Lời của Lâm: Tất cả tình cảm ngoài hôn nhân hầu như đều là “nhìn thấy ánh sáng mà chết”. Tôi không oán trách gì, chỉ nói sự thật. Nếu nói rằng tình yêu giữa hai người là tuyệt đẹp thì tình yêu giữa ba người là tàn khốc. Dù có nhìn thấy nó đẹp chăng nữa cũng là vì tàn khốc nên mới nảy sinh một kiểu đẹp mệt mỏi. Nó cũng như balê, cứ nhảy tới nhảy lui mãi không ngừng, nhảy tới khi tuyệt vọng.
Anh nói xem tôi có ý đồ gì? Tôi quen anh ấy lúc đó, anh ấy đã 40 tuổi rồi. Năm anh ấy mất, anh đã 60 tuổi. Vậy tôi âm mưu chiếm đoạt tiền bạc hay con người anh ấy? Hay để được anh ấy chăm sóc, hay để chia tài sản cùng anh ấy? Khi anh ấy mất, tóc bạc trắng, nom như một ông già. Nhưng cũng rất lạ rằng, tôi ngắm anh ấy vẫn không nỡ buông đi, phảng phất như thể thấy lại cảnh đầu tiên gặp anh ấy trong phòng bệnh vào 20 năm trước. Cảnh đó tôi muốn quên đi mà không thể quên nổi, nó như khắc sâu trong trái tim tôi.
Tôi luôn nhớ tới một chàng bác sĩ uy nghiêm, thông minh, tháo vát hồi đó. Khi anh ấy còn trẻ, đôi mắt như có thần, nhìn kẻ khác hơi thể người ta là một chú hươu non. Tại sao tôi không thể nào quên được đôi mắt của anh ấy nhỉ? Vì lúc đó trong bệnh viện, anh ấy bịt khẩu trang cả ngày, khiến mắt và tóc anh ấy vô cùng nổi bật. Mái tóc đen của anh ấy có chỗ quăn tự nhiên. Con gái anh ấy cũng có tóc quăn tự nhiên, hoàn toàn di truyền từ cha.
Tôi đã nhìn thấy vợ anh ấy, chỉ một lần thôi. Ngoài lần đó ra, tôi chỉ nhìn thấy hình. Đó là một phụ nữ trắng trẻo, lặng lẽ. Hoặc nói một cách khác, đó là một phụ nữ tốt, là dạng phụ nữ mà rất nhiều người đàn ông lấy xong mang về để ở nhà rất yên tâm. Huống hồ cô ấy còn sinh cho anh ấy một đứa con gái. Nghe mọi người kể vợ anh ấy bị bệnh tim rất nặng, phải chịu rất nhiều khổ sở mới sinh được đứa con này. Tôi cũng là phụ nữ, hiểu rằng một người phụ nữ nếu dám mạo hiểm tính mạng mình để sinh con cho một người đàn ông thì cô ấy nhất định là rất yêu anh ta. Có lúc hiến dâng cũng là một dạng hạnh phúc cực điểm. Người phụ nữ này đã thể nghiệm được điều đó, cũng đạt được báo đáp. Dù sao, cô ấy đã vượt qua được điều đó. Dưới vẻ bề ngoài yếu ớt, nhất định cô ấy có một trái tim kiên định.
Thật kỳ lạ, đối với một phụ nữ vốn là tình địch của tôi, tôi không thấy thù hận một chút nào. Thậm chí tôi còn có cảm giác hai chúng tôi rất gần gụi nhau, cũng rất giống nhau. Dù sao chúng tôi đều yêu chung một người đàn ông. Cô ấy như một phần khác của con người tôi. Đúng là như vậy, tôi thường tưởng tượng mình là cô ấy. Tôi thấy mình tuy chưa từng cưới Giang Thuần nhưng tôi cũng là vợ anh ấy, một cô vợ khác. Tôi thấy điều này không có gì mâu thuẫn. Đương nhiên tôi đứng ở góc độ hồng nhan tri kỷ của một người đàn ông mà nói, tôi không biết nếu mình là vợ anh ấy, liệu tôi có nghĩ như vậy không? Con người đều ích kỷ như nhau. Vấn đề này đối với tất cả các bà vợ mà nói, e rằng đáp án chỉ có một. Thật đáng tiếc là, tôi không có cái số đó. Suốt đời này, ngay cả tư cách ích kỷ trong tình yêu, tôi cũng bị tước đoạt mất. Cũng giống như mỗi lần anh ấy vội vàng từ chỗ tôi trở về, chưa bao giờ anh ấy ở lại qua đêm với tôi. Tuy tôi biết rõ những gì chờ đón chỉ là một buổi sáng thông thường nhất… Thân thế tôi đã bị quyết định rồi. Tôi chỉ có thể cùng người khác chung hưởng, và nhất thiết phải dùng cách không được đàng hoàng nhìn thấy ánh sáng như vậy. Tình cảm ngoài hôn nhân, hầu như đều là kiểu “nhìn thấy ánh sáng là chết”. Tôi không oán thán, tôi chỉ nói sự thật.
Trong tình yêu cũng có sự giao thoa sinh tử. Tôi cho rằng vợ anh ấy và anh ấy cũng vậy. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng dùng sức mạnh của mình để chia rẽ bọn họ. Một là về đạo đức tôi không cho phép, hai là tôi biết họ cũng không thể chia rời nhau. Người phụ nữ đó và tôi cũng vậy, năm đó đều là bệnh nhân của anh ấy. Nhưng cô ấy may mắn hơn tôi vì cô ấy đến sớm hơn tôi mười mấy năm. Nếu tính không sai khi tôi mới lên tiểu học, họ đã yêu nhau rồi…
Tôi vĩnh viễn không thể quên được mùa hè năm đó. Từ sau khi quen nhau, cuộc sống của tôi như chỉ có một mùa hè đó. Nó rực rỡ huy hoàng, bất kể trong giấc mơ hay trong ký ức, đều không thể phai màu. Lúc đó tôi 19 hay 20 tuổi nhỉ? Không hiểu sao tôi đột nhiên bị viêm phổi. Lúc đó trong nhà cũng không có ai. Cha mẹ tôi đi ra ngoại tỉnh thăm bà ngoại, em trai lại đang đi lính. Tôi xin cơ quan nghỉ phép, cứ ngỡ bệnh vặt nhưng không ngờ sốt cao liên tục mấy ngày. Khi đồng nghiệp tới thăm, người tôi đã nóng bừng bừng. Thế nên họ đưa tôi vào một bệnh viện lớn gần đó.
Nói ra thật tình cờ, Giang Thuần làm việc đúng ở đó. Hôm đó là ngày anh ấy trực và tôi nằm trong khu vực bệnh nhân mà anh ấy quản lý. Vì thế việc chúng tôi quen nhau không thể không nói là có cơ duyên ngẫu nhiên. Đó chính là số phận của tôi, bao gồm cả cuộc gặp gỡ nên duyên này cũng là bước đệm cho câu chuyện của chúng tôi sau này. Những ngày đó, anh ấy chăm sóc tôi như chăm sóc một đứa trẻ, nói năng rất nhẹ nhàng, ngày nào cũng kiểm tra phòng bệnh và không quên hỏi thăm tôi dăm câu.
Ngoài các đồng nghiệp nam ở cùng cơ quan, tôi chưa từng tiếp xúc với đàn ông khác. Nhớ hồi đầu, sau khi mẹ sinh em trai, gửi tôi về nhà bà nội ở tỉnh khác. Tôi sống ở đó suốt cho tới khi lên cấp ba mới chuyển trường về nhà nên thiếu hụt tình yêu thương của cha mẹ. Sự xuất hiện của Giang Thuần đã thỏa mãn cho tôi khát khao đó. Chẳng hạn có một người như bố mình chăm sóc cho mình uống thuốc, có những lời hỏi han ân cần của bậc tiền bối và những trói buộc… Năm đó, tôi vẫn chưa yêu ai nhưng đã đọc không ít tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Tôi rất thích nhân vật Phi Vân Phàm trong tác phẩmmột giấc mơ của bà. Đó là một mẫu người đàn ông trưởng thành có tình cảm sâu đậm khiến người ta dễ cảm động nhất. Tôi bắt đầu trông ngóng những thời khắc anh ấy tới thăm phòng bệnh, khắc khoải chờ đợi tiếng bước chân anh ấy. Có lúc thậm chí tôi còn mong mình tốt nhất mắc chút bệnh gì đó để anh ấy dừng lại trước giường tôi lâu hơn một phút… Tôi thích ánh mắt anh ấy nhìn tôi, hỏi tôi, có phải thấy khó chịu không? Cảm giác sau khi uống thuốc ra sao… Tôi nghĩ hẳn mình đã yêu anh ấy mất rồi.
Tôi không nhịn nổi mơ mộng, tất cả sự chăm sóc, bảo vệ của anh ấy đối với tôi biết đâu vì anh ấy cũng có tình cảm với tôi. Tôi cứ bị suy nghĩ đó khích lệ, chỉ cần vừa nhìn thấy anh ấy, tôi đã mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt anh ấy. Nhưng anh ấy luôn lảng nhìn ra nơi khác… Tôi đã thấy rõ trong ánh mắt đó không có nhiều thứ… nên tôi thậm chí đã rơi lệ… Tình cảm đó mãi tới giờ vẫn chưa gỡ ra nổi. Tôi cứ canh cánh mãi thứ tình cảm không đủ sét đánh của anh ấy đối với tôi. Sau đó tôi đã từng hỏi anh ấy. Tôi hỏi rằng có phải thời gian tôi nằm viện, anh ấy đã thích tôi rồi không? Anh ấy đáp không phải, anh ấy đối với bệnh nhân nào cũng vậy.
Tôi biết anh ấy không nói dối, mà dẫu có thật thì có thể sao nào? Anh ấy không quen những lời ngọt ngào. Như vậy cũng tốt, mà cũng không tốt hoặc đó chính là đặc trưng của con người ở anh ấy. Một là một, hai là hai, rất vụng về không biết nịnh cho người ta vui lòng.
Lúc xuất viện, tuy nom tôi trông vui vẻ nhưng thật ra trong lòng lại nặng trĩu một hình bóng. Hơn một năm sau, tôi thấy lòng nặng nề. Điều này dẫu người khác không dễ nhận ra nhưng cha mẹ tôi đã nhận ra. Họ phát hiện thấy tôi không còn thích nói cười như trước nữa, mà thích ngồi một mình, có lúc lại khóc thầm. Nỗi tương tư vô vọng của tôi đối với Giang Thuần trong mắt cha mẹ tôi lại bị coi là “thất tình”. Thế nên hai người bắt đầu ra sức giới thiệu bạn trai cho tôi. Đương nhiên họ không hay biết rằng trong lòng tôi đã có đối tượng. Nếu họ biết người đó không chỉ lớn hơn tôi 20 tuổi, mà còn đã kết hôn, nhất định cả hai sẽ ngất lịm mất.
Hồi đó xã hội còn rất nhạy cảm với chuyện này. Dư luận luôn đả kich nặng nề kẻ thứ ba. Nếu bạn ở ngoài có một kẻ thứ ba hoặc bị coi là kẻ thứ ba của người khác, điều đó có nghĩa trước tiên bạn sẽ bị tử hình ở tòa án đạo đức. Cũng có thể bị mất các quyền lợi như chia nhà, tăng lương… Thế nên tôi không có tâm trí nào đi gặp người đàn ông khác. Nhưng thà gặp xong rồi khước từ còn tốt hơn là tôi thừa nhận mình yêu phải người đàn ông có vợ.
Tôi còn nhớ mẹ giới thiệu cho tôi một chàng trai làm ở bưu điện, rồi một giáo viên trung học. Ngay từ lần gặp đầu tiên, họ đã đồng ý muốn cùng tôi qua lại tiếp nhưng kết quả đều bị tôi mượn cớ khước từ. Từ đó tôi và mẹ gây gổ nhau không vui. Vì trong đó có một người mà cha mẹ tôi đều rất ưng ý. Họ không hiểu rốt cục tôi ra sao nữa… Nói đi nói lại, tôi cũng có sai thật. Đầu óc tôi chỉ quanh đi quẩn lại toàn ngập tràn hình bóng Giang Thuần. Như thể đó là một cơn nghiện ngoan cố, cố dứt cũng không dứt được. Tôi nghĩ mãi không ra cách gì để có thể khiến anh ấy hiểu cho lòng tôi. Sau này có thể được ở bên nhau hay không, không quan trọng, có bị người khác cho là kẻ thứ ba hay không cũng không quan trọng. Điều quan trọng duy nhất chính là tôi muốn anh ấy biết rằng tôi yêu anh ấy. Anh ấy có chấp nhận hay không, không quan trọng, chỉ cần anh ấy biết, thế là đủ.
Giờ nghĩ lại lúc đó tôi thực sự điên quá. Nhìn bề ngoài cứ tưởng tôi là người rất dịu dàng nhưng thực ra lúc cứng đầu thì có chín cái đầu trâu cũng không kéo lại nổi. Có thể đúng là do ông trời thương xót tôi, cơ hội đã ập tới rất nhanh. Hôm đó một đồng nghiệp của tôi bị ốm. Tôi theo lời dặn dò của chủ nhiệm đã đưa cô ấy tới bệnh viện. Lúc đi, tim tôi đập thùm thụp như thể linh cảm được ngày hôm nay sẽ gặp anh ấy. Quả nhiên lúc lấy số khám bệnh, tôi nhìn thấy anh ấy đi qua, tay cầm sổ bệnh án, vừa đi vừa lật xem. Tôi không kịp nghĩ gì, chạy vội tới, hối hả tới trước mặt anh ấy, không kịp giữ phép tắc. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau kể từ lần anh ấy xuất viện. Tôi rất xúc động. Anh ấy bị tôi chặn lại, rõ ràng cũng giật mình, sau đó định thần nhìn kỹ mới phát hiện ra tôi. Điều khiến tôi vui sướng là anh ấy vừa nhìn đã nhận ra tôi: “Thì ra là cô à, sao? Lại có chỗ nào thấy khó chịu?”
Tôi lắc đầu, rồi lại ra sức gật đầu, thấy trái tim mình như thể lập tức rớt ra khỏi lồng ngực. Anh ấy cười, tuy vẫn đeo khẩu trang nhưng tôi có thể nhận ra, anh ấy đang cười, vì những nếp nhăn nơi khóe mắt anh ấy co hết lại. Anh ấy hỏi: “Vậy là tôi có vấn đề?” Tôi thở dài một hơi, đáp: “Là có chuyện muốn nhờ hỏi anh. Nếu có thể sau khi tan giờ làm hôm nay, em đứng ngoài bệnh viện chờ bác sĩ nhé, được không?” Anh ấy gật đầu rất nhẹ nhõm, quả nhiên đã đồng ý. Lúc đó tôi căng thẳng suýt khóc. Tôi đã nói mà, anh ấy luôn là một bác sĩ tốt nên đồng ý tan giờ làm gặp tôi. Nhất định anh ấy nghĩ rằng tôi hỏi han về tình hình bệnh tật. Khi vừa từ bệnh viện đi ra, chưa đợi tôi nói gì, anh ấy đã mời tôi ăn cơm.
Thì ra anh ấy đã biết hết, thì ra ngay từ đầu anh ấy đã nhận ra điều tôi muốn nói với anh ấy không phải là xin tư vấn chữa bệnh, mà là một cô gái trẻ đã rơi vào lưới tình của anh. Có lẽ do lưới tình đó đã không phải là lần đầu có người rơi vào. Tôi như người bị mê ngủ, ngoan ngoãn đi sau anh ấy, để mặc anh ấy đưa đi tới bất kỳ nơi nào. Lòng tôi ngập tràn hoan hỉ nhưng không biết làm thế nào để mở miệng. Anh đưa tôi đến một tiệm ăn nhỏ yên tĩnh. Đó là nơi mà anh ấy và vợ thích nhất. Tôi biết dụng ý của anh ấy. Anh ấy hy vọng dùng cách uyển chuyển này xóa bỏ ý đồ của tôi. Tôi ngồi đó, thấy thật ấm ức, đương nhiên là phần lớn là tủi thân cho mình. Thoắt một cái tôi nhớ lại rất nhiều chuyện không vui vẻ từ trước đến nay. Rồi đầu óc lại nhớ tới món nợ anh ấy, phảng phất như thể tất cả như anh ấy tạo ta. Thế là tôi khóc, khóc rất thương tâm, khóc tới mức anh ấy phải đứng lên vì sợ khách khứa xung quanh thấy nghi ngờ. Họ sẽ thấy ngờ vực vì mối quan hệ bất thường giữa hai chúng tôi. Anh ấy gọi cho tôi một ly nước ấm. Tôi khẽ nghịch cái ly trong tay, vẫn khóc không ra lời nhưng không dám ngẩng đầu lên. Giang Thuần cẩn thận hỏi: “Có phải tôi làm sai điều gì khiến cô hiểu lầm?”. “Em mới mới là người lầm lẫn”, tôi ngẩng đầu lên đáp, “Em cũng không muốn như vậy. Em cũng không biết tại sao em lại thích anh”. Cứ nói, nước mắt tôi lại trào ra.
Anh thở dài, rút khăn mùi xoa trong túi ra đưa cho tôi, rồi suy tư nhìn ra cửa sổ, nói: “Em còn nhỏ, có một số chuyện em không hiểu. Dù sao đi nữa, tôi cũng là người đã có gia đình. Huống hồ, tôi đối với em quả thực cũng không có ý gì khác.” Đột nhiên anh ấy chuyển cái nhìn về tôi, nói: “Em có biết không? Em chỉ hơn con gái tôi có tám tuổi thôi.” Tôi đáp, em biết, em biết anh đối với em không có ý gì khác. Em cũng biết anh đã có gia đình, có vợ con, nhưng em không thể kiềm chế những suy nghĩ của mình. Lẽ nào anh có thể kiềm chế được những suy nghĩ của anh? Không ai có thể quản lý được suy nghĩ của mình đâu.
Giang Thuần không nói gì, bắt đầu kể từng tí một chuyện giữa anh ấy và vợ. Tim tôi đập thình thịch, thực tình tôi cũng không nghe được nhập tâm… Thời gian trôi rất mau, thoắt một cái đã tới chín giờ tối. Anh ấy nhìn đồng hồ, kêu quá muộn, muốn tiễn tôi về nhà. Tôi lắc đầu kêu còn chuyến xe bus cuối cùng, không cần anh ấy tiễn. Rồi tôi chỉ vào cái khăn mùi xoa vừa lấy lau nước mắt, kêu muốn lấy cái này. Anh ấy khẽ lắc đầu, trên mặt lộ rõ nụ cười bất lực. Nhưng ngay cả nụ cười đó cũng thật mê hồn. Lúc sắp giã từ, tôi nhận lời với anh ấy rằng sẽ cố quên anh ấy thật nhanh. Để trao đổi điều kiện, anh ấy cũng nhận lời sẽ mời tôi đi ăn cơm khi có thời gian. Thực ra nếu một người đàn ông không muốn có bất kỳ sự phát triển quan hệ nào với người phụ nữ, tốt nhất họ cũng không muốn nhận lời những điều kiện như vậy. Vì có một sẽ có hai. Điều là sự thật. Đàn ông và đàn bà là vật rất dễ cháy nhưng lúc đó Giang Thuần hoàn toàn không tính tới những việc như vậy. Có lẽ do anh ấy quá tự tin hoặc là vì mới từ chối tôi nên nảy sinh cảm giác không nỡ. Đàn ông thường dùng những đặc ân nhỏ kiểu như “làm bạn bè bình thường” để an ủi một phụ nữ mà anh ta không muốn. Giang Thuần tự nhiên cũng không nằm ngoài.
Thế nên trong hai năm đầu, chúng tôi cứ qua lại khổ sở như vậy. Chúng tôi đã qua thời kỳ là bạn bè thông thường, đã trở thành tri kỷ không có gì không tâm sự. Từ mỗi lần tâm tình, tôi bắt đầu hiểu về anh ấy hơn, hiểu rõ nội tâm anh ấy và những điều chưa biết. Chỉ có mình tôi thấy rõ nhất, thực ra mấy năm qua, lòng tôi đối với anh ấy không hề thay đổi. Tôi chỉ đang chờ đợi, chờ đợi một cơ hội ập tới. Trải qua biết bao sóng gió, cuối cùng tôi cũng đợi được đến đêm đó. Để thuận tiện qua lại với Giang Thuần và cũng để che đậy bí mật của mình, một năm trước, tôi đã dọn ra khỏi nhà sống riêng. Cha mẹ tôi ngăn cản tôi không được. Huống hồ em trai tôi đi lính đã về, nhà cửa trong nhà quả thực chật chội. Thế nên gia đình cũng không quá phản đối. Đầu tiên tôi xin đăng ký ở trong ký túc xá của cơ quan, sau đó khu nhà ký túc xá bị phá đi để xây lại. Tôi chuyển ra ngoài thuê nhà. Đương nhiên lúc đó chúng tôi đã trở thành một cặp bạn trai – bạn gái cực kỳ thân thiết, nhưng chưa ai dám phá vỡ giới hạn cuối cùng. Anh ấy thường tới căn hộ thuê của tôi, nấu cơm tối cho tôi. Nhìn dáng anh ấy thắt tạp dề tất bật ở bếp, tôi chẳng cần ăn gì cả, đã hạnh phúc tới mức ngất đi.
Sinh nhật 24 tuổi của tôi là do anh ấy tổ chức. Anh ấy luôn kêu tôi là “a đầu”, nào là a đầu khi nào mới gả chồng đây, để anh đỡ mệt. Tôi hỏi, anh mệt gì chứ, chẳng phải chỉ muốn tống em đi nhanh nhanh sao. Anh ấy cười, nói, chúng ta là người của hai thế hệ rồi. Em không biết sao? Lẽ ra em phải gọi anh là chú. Tôi đáp em không biết. Em chỉ biết anh là đàn ông, em là đàn bà. Anh ấy im bặt, nhìn tôi chằm chằm, rồi giả bộ thoải mái nói, Đáng chết đáng chết, chưa kịp chuẩn bị quà sinh nhật cho em. Tôi nói em không cần quà gì, chỉ cần anh không đẩy em ra, để mỗi lần sinh nhật, em đều có thể nhìn thấy anh là được. Nói rồi nước mắt tôi lại đầm đìa. Anh ấy có vẻ hơi mất bình tĩnh, không ngừng xoa đầu tôi, không ngừng mắng tôi ngốc. Tôi đáp, em ngốc đấy. Đồ ăn trên bàn để lạnh ngắt không ai đụng đũa. Lúc đó đã bảy giờ tối. Tôi biết một lúc nữa anh ấy phải về, lòng khó chịu không tả nổi. Nếu là lúc thường ngày thì cũng thôi, nhưng hôm nay, hôm nay là sinh nhật tôi mà. Tôi nhìn anh, không gian như ngưng đọng đầy đau buồn. Những ngày tháng như vậy thật không biết bao giờ mới đến tận cùng? Tôi nhấp một li rượu, ra vẻ thoải mái, nói, Anh nói không sai, nên lấy chồng thôi.
Anh gật đầu, nói, Đúng vậy, nếu không lấy nhanh sẽ chả có ai thèm nữa. “Không ai thèm nữa…”, tôi cười nhắc lại lời của anh. Hôm đó chúng tôi cũng đều uống hơi say. Khi tôi lao mạnh đầu ngực anh, tôi cảm nhận được tim anh đập thình thịch, người anh khẽ rùng mình. Đúng vậy vì trước đó, chúng tôi chưa hề gần gũi nhau tới vậy. Anh ấy luôn tôn trọng tôi nhưng từ thời khắc đó, cơ thể vốn lặng lẽ như nước như thể thực sự bắt đầu bị thiêu cháy. Tôi đã cảm nhận được ngọn lửa thiêu đó và nghĩ rằng có lẽ hôm nay là ngày đầu tiên tôi trở thành đàn bà. Thế nên tôi ngẩng đầu lên nhìn anh, gắn chặt môi lên mặt anh không chút phòng ngự kịp… Đó là nụ hôn đầu của tôi, cũng là đêm tình ái đầu tiên của tôi mặc dù tôi đã hai mươi tư tuổi. Anh ấy là người đàn ông đầu tiên của tôi. Người đầu tiên và cũng là người cuối cùng, người duy nhất suốt ngần đấy năm.
Sau một trận hôn hối hả, phảng phất như thể cái dấu của chính quyền đóng xuống, thoắt một cái đã đóng tôi vào hạng mục của anh, trở thành người của anh. Có một cảm giác ngất ngây như ngã chúi xuống, nhưng lại như thể đang ngồi trên một tấm lụa cứ tụt mãi xuống đáy hun hút… Tất cả diễn ra rất tự nhiên. Tôi thuận theo anh mà nước mắt rơi lã chã. Đàn ông không từ chối người đàn bà thích mình. Mọi thứ cần chẳng qua chỉ là vấn đề sớm muộn về thời gian mà thôi. Tôi không có yêu cầu nhiều, chỉ muốn được ở bên anh. Giờ đây, cuối cùng tôi đã trở thành người đàn bà của anh… Nghĩ tới đó, tôi nằm trong lòng anh, hoan hỉ rơi nước mắt. Nhưng xong việc, anh lập tức ân hận, trách mình uống quá nhiều rượu và cương quyết mặc quần áo đòi về. Đối với tôi, đó rõ ràng là sự ô nhục lớn lao.
Tôi vừa hạnh phúc tới cực điểm lại rơi xuống tuyệt vọng tới cực điểm. Ô nhục đến vậy. Tôi thấy trái tim tôi thậm chí còn đáng thương hơn cả cơ thể trần trụi dưới lớp chăn của tôi. Đó là một dạng cảm giác không thể nào che đậy nổi. Anh ấy chỉ buông ra ba từ lạnh lùng: Xin tha thứ. Tôi ngượng ngùng tới mức chỉ muốn lập tức chết quách đi cho xong. Hỏi anh, Anh rút cục coi em là cái gì đây? Anh ấy nói, anh đáng chết, không nên làm chuyện đó. Anh ấy còn nói có lỗi với vợ và cũng có lỗi với tôi…
Hoàn toàn không phải là đêm đầu tiên mà tôi hằng mong đợi. Mơ ước thật đẹp, nhưng tan vỡ cũng rất nhanh. Sau đó, để giải quyết tình cảm ngoài hôn nhân này, chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều lần. Lần nào cũng đầy mâu thuẫn và nước mắt, những lần nói chuyện dằng dai không biết vô số lần nhưng vẫn không kết thúc. Trong những lần ân hận và suýt chia tay tới nơi, chúng tôi lại ôm lấy nhau hết lần này tới lần khác. Trong tác phẩm Mẫu đơn đình đã có một câu: Tình cảm một khi đã xảy ra thật khó thu lại nổi. Câu này áp dụng với chuyện tôi và anh ấy quả thật chính xác. Luôn là tôi theo đuổi anh ấy, lần nào cũng vậy. Từ lúc bắt đầu tới bây giờ, anh ấy luôn là kẻ bị động. Bị động cần tôi, bị động tiếp nhận tôi, bị động thừa nhận. Tôi cho rằng sau này chúng tôi ắt có tương lai. Không có ai lại nỗ lực vì một kết quả không tồn tại. Chẳng phải có những nhân vật văn học phải chờ đợi mòn mỏi tới gần 20 năm mới có được kết quả viên mãn, được sống với người mình yêu thương sao.
Trong mắt tôi, Giang Thuần luôn là một người đàn ông rất vất vả. Đó cũng là nguyên nhân khiến tôi không nỡ rời bỏ anh. Tuy tôi nhỏ hơn anh rất nhiều nhưng tôi rất chiều chuộng anh, cũng biết thông cảm. Có khi ngay cả anh ấy cũng nói, thực ra vợ anh ấy mới giống như con gái anh ấy. Còn như tôi rất nhiều lúc lại giống như chị gái anh ấy. Sự lưu luyến giữa một người với một người khác có lúc lại hoàn toàn không hề liên quan tới tuổi tác.
Tôi quen anh ấy hai mươi năm, dù là bạn tình, mà dù là vợ chồng đi nữa, tôi nghĩ hẳn cũng có những mệt mỏi khó nói với nhau. Có lúc ngay cả anh ấy hỏi tôi, Em xem anh già thế này rồi, em còn cứ ở vậy vì anh làm cái gì? Nếu không lấy ai đi, sẽ thực sự không lấy nổi ai nữa đâu. Tôi chỉ cười đáp, Gả không được thì không gả nữa. Đợi tới khi nào anh già rồi, bên cạnh không còn người thân nào nữa, em tới hầu anh không được sao? Tôi nói như vậy rất thật lòng. Chỉ cần có một ngày như vậy, tôi nguyện tiếp tục chờ đợi không hề oán thán hay ân hận. Trong chuyện này, tôi chưa bao giờ ép buộc anh ấy, cũng không hề ép anh ấy ly dị, luôn tránh cho anh ấy những chuyện khó xử.
Lúc đó anh ấy còn chưa xét nghiệm ra căn bệnh này. Khi thực sự tìm ra được bệnh là vào mùa hè năm ngoái. Từ lúc phát hiện tới lúc anh ấy mất, thời gian chưa đầy nửa năm. Thực ra tôi vẫn đang chờ đợi. Tôi từng nghĩ thầm rằng vợ anh ấy chắc chắn không thể chăm sóc nổi anh ấy. Tôi còn trẻ, tương lai nếu vợ anh ấy có mệnh hệ nào, ít nhất anh ấy còn có tôi. Cứ ngỡ rằng người đi trước là vợ anh ấy, đâu ngờ rằng lại là anh. Sức khỏe anh ấy luôn tốt như vậy. Ai ngờ nổi vừa phát hiện ra đã là bệnh hiểm nghèo nhất, không tài nào cứu nổi. Nhưng giờ nói gì đi nữa cũng có tác dụng gì chứ? Lần cuối cùng tôi đi thăm anh ấy, là một tuần trước khi anh ấy mất. Đương nhiên tôi đến với tư cách bạn bè. Con gái anh ấy cũng tới. Sau đó con gái anh ấy ra ngoài rót nước, tôi vội tới trước giường bệnh, hàng nghìn lời muốn nói mà tôi không sao nói nổi lên lời. Nhưng anh ấy lại nhẹ nhàng nói với tôi một câu, Sao gầy thế? Đôi mắt anh ấy tràn đầy tình yêu thương, như hồi tôi nằm viện, như hồi anh ấy tới thăm phòng bệnh của tôi.
Nhưng đó là người đàn ông duy nhất mà tôi yêu, là mối tình duy nhất. Anh ấy nằm đó, không khác gì những ông già bị bệnh khác, mặt xám tro, hết sinh khí. Tôi nhìn thấy sinh mạng anh như chảy ra khỏi cơ thể anh từng tí một, không tài nào lấy lại được… Đáng tiếc là con gái anh lúc đó đã lấy nước về. Ông trời cũng biết tôi mong được ở thêm bên cạnh anh, ôm anh như thế nào, lau nước mắt cho anh, hôn lên trán anh, nói với anh đừng sợ hãi, còn em đây, em sẽ ở bên anh. Dù anh đi tới bất cứ nơi đâu, em cũng đi theo anh. Nhưng tôi không thể. Ông trời không cho tôi cơ hội và tư cách như vậy. Ai bảo tôi là một người tình không danh phận cơ.
Từ bệnh viện đi ra, tôi khóc suốt dọc đường. Cũng may ngoài cổng bệnh viện luôn có người khóc tới hết hơi, vì nơi đây là nơi giã biệt cuộc sống và cái chết. Mỗi người đều sinh ra ở đây và cuối cùng đã được mặc định ở đây mà giã biệt. Ai cũng có ngày này, ai cũng có cả. Vào tối anh ấy ra đi, tôi cũng sớm có linh cảm, ngủ không được. Khi trở dậy lấy nước uống đã đánh vỡ cái phích… Tôi sống một mình bên ngoài bao nhiêu năm, chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi nhưng tối đó, tôi thực sự cảm thấy sợ hãi đến vậy. Không chỉ sợ hãi, mà tôi còn thấy rất lạnh, như thể toàn thân đang ở trong một hố băng đen ngòm, chờ ngày phán quyết.
Khi nhận được tin chính xác đã là chuyện của ngày hôm sau rồi. Trên báo đã đăng cáo phó, thông báo cho mọi người biết thời gian của lễ truy điệu… Tất cả như vừa tỉnh một giấc mơ. Hai mươi năm tươi trẻ của tôi, tình cảm của tôi như một lượt bỏ đi, để lại một con số không to tướng. Thậm chí trong cả căn phòng nhỏ của mình, tôi cũng không có cơ hội lập bàn thờ cho anh. Tôi chỉ có thể giấu anh vào trong trái tim mình, trước đây khi còn sống cũng vậy, sau khi chết cũng thế. Điều duy nhất khiến tôi còn cảm thấy được an ủi rằng căn hộ mà tôi đang ở hiện nay là tiền anh ấy cùng góp giúp tôi mua. Đó là nơi duy nhất mà tôi dùng tiền của anh ấy. Nhưng ngoài khoản trả đợt đầu, các đợt thanh toán sau vẫn do tôi tự trả. Sau đó con gái anh ấy đi du học, cần tiền. Tôi nói trả lại tiền nhưng anh ấy không chịu, tôi cũng không ép. Vì nói thật, tôi cũng muốn có một nơi như thế này, viết đầy những đoạn ký ức giữa hai chúng tôi ở bên nhau. Dù cái gia đình này là giả, không được xã hội thừa nhận, nhưng chí ít trong sâu thẳm trái tim, đây cũng là những suy nghĩ cuối cùng mà anh ấy dành cho tôi. Còn có một chuyện mà anh không hề hay biết. Đó là khi tôi và anh có quan hệ thân mật rồi, tôi đã một mình tới bệnh viện làm phẫu thuật. Tuy anh ấy rất muốn có con nhưng điều đó không hề hiện thực, cũng đem lại cho anh ấy những phiền toái. Anh ấy đang trên con đường tiền đồ được chọn làm chủ nhiệm khoa trong bệnh viện. Tôi không muốn vì tôi mà liên lụy tới anh ấy.
Nói tới cha mẹ tôi, đều là những người ngoài 70 tuổi rồi. Họ không an tâm nhất chính là tôi. Tôi từng nói chuyện của con, cha mẹ đừng hỏi nữa, suốt đời này, con cũng không lấy ai đâu. Người già khi nghe những lời nói này của tôi đều bất lực lắc đầu. Thực ra từ phút giây tôi làm phẫu thuật tuyệt đường sinh nở vì anh ấy, tôi đã coi nhẹ mọi thứ rồi. Trước đó tôi luôn nghĩ một lòng một dạ thờ phụng anh ấy. Nhưng giờ anh ấy đã đi rồi, có thể tôi sẽ dọn về sống cùng cha mẹ tôi. Tuy tôi không thể dành cho họ niềm vui sướng mà họ ao ước nhưng chí ít tôi cũng có thể chăm sóc cha mẹ những năm tháng cuối đời an bình. Con biết con có lỗi với cha mẹ. Những năm qua, con đã trả giá quá nhiều nhưng tới cuối cùng như thể ai đó cũng đều có lỗi. Đó là một món nợ lộn xộn, mãi mãi không thể trả hết.
Một người đã chết rồi, mọi thứ có liên quan, bao gồm cả tình cảm cũng đã tới lúc cần phải đi tới điểm kết, người ta thường dùng cách nói như vậy để hình dung những hoài niệm của mình đối với kẻ thù. Mọi người nói, anh ấy sẽ sống mãi trong lòng tôi. Thật ra đó là lời an ủi vô cùng giả tạo. Người đã không còn nữa, sống trong lòng cũng có ích gì?
Sau khi Giang Thuần mất, tôi đã nghĩ rất nhiều. Anh ấy từng nói, chúng ta không phải là người cùng đi trên một con đường. Về chuyện này, tôi chưa bao giờ phản đối. Lúc đó tôi chỉ muốn dùng thời gian để chứng minh tất cả. Ai khiến khi tôi gặp anh ấy, anh ấy đã là người có vợ con cơ chứ. Vì khi còn sống, yêu nhau không được danh chính ngôn thuận nên sau khi chết, tôi cũng bị tước mất cái quyền đau thương một cách danh chính ngôn thuận. Đó là điều mà trước kia tôi chưa từng nghĩ tới. Hai mươi năm qua, tôi cứ ngỡ mình không cần gì cả. Nhưng kỳ thực tôi vẫn cần. Tôi muốn lấy thời gian còn lại của anh ấy, nhưng ông trời cuối cùng cũng không chịu nhận lời với tôi. Anh ấy vẫn luôn là của vợ anh ấy, dẫu cho tới chết. Tuy tôi tạm thời có được anh ấy nhưng sức mạnh đó tuyệt đối không đủ để tách rời anh ấy ra khỏi vợ mình, chỉ vì anh ấy không yên tâm về cô ấy. Còn tôi thì sao? Tôi cứ đi theo anh không danh không phận, nhìn anh ấy đóng vai một người chồng toàn mỹ, một ông bố hạnh phúc trước mặt người khác. Đã thế tôi còn hy sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình. Tôi muốn gì đây? Đó cũng chính là điều khiến tôi day dứt khôn nguôi.
Mấy ngày trước tôi xem một tiết mục truyền hình, thấy họ nói rằng day dứt mới chính là tình yêu. Nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ người mà anh ấy yêu từ trước đến nay không phải là tôi, vì anh ấy không hề day dứt về tôi. Còn tôi, vẫn thật lòng yêu anh ấy. Khi anh ấy mất, anh ấy đã là một ông già 60 tuổi, còn tôi cũng là một phụ nữ trung niên 40 tuổi rồi. Không ai hay biết quan hệ giữa hai chúng tôi. Chúng tôi luôn cực kỳ cẩn thận giữ cho nhau. Anh ấy là tất cả của tôi nhưng tôi chỉ là một tàn hoa trong cuộc sống của anh ấy. Đương nhiên điều này cũng không thể trách anh ấy được. Đó là chuyện mà tôi tự nguyện.
Tôi cũng tới lễ truy điệu của anh ấy, nhìn vợ anh ấy cùng cô con gái xinh đẹp mang thần sắc rất giống anh ấy. Họ đứng cạnh nhau, nhận những lời an ủi của mọi người. Đó là một cảm giác thật đáng sợ, cũng tức là khán giả và diễn viên như tất thảy đều không nhìn thấy bạn, như thể tôi không liên quan tới nhân vật chính. Bi thương biết bao. Thì ra người đàn ông mà tôi yêu đó chưa bao giờ thuộc về tôi. Từ trước đã vậy, bây giờ cũng vậy và sau này càng không. Tôi đã nuốt vào nhau rồi vẫn phải nhả ra. Chính thời khắc đó, tôi mới biết tôi chẳng là gì cả, cũng chẳng có gì cả. Mất mát to lớn này vĩnh viễn lớn hơn những đau khổ khi tôi mất anh. Tôi rất sợ cảm giác mình chẳng là gì cả. Tôi luôn nghĩ có cái gì đó buộc chúng tôi lại với nhau mới tốt, nhưng cuối cùng ngay cả chính mình, tôi cũng làm mất đi…