy…
Mặc Sênh choáng váng. “Chuyện đó có thật ư?”
– Có lẽ anh ta thấy áy náy…
– Triệu Mặc Sênh, người bỏ đi Mỹ là cậu. Cậu mới phải là người áy náy!
– Thiếu Mai, cậu không hiểu đâu.
– Tớ có mắt, tớ hiểu – Tiêu Tiêu không nói nữa.
– Vậy ra mọi người cho rằng mình bỏ anh ta? Rõ ràng không phải thế – Mặc Sênh mỉm cười cay đắng.
Rõ ràng anh ta đã nói như vậy. Anh ta nói anh ta không muốn gặp chị, không bao giờ muốn nhìn thấy chị nữa. Anh ta bảo chị đi đi, đi càng xa càng tốt… Rõ ràng là anh ta!
Từ biệt Tiêu Tiêu, Mặc Sênh đi trên đường phố khi đó đã vào hạ. Lời Tiêu Tiêu vẫn vang bên tai:
– Về sau anh ta ở một mình mãi…
Thế còn Hà Dĩ Văn? Không phải cô ấy yêu Dĩ Thâm mãnh liệt, quyết theo đuổi anh bằng được hay sao?
Rốt cuộc họ không ở với nhau. Vậy chuyện năm xưa là thế nào? Vì sao Dĩ Thâm lại nói như vậy?
Mặc Sênh xòe bàn tay, bên trong có mảnh giấy viết địa chỉ của văn phòng luật sư Hà Dĩ Thâm. Tiêu Tiêu chỉ nói:
– Có thể cậu cần.
Không phải là mình đến, mà chỉ tiện đường rẽ qua. Nhưng quả thật Mặc Sênh đang đứng trước cửa “Văn phòng Luật sư”
Cô gái trẻ nói như người có lỗi:
– Luật sư Hà không có ở đây, xin hỏi chị có hẹn trước không?
Mặc Sênh không nhớ cảm giác của chị lúc đó là thất vọng hay nhẹ nhõm:
– Không!
– Vậy nếu chị có việc, tôi sẽ nhắn với luật sư Hà, hoặc là… – Cô gái nhìn đồng hồ trên tường – Chị có thể chờ, luật sư Hà cũng sắp về.
– Ồ không, lần sau tôi đến – Mặc Sênh đi vài bước, đoạn quay lại – Đây là ví của luật sư Hà, nhờ cô chuyển giúp. Cảm ơn!
Một kết quả đến là hay! Vốn duyên mỏng chẳng trách tình không sâu!
…
– Chị Sênh, chị thấy làm việc trong nước và ở nước ngoài có gì khác nhau? – Sắp hết giờ làm việc, một nhân viên cùng phòng đột nhiên hỏi.
– À – Mặc Sênh nhìn quanh, thấy không có sếp nên nói thẳng thắn – Lương cao hơn nhiều
– Tiếc thế! – Đồng nghiệp xuýt xoa
– Ở bên đó chị có bị phân biệt đối xử không?
– Ít nhiều cũng có
– Thực ra chuyện đó cũng chẳng đáng quan tâm. Ngay người HongKong cũng coi thường người Đại lục nữa là – Đồng nghiệp Đại Bảo vừa từ HongKong về xen lời.
– Khi bản thân mình gặp phải chuyện đó mình sẽ không nghĩ thoáng được như thế đâu. Một lần, trước bao nhiêu đồng nghiệp của tôi, ông chủ đột nhiên tuyên bố Trung Quốc không có một nhà nghệ thuật thực sự. Tôi tức lắm, chưa bao giờ cảm thấy mình đích thực là người Trung Quốc đến vậy. Ngay lúc đó tôi chỉ vào mũi ông ta nói: ông biết gì về nghệ thuật Trung Quốc? Khi người Trung Quốc chúng tôi làm nghệ thuật, không biết người Mỹ các ông đang lang thang ở đâu?
– Có thế chứ. Rất khẳng khái! – Các đồng nghiệp vỗ tay tán thưởng khen câu đối đáp hay tuyệt.
Sau đó có ai đấy hỏi:
– Về sau vì sao chị bị sa thải?
Mặc Sênh cười:
– Ông chủ tuy ngạo mạn nhưng cũng khá độ lượng. Về sau, một hôm không biết ông ta lấy đâu ra tờ giấy có các ô vuông bảo tôi viết mấy chữ Trung Quốc. Ông ta nói muốn treo ở phòng khách.
– Thật không? – Một đồng nghiệp hỏi
– Chị Sênh, chữ chị có được không? – Lại có người hỏi
– Tôi thể hiện ngay bản lĩnh của Trịnh Bản Kiều (họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc bởi lòng chính trực, tính khí ngang tàng không khuất phục trước thế lực thống trị). Đầu tiên, tôi lôi nào bút nào nghiên để tất lên bàn, làm ra vẻ loay hoay một hồi tôi ngoáy liền mấy chữ. Nói thực ra, nếu mấy chữ đó không phải chính tay tôi viết, tôi cũng chịu không thể nào đọc được.
– Chị viết chữ gì?
– Nhĩ nãi man di! Ông cũng là đồ man di!)
– Ọc… – Có ai đó cười bắn cả trà trong miệng ra.
Trong tiếng cười rộ, có người gọi:
– Chị Sênh, có người tìm.
Mặc Sênh quay đầu, Hoa Tiên Tử. Tiểu Hồng, biệt hiệu Hoa Tiên Tử te tái chạy vào, thở gấp:
– Chị Sênh, ở phòng khách kia kìa. Điển trai lắm, rất lạnh lùng, rất đàn ông, thoạt nhìn đã biết ngay thuộc loại đàn ông thành đạt. Chị Sênh, chị vừa về nước đã tăm được đám hời thế. Vậy mà cứ giấu tài.
Lời của Hoa Tiên tử nếu tin được có họa là lợn cũng biết bay. Lời cô ta ít nhất cũng phải trừ hao mấy phần, thậm chí một nửa.
Nhưng Mặc Sênh rất tò mò. Chị vừa về nước, đã quen biết ai đâu. Ai có thể tìm mình chứ?
Tuyệt nhiên không thể nghĩ lại là anh!
Nhưng người đàn ông đứng bên cửa sổ phòng khách tòa soạn quay lưng về phía chị, chính là Hà Dĩ Thâm!
Nghe tiếng kẹt cửa, anh ta quay đầu lại, ánh mắt lạnh lùng hướng về phía chị hoàn toàn lãnh đạm, không một chút biểu cảm.
Hoa Tiên Tử không nói quá. Người đàn ông này rất mực tuấn tú, phong thái đường hoàng, bộ comple đắt tiền vừa vặn làm tôn vóc người cao lớn tuyệt đẹp, vẫn điềm tĩnh tư tin như trước nhưng có gì đó xa cách khiến người ta e ngại.
Mặc Sênh không thể nào mở miệng.
Người đàn ông điềm tĩnh, chậm rãi gật đầu chào:
– Triệu tiểu thư.
Triệu tiểu thư? Mặc Sênh thực sự muốn mỉm cười nhưng khó quá:
– Hà… tiên sinh
Chỉ cái ghế phía xa, chị nói:
– Mời ngồi!
Mặc Sênh đi lấy hộp trà, chị không thể bình tĩnh như anh. Chị cố che giấu xúc động của mình:
– Anh uống gì?
– Cảm ơn, không cần – Ánh mắt nghiêm nghị, anh ta nói – Tôi chỉ nói vài câu rồi đi ngay.
– Anh đến tìm tôi, sao biết tôi ở đây?
Anh im lặng, lát sau mới nói:
– Tiêu Tiêu. Tôi là luật sư của Tiêu Tiêu.
– Có việc gì không?
Khẩu khí của anh ta như toát ra hơi lạnh:
– Mấy hôm trước Triệu tiểu thư hạ cố đến văn phòng của tôi, nói là sẽ quay lại. Chờ mãi không thấy, tôi đành thân hành đến thăm.
Mặc Sênh ngỡ ngàng ngẩng đầu, bắt gặp ánh mắt sáng quắc của anh ta:
– Sao anh biết… – Chị không để lại tên, sao anh ta biết người đến trả cái ví là chị?
– Tiểu thư, tôi đương nhiên có khả năng suy đoán của một người bình thường – Anh ta nói giọng đầy chế nhạo.
Có lẽ các luật sư đều thế. “Khả năng suy đoán của một người bình thường”. Mặc Sênh nhìn vào bức tường trước mặt:
– Tôi đến trả ví, anh nhận được rồi, cần gì phải đến đây?
Mắt Dĩ Thâm đột nhiên lóe lên:
– Ngoài trả cái ví, cô không còn có việc gì nữa ư?
Còn có việc gì nữa ư? Mặc Sênh nói dứt khoát:
– Không!
– Rất tốt! – Mắt anh ta thoáng thất vọng. Anh ta bước đến trước mặt chị – Nhưng tôi có việc.
Anh lấy cái ví để trước mặt chị:
– Trong cái ví này vốn dĩ có một bức ảnh, cô Triệu biết gì về nó không?
Đương nhiên biết. Mặc Sênh cúi đầu:
– Thế ư? Quả thật tôi không để ý.
– Thật sao? Trong ví này ngoài tiền chẳng có gì nữa. Sao cô Triệu biết nó là của tôi?
Mặc Sênh im lặng. Chị quên rằng anh là luật sư, luôn biết tìm ra sơ hở trong lời nói của đối phương. Nếu muốn lừa anh ta, phải biết lượng sức mình.
Anh ta hơi cúi người, nói như nói thầm:
– Cô có thể cho tôi xin lại bức ảnh đó không?
– Người trong ảnh là tôi, tại sao tôi phải trả lại anh?
– Triệu tiểu thư, tôi khuyên cô không nên tranh luận vấn đề quyền sở hữu với một luật sư – Dĩ Thâm lãnh đạm nói.
Mặc Sênh tức giận. Một Dĩ Thâm như vậy chị không quen cũng như không thể đối phó:
– Bức ảnh không có ở đây – Cuối cùng chị nói
– Vậy ngày mai xin cô trả cho tôi
– Ngày mai tôi có…
– Triệu tiểu thư! – Hà Dĩ Thâm ngắt lời chị – Tôi nghĩ chúng ta không muốn quấy rầy người khác, tại sao không kết thúc sớm đi?
Kết thúc sớm ư? Mặc Sênh im lặng hồi lâu:
– Anh cần bức ảnh làm gì?
– Ai biết được! – Ánh mắt Dĩ Thâm u ám – Có lẽ tôi muốn có nó ở bên để nhắc cái quá khứ xuẩn ngốc của tôi.
Xuẩn ngốc, đúng thế, quá xuẩn ngốc! Vậy mà chị hằng hy vọng…
Hà Dĩ Thâm nói giọng kiên quyết:
– Ngày mai tôi đến lấy, nếu cô bận có thể nhờ người khác chuyển cho tôi. Tạm biệt Triệu tiểu thư.
– Tốt
Hà Dĩ Thâm đột nhiên quay đầu lại, mặt vẫn rắn đanh:
– Cảm ơn sự hợp tác của cô. Ngày mai gặp lại.
Mặc Sênh im lặng nhìn cái dáng cao lớn đi xa dần. Không phải chị không hình dung cảnh tượng hai người gặp nhau, nhưng như thế này quả thực chị không hề ngờ tới. Ngay một chút thuận tình khi nói “ngày mai gặp lại” anh ta cũng không có.
…
Quá khứ xuẩn ngốc ư?
Mặc Sênh đứng trước tấm gương lớn trong phòng ngủ, chăm chú nhìn người phụ nữ đối diện với mình trong gương. Nếu mái tóc ngắn biến thành những lọn tóc đuôi sam, nếu làn da rám nắng trở nên trắng mịn, nếu có thể cười một cách thoải mái vô tư… Điều quan trọng nhất là, nếu có thể xóa đi vẻ u uất chất chứa trong đáy mắt, thay vào đó là vẻ ngây thơ học trò, chị sẽ trở thành Triệu Mặc Sênh mới quen Hà Dĩ Thâm ngày mới vào đại học.
– Hà Dĩ Thâm… Hà Dĩ Thâm…
Mặc Sênh không rõ mình đã bám theo Hà Dĩ Thâm như thế nào. Dĩ Thâm lại càng không biết. Đằng nào lúc đó chị cũng là người chạy theo anh. Cho đến một hôm, không chịu nổi, Dĩ Thâm nghiêm mặt hỏi:
– Triệu Mặc Sênh, tại sao cô cứ bám theo tôi vậy?
Nếu là bây giờ chị sẽ ngượng đến chết! Tuy nhiên lúc đó chị không biết ngượng là gì. Chị nhướn mày hỏi:
– Dĩ Thâm, anh ngốc hay là tôi ngốc? Ồ, mà nh thông minh như vậy, nhất định là tôi ngốc rồi. Sao tôi lại thảm hại đến thế, bám theo người ta mà không biết mình đang làm gì?!
Còn nhớ lúc đó Dĩ Thâm đã tròn mắt kinh ngạc hồi lâu. Về sau nhắc lại chuyện này, anh có vẻ vừa buồn bực vừa buồn cười tuyên bố “ai ngờ trên đời lại có người mặt dày đến thế!”. Kết cục người xấu hổ lại chính là anh.
Cho nên chàng sinh viên Luật khoa sau một hồi im lặng, cuối cùng đã có thể có đối phó được, tuy nhiên cũng chỉ có thể lắp bắp:
– Tôi không định có bạn gái lúc còn đang đi học
Lúc đó Mặc Sênh ngây thơ đến mức không nhận ra đó chỉ là cái cớ, nên lại tiếp tục tấn công:
– Vậy tôi xếp hàng trước, đợi anh tốt nghiệp đại học xem liệu được anh ưu tiên lựa chọn?
Trước một đối thủ ngoan cố đến vậy, chàng luật sư tương lai đành bó tay. Chàng ta vội chuồn thẳng sau khi ném lại một câu:
– Tôi phải lên lớp.
Mặc Sênh đương nhiên không cam chịu thất bại, nhưng trước khi chị nghĩ ra biện pháp tốt hơn thì đã nghe mọi người bàn tán:
– Hà Dĩ Thâm khoa Luật nghe đâu mới có bồ. Hình như tên là Triệu Mặc Sênh, cái tên nghe là lạ…
Nghe vậy, Mặc Sênh chạy như bay đến giảng đường tìm Dĩ Thâm, thanh minh:
– Tin đồn không phải do tôi tung ra. Anh phải tin tôi mới được.
Dĩ Thâm ngẩng đầu khỏi cuốn sách, mắt trong veo nhìn chị nói:
– Tôi biết
Mặc Sênh hỏi lại một cách ngu ngốc:
– Sao anh biết?
Dĩ Thâm trả lời tỉnh khô:
– Bởi vì chính tôi tung ra cái tin đó!
Lần này đến lượt Mặc Sênh im bặt.
Dĩ Thâm giải thích:
– Tôi nghĩ kỹ rồi. Nếu ba năm sau cô nhất định là bạn gái của tôi, vậy sao tôi không sớm sử dụng quyền đó của mình?
Trời! Lúc đó…
Khóe miệng của người phụ nữ trong gương hiện lên nụ cười, nhưng nụ cười vẫn chưa kịp hiện lên đôi mắt đã lại biến mất.
Mặc Sênh bước ra ngoài ban công, lòng ngổn ngang. Ngước nhìn bầu trời sao thưa thớt. Ngày mai có lẽ là một ngày nắng đẹp.