Truyện tình ở trang web TruyệnNgônTình.net tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, với nhiều thể loại hấp dẫn. Cùng nhau đắm chìm trong cảm xúc của tình yêu nào các bạn ơi!
Truyện tình » Truyện ngắn » 1988 tôi muốn trò chuyện với thế giới » Phần 8

1988 tôi muốn trò chuyện với thế giới

Phần 8

Sau này, tôi ở cùng một cô gái khác trong tòa nhà 86 tầng, cứ như đang phiêu diêu trên mây vậy.

Tôi thầm nghĩ đám bạn đã mất của mình có lẽ cũng đang phiêu diêu ở độ cao như thế này, không thể cao hơn được, bởi vì chúng nó đều hơi bị cận thị.

Tôi nằm lên chiếc giường trong căn phòng số 8301, thả lỏng cơ thể. Chiếc đệm rẻ tiền này sao mà trông quen quá, trong suốt quãng thời gian của cuộc đời mình, trên những chiếc đệm cứng cứng mềm mềm như thế này, những cô gái ấy, khi thì ngủ trong lòng tôi, lúc lại xoay qua chuyển lại. Tôi còn nhớ mình đã từng khuyên nhủ một cô gái muốn tự tử, đó là một cô gái đẹp, nhưng nguyên nhân mà cô ấy muốn từ bỏ cuộc sống chính là vì cảm thấy mọi người đều chỉ để ý đến nhan sắc của cô ấy mà thôi. Thế nhưng, cô ấy muốn để người khác biết mình đâu phải chỉ có mỗi nhan sắc, nên cô ấy luôn muộn phiền. Đến hôm nay tôi đã hiểu ra, chắc chắn cô ấy không thể chết được, có đưa cho cô ấy tất cả dụng cụ có thể tự sát cũng vô dụng, cô ấy chỉ tỏ ra như vậy để làm tăng thêm sự kiêu hãnh và vẻ đẹp của mình mà thôi. Cô ấy bảo, cuộc sống này giống như một cái động không đáy đang không ngừng nhấn chìm cô ấy xuống, và cô ấy không muốn sống nữa.

Tôi còn đang mắt nhắm mắt mở vì ngái ngủ, vỗ về an ủi: Em yêu à, cuộc sống đâu phải vực sâu, nó là bình nguyên bằng phẳng em từng đi qua và là núi cao vời vợi nơi em muốn đi tới, nó giống như mỗi chiếc giường mà ta đã từng ngủ lại, em không bao giờ rơi xuống được, nếu em cảm thấy nó võng xuống, là bởi tại sức hút, nó tuyệt đối không bao giờ đẩy em xuống vực sâu, nó chỉ muốn để em nằm xuống, nghe những âm thanh của nó, khi em đã nghỉ ngơi và nghe đủ rồi, em có thể đứng dậy bất cứ lúc nào được. Em hiểu chứ.

Cô ấy nói với tôi: Em hiểu rồi.

Khi đó tôi cảm thấy tự hào lắm bởi vì bản thân tôi cũng không hiểu là mình đang nói gì. Nghĩ lại, chỉ là chúng ta đều không biết đến những vất vả khổ cực quanh mình, mới ngồi cảm thán một cách cải lương như thế. Cuộc sống bản thân nó chính là vực sâu. Tôi nhớ lại ngày xưa, không phải là những say mê của tôi với quá khứ, cũng không phải là nỗi thất vọng của tôi với hiện tại, mà chứng tỏ rằng tôi càng ngày càng sống khép kín, trời ạ, hôm đó nằm trên giường, đáng nhẽ cô bạn gái muốn tự sát đó phải là người khuyên nhủ tôi mới đúng, chúng ta thường bị những nỗi u sầu giả dối đánh lừa, cũng giống như một vài người tôi đã gặp, luôn khuyên nhủ người khác, nhưng bản thân mới chính là người muốn tự sát. May mà tôi không thể tự sát, bởi vì tôi luôn tin chắc rằng thế giới này giống như một bức tường kiên cố, và chúng ta giống như loài mèo cào những móng vuốt lên tường, tôi nhất định phải ghi lại dấu vết trên bức tường đó để không giẫm lại chính những bước chân của mình.

Tôi nằm trong căn phòng số 8301, mơ mơ màng màng, sao cứ cảm thấy căn phòng này thiếu thiếu gì đó, tôi không định nói là phụ nữ, nhưng một căn phòng trong nhà nghỉ như thế này, chắc chắn đang thiếu một thứ gì đó. Cảm thấy toàn thân bứt rứt khó chịu, tôi bật dậy tìm kiếm, vẫn không hiểu tại sao, tôi lại nằm xuống giường, bỗng nhiên phát hiện ra chiếc kệ ti vi trước mặt có đặt một cái đài radio cát sét. Tôi hoàn toàn có thể lý giải được những kiểu kết hợp giữa nhà khách và khách sạn rẻ tiền như thế này thì không có ti vi, nhưng tôi hoàn toàn không thể lý giải nổi tại sao lại đặt cái radio tại một vị trí xa xôi như thế, tôi cầm lấy chiếc đài đặt ngay cạnh đầu giường, cắm vào ổ điện rồi, dò kênh phát thanh, may mà tôi không còn dò ra bất kỳ một kênh đài địch nào nữa, tất cả các kênh dò được đều là của ta cả. Chiếc đài cát sét báu vật thuở bé của tôi đã được trả lại hai tuần sau đó, duy nhất một sự khác biệt là mấy kênh đài địch đều đã bị khóa, tôi không bao giờ còn cơ hội nghe lại đôi chút chương trình đó nữa, như thế sẽ ngăn chặn triệt để hiểm họa rằng cái tai của tôi sẽ rơi vào tay địch.

Trong khoảng thời gian tiểu học, chỉ có hai chuyện xảy ra khiến tôi thật sự không cầm được nước mắt, đầu tiên là cái chết của anh Đinh Đinh, thứ hai là lần tôi được đeo khăn quàng đỏ. Tất nhiên, rơi những giọt nước mắt giống nhau thì quả thật là kỳ lạ làm sao. Ngày tôi được đeo khăn quàng đỏ, chị học sinh lớp trên bảo: Em à, bây giờ em đã là đội viên đội thiếu niên tiền phong rồi, em biết không, khăn quàng đỏ được nhuộm nên từ dòng máu đỏ của các anh hùng liệt sỹ đó. Tôi đã biến câu so sánh này trở thành câu trần thuật trong các tưởng tượng của mình rằng: Trong xưởng sản xuất khăn quàng đỏ, ngày nào cũng phải dùng máu nhuộm lên những chiếc khăn quàng cho chúng tôi.

Thế mà trong những năm hay nghe nhạc của Tiểu Hổ Đội, tôi đã hoàn toàn thờ ơ với chiếc khăn quàng đỏ, tôi cũng không còn mê mẩn thánh sĩ đấu nữa, tuy vẫn hóng xem từng tập, nhưng vì không còn là chim Ikki, tôi không còn cảm xúc gì nữa. Tôi và đám bạn hàng xóm cứ cách xa dần, cùng với bạn bè trong lớp thành lập Tiểu Hổ Đội, hai cậu bạn đó chính là Thẩm Nhất Định và Tiểu Mã, bất hạnh cho tôi là, tôi được sắp xếp làm Quái Quái Hổ (Hổ ngoan ngoãn). Tôi những muốn trở thành Phích Lịch Hổ kia, vì hồi ấy mê Phích Lịch Toàn Phong Cước (Quyền cước xoáy gió sấm sét), tôi thấy Phích Lịch là một từ nghe cực kỳ tàn khốc, còn Quái, chỉ mang nghĩa châm biếm mà thôi. Tiểu Mã không đồng ý, nó nói: Mày là Hổ ngoan ngoãn chuẩn rồi, mày xem, mày đã làm người xấu bao giờ chưa, mày đã từng nổi trận lôi đình chưa, mày đã bao giờ làm chuyện xấu xa chưa, mày chính là Hổ ngoan ngoãn.

Tôi còn nhớ một cách lờ mờ rằng thời thiết khi đó không có bốn mùa như bây giờ, chỉ trong chớp mắt, từ giá rét đến ngày hè nóng rực, giữa chúng dường như không có một sự chuyển đổi nào, cứ thế cởi ra những chiếc áo bông mặc vào những chiếc áo cộc tay, rồi lại cởi áo cộc tay ra mà mặc vào những chiếc áo bông. Từ trước đến nay tôi chưa từng thay đổi vị trí địa lý đến mức xảy ra những khác biệt mạnh mẽ đến thế. Tại sao những năm tháng tuổi thơ, bốn mùa lại rõ rệt vậy, mỗi đóa hoa nở, mỗi áng mây trôi, mỗi cơn gió thổi, mỗi cô bạn gái đều như đang nói với bạn rằng, chúng ta đang ở mùa nào rồi. Những cô gái trong mơ của tôi, Lục Mỹ Hàm, Ngải Phi Phi, Lý Tiểu Huệ, Lưu Nhân Nhân cũng lập thành một nhóm. Thậm chí đến giờ tôi còn không nhớ được rõ ràng những cái tên như hoa như ngọc của các cô ấy, tôi cảm thấy chắc đầu óc các cô ấy có vấn đề rồi, không như chúng tôi, ba con hổ, đơn giản vậy thôi, các nàng rõ ràng là đều có tên của mình, vậy mà còn dùng cái tên của người khác. Tôi xem những bộ phim họ thích xem, thế nhưng không thể nào xem hết nổi một tập, chẳng hấp dẫn chút nào, hết hát hò lại thì thào, mới đọc tên phim đã thấy hợp tình hợp cảnh, lại được chiếu trong cái thời tiết này, bảo sao cô nào cô nấy đều thích mê. Mấy kiểu phim nhạt nhẽo vậy, xem qua một lần là chán, không ai thèm xem nữa rồi, tôi thật sự không hiểu nó được chiếu để làm gì. Bộ phim ấy tên Tôi có hẹn với mùa xuân.

Vì vậy cho đến sau này, khi tôi nhìn thấy các nàng thần tượng trai đẹp là những diễn viên hay ca sĩ, thì tôi đã có thể lý giải được. Bọn họ rõ ràng là dậy thì quá sớm, bởi vì mãi đến khi tôi bắt đầu lên cấp ba mới hiểu ý nghĩa của Tôi có hẹn với mùa xuân, còn các cô nàng đã thấm nhuần từ hồi tiểu học, hơn nữa còn trải qua thực tế. Hồi tiểu học ấy tôi đã làm những gì vậy nhỉ? Chắc còn đang mải đắm chìm trong giai điệu ca khúc Vườn vui chơi Táo Xanh của Tiểu Hổ Đội.

May mắn là thời tiểu học tôi vẫn còn chưa hiểu rõ điều này, nên vẫn cố chấp đi tìm người con gái mặc chiếc váy xanh lam, cô ấy giống như một cọng rơm vấn vít mãi trong ký ức đáng nhớ nhất của cuộc đời tôi, tôi không biết cô ấy là cọng rơm cho lạc đà hay là cọng rơm cứu người nữa, nói chung đều quan trọng như thế.

Và cuối cùng tôi đã tìm thấy cô ấy.

Tôi đã trở thành một thành viên tích cực của đội kiểm tra phong trào phòng chống cận thị học đường, để có thể tìm kiếm cô ấy tại mỗi lớp học. Bởi khi ấy, chắc chắn cô ấy đang nhắm mắt, không nhìn thấy tôi, nếu không tôi sẽ xấu hổ đến cúi gằm đầu xuống đất. Tại thời điểm đó, Tử Long chuyển nhà rồi. Bố của Tử Long làm nghề buôn bán sứa biển rất phát đạt, tiêu những ba vạn tệ để mua cho Tử Long cái hộ khẩu thành phố. Trong đám lít nhít chúng tôi, nhà nó giàu có nhất, khi đó tôi chỉ nghĩ nhà giàu có nghĩa là khi chúng tôi ăn kem đậu đỏ, thì nó được ăn kem hai màu. Vì chúng tôi đều ở nông thôn, nên thường không mấy chú ý đến vấn đề hộ khẩu, các bậc phụ huynh thực tế cũng lo lắng về điều này lắm, bởi họ nghĩ rằng khi chúng tôi trưởng thành rồi, hộ khẩu nông thôn rất khó lấy vợ, suy cho cùng cũng bởi vấn đề giai cấp.

Chúng tôi phân cấp từ thành phố trực thuộc trung ương, thành phố lớn, thành phố trực thuộc tỉnh, huyện, thị trấn nhỏ, cho đến vùng ngoại thành, nông thôn, vùng núi, và vùng núi cao nghèo khó. Cha mẹ bảo rằng chúng tôi thuộc vùng ngoại thành, cũng không hẳn là nông thôn, lại ở giáp thành phố lớn, vì thế cũng có cảm giác oai hơn một chút xíu. Xét theo bảng phân chia giai cấp, thì cũng được xếp vào tầng lớp trung lưu. Trong những câu chuyện của họ, từ xưa đến nay việc tìm vợ đều không lấy tình yêu làm tiêu chuẩn. Nếu bạn gặp được cô vợ có hộ khẩu ở những thành phố cao cấp hơn, có nghĩa là bạn đã làm rạng rỡ tổ tông, còn ngược lại thì thật xấu mặt cha mẹ.

Sau khi cha của Tử Long tốn mất ba vạn tệ, thì nó đã thuộc tầng lớp cao hơn chúng tôi. Khi chúng tôi đi tiễn, nó ngậm ngùi nói: Bao giờ nghỉ hè tao lại về chơi. Nhà tao vẫn ở đây mà.

Nhưng sau này, ngôi nhà ấy bị cha Tử Long bán cho người khác với giá năm vạn tệ.

Tử Long và tôi không thân thiết lắm nên tôi chẳng lấy làm buồn, chỉ khẽ thở một hơi dài. Trước khi đi Tử long có nói với chúng tôi rằng: Thực ra, vì tao luôn sợ số 10 cho nên mới không nói với chúng mày, thánh y của tao, cũng được đào lên từ căn nhà của bọn mình.

Khi ấy tôi nghĩ, nó nói ra được câu ấy cũng thật dũng cảm. Giây phút cuối cùng nó đã khiêu chiến với số 10 quyền uy. Tôi thật vô cùng ngưỡng mộ nó. Từ đó về sau Tử Long đã hoàn toàn biến mất trong cuộc đời của chúng tôi, chỉ để lại những tin đồn truyền tai. Cả gia đình nó không chỉ chuyển đến trung tâm thị trấn cách chúng tôi 5km, mà đến hẳn trung tâm thành phố phồn hoa. Mỗi khi vào thành phố mua quần áo chúng tôi đều tự hỏi có nên đến nhà Tử Long chơi không. Nhưng cha mẹ tôi đều bảo: Thôi, đừng phiền người ta, đã bao nhiêu năm rồi, lỡ nhà người ta đang có khách. Thế là thực sự chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Sau này khi trưởng thành nghĩ lại, điều tôi thấy buồn nhất, chính là câu cuối cùng mà nó nói với chúng tôi, lại là một câu nói dối.

Còn số 10 vẫn hống hách như vậy. Cảm giác mỗi khi nghĩ tới nó, tôi không sao diễn đạt nổi, vừa vô cùng căm ghét, lại vô cùng ngưỡng mộ khôn cùng. Một lần lỡ lời, số 10 biết chuyện tôi thích một cô gái mặc chiếc váy xanh lam, nó nói: Mày đúng thực là đần, một người đàn ông chân chính, một đấu sĩ chân chính, không bao giờ làm điều gì vì bọn con gái cả.

Nhưng hồi ấy tôi cũng đã bắt đầu đọc sách ngoại văn, tôi bảo nó: Tại tao thấy ở nước ngoài người ta cũng đánh nhau vì phụ nữ đấy thôi?

Số 10 sững người một lúc, rồi nói tiếp: Chỉ có những tay đấu bò tót hy sinh vì những con bò thôi.

Tôi cãi: Không phải, tao thấy họ đứng trên cái đấu trường rộng lắm, sau đó hai người quyết đấu, ai thắng thì sẽ được đưa người phụ nữ đi cùng.

Số 10 lại bảo: Thế thì tốt đấy, nếu ngày nào đó tao với mày cùng thích một đứa con gái, chúng ta sẽ quyết đấu.

Tôi lại hỏi: Sao không để cô gái đó lựa chọn là được mà.

Số 10 khinh khỉnh nói: Mày đúng là ngu như bò, người đàn ông thực thụ, một đấu sĩ thực thụ, thì nhất định phải quyết đấu đến cùng vì một đứa con gái.

Tôi hỏi số 10: Thế mày đã thích ai chưa?

Số 10 đáp: Tao chưa, tao dẽ không bao giờ vì một đứa con gái mà làm gì cả. Những chuyện kiểu như thế, cũng chỉ có những người như mày mới làm thôi.

Tôi gật gù: Ờ, đúng đấy.

Hàng ngày tôi vẫn đi đi lại lại qua các lớp trong nhạc hiệu của chương trình phòng tránh cận thị học đường, tôi cũng dần dần quên đi chuyện này, chỉ nhớ tôi là người đi kiểm tra xem lũ học sinh có nhắm mắt thư giãn trong khoảng thời gian mắt cần nghỉ ngơi hay không. Đó là công việc máy móc lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác và mang đến cho người ta những kết quả chẳng mấy tốt đẹp, nó khiến cho họ quên béng đi những lý tưởng cao đẹp vẫn hằng theo đuổi. Một năm qua đi, tôi vì làm việc nghiêm túc và hăng say, nên đã mang theo cả cái vị trí này của mình mà lên lớp. Mấy tháng đầu của năm, cứ nhìn thấy các bạn nữ mặc váy là tôi lại chong mắt lên nhìn, cho đến khi thời tiết se lạnh, mọi người bắt đầu chuyển sang mặc quần rồi, tôi mới thèm nhìn lên mặt họ. Tôi thích nhất là được nhìn các cô gái làm những động tác trong bước thứ ba của giờ tập thể du͙c cho mắt, đó là day vào vị trí của huyệt Tứ bạch. Những lúc ấy đường nét trên khuôn mặt đều trở nên sắc nét, các cô bạn còn nhéo lên nhéo xuống vào mặt mình, trông càng đáng yêu hơn. Khi mùa hè năm thứ hai đến gần, tôi đã quên sạch việc nhìn vào váy họ và chỉ chăm chăm quan sát những cô bạn gái xinh đẹp mỗi lần họ khẽ nhướn đôi lông mày, thế nhưng họ chẳng bao giờ phát hiện ra.

Ngày tết thiếu nhi mùng 1 tháng 6 của học kỳ hai năm lớp sáu, là một năm cuối cùng trong cấp tiểu học, trước khi chúng tôi rời khỏi ngôi trường này. Tiểu Hổ Đội gồm tôi và Thẩm Nhất Định, còn cả Tiểu Mã nữa cuối cùng cũng được lên sân khấu biểu diễn. Hát cùng chúng tôi còn có nhóm bốn người là Lục Mỹ Hàm, Ngải Phi Phi, Lý Tiểu Huệ và Lưu Nhân Nhân. Buổi văn nghệ được tổ chức vào buổi chiều, còn buổi sáng vẫn học bình thường. Trước khi bắt đầu tiết thứ ba, như thường lệ tôi lại đi kiểm tra việc luyện mắt của các lớp. Mặc dù không còn hào hứng và phấn khích với công việc này như thuở trước nữa, nhưng cảm giác oai vệ vẫn vương lại đôi chút. Tôi đang ở lớp 6D, bởi vậy nên chạy đến lớp 6A trước, lớp đó cách xa chỗ chúng tôi nhất. Cứ kiểm tra lùi lại như thế, đến bước cuối cùng kết thúc, vừa hay tôi có thể trở lại chỗ ngồi của mình, nhẹ nhàng như không. Nhưng khi đến lớp 6A, đợi rất lâu mà vẫn chưa nghe thấy chương trình phát thanh vang lên. Đám bạn học sinh trong lớp bắt đầu nhốn nháo, mấy cậu con trai bắt đầu nổi loạn. Chờ mãi không thấy giáo viên vào lớp, tôi bước lên bục giảng, dùng thước kẻ màu đen gõ mạnh lên mặt bàn, nói dõng dạc: Các bạn, chúng ta phải làm như lúc có giáo viên ở đây.

Ngay lập tức có tiếng của một bạn nam kêu to: Vậy bọn tớ có phải làm bài luyện mắt không, loa hỏng rồi, loa của cả trường đều hỏng hết rồi.

Tôi nghiêm túc nói: Chúng ta vẫn phải làm dù không có loa.

Bạn nam kia bật dậy khỏi ghế rồi lao ra giữa lớp, vẫn la toáng lên: Vẫn làm như thế là như thế nào?

Tôi nghiến răng, nói dõng dạc: Tớ sẽ làm lệnh thay loa.

Cả lớp ồ lên.

Tôi nghiêm khắc lặp lại: Các bạn phải nghe theo tiết tấu của tớ. Nào, bảo vệ thị lực, giữ mắt sáng trong, bắt đầu. Nhắm mắt lại.

Cả lớp cùng đồng loạt nhắm mắt lại, cảm giác tự hào đột nhiên dâng trào trong lòng tôi.

Bỗng nhiên, có một nữ sinh đứng bật dậy, nói: Bạn sai rồi.

Tất cả học sinh trong lớp tức thì đồng loạt mở mắt.

Tôi hỏi: Sao vậy?

Bạn nữ sinh kia nói: Phải là, vì cách mạng, bảo vệ thị lực, giữ mắt sáng trong, bắt đầu. Bạn thiếu ba chữ, vì cách mạng.

Các bạn nam trong lớp ngay lập tức la hét om sòm: Đồ phản cách mạng, đồ phản cách mạng.

Tôi sững người đứng nguyên tại chỗ. Từ đó về sau, chẳng ai gọi tôi bằng tên thật nữa, tại ngôi trường này, tên của tôi là Phản Cách Mạng. Lũ chúng nó gọi tôi là họ Phản, tên Phản Cách Mạng. Tôi cãi lại, thế nhưng những lời đó bị nhấn chìm trong con sóng của những âm thanh la hét đến chói tai. Tất cả chỉ tại cô gái ấy, Lưu Nhân Nhân.

Điều khiến tôi buồn não nề hơn cả, đó là khoảnh khắc cô ấy đứng lên, với chiếc váy màu xanh lam. Chiếc váy trong những giấc mộng mà tôi đã mơ hàng vạn lần. Người hôm ấy tôi nhìn thấy chính là Lưu Nhân Nhân. Thế nhưng, chỉ vô tình một câu nói, cô ấy đã biến tôi thành tên Phản Cách Mạng. Tại sao lại là em, Lưu Nhân Nhân?

Hồi ấy tôi được xem là một nhân vật nổi đình nổi đám nhất ở trường vì thành lập Tiểu Hổ Đội. Buổi chiều hôm đó, ba đứa chúng tôi tỏa sáng trên sân khấu được trang trí đầy bóng bay, rồi trong khoảnh khắc ngắn ngủi cả hội trường như xẹp xuống, mọi người đều rỉ tai nhau thì thầm về cái biệt danh mới của tôi. Mặc dù thời điểm truyền tai nhau không cùng một lúc, nhưng nội dung thì giống nhau, cho nên ba cái từ ấy lọt vào tai tôi không biết bao nhiêu lần. Phích Lịch Hổ đứng ở giữa sân khấu, còn tôi đứng bên phải, ba đứa đứng đơ ra như ba ngọn giáo, cùng hát vang một bài Oa ha ha. Nói đến lần biểu diễn không mấy thành công này, chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là do việc kiểm duyệt ca khúc quá nghiêm ngặt. Lúc đầu chúng tôi muốn hát ca khúc Yêu của Tiểu Hổ Đội. Nhưng giáo viên chủ nhiệm cho rằng, như thế là không tốt, mới tí tuổi đầu thì biết thế nào là yêu, ai cho phép các em yêu?

Lúc đó Phích Lịch Hổ chêm thêm một câu: Chẳng phải thầy cô luôn bảo chúng em phải yêu Tổ quốc sao?

Theo logic thì chính xác nhưng về mặt chính trị thì quả là sai lầm, cô giáo khi đó nổi trận lôi đình, mắng chúng tôi: Bởi vì tổ quốc của chúng ta là… Tổ quốc của chúng ta là… là một vườn hoa. Thôi được rồi không cần nói thêm nữa, các em cứ hát bài Oa ha ha đi. Oa ha ha Oa ha ha, trên khuôn mặt ai nấy đều nở nụ cười tươi rói, hân hoan làm sao.

Sau khi hát xong trở lại vị trí ngồi, đám bạn xung quanh đều bàn tán xôn xao về chúng tôi, tất nhiên là chẳng hay ho gì. Toàn bộ phần còn lại của buổi biểu diễn tôi cứ ngẩn ngơ, lơ đãng, cho đến khi bốn cô gái lên hát thì tôi cũng chẳng hay biết. Nhưng tôi biết, họ vừa hát ca khúc Chúc phúc của Trương Học Hữu. Vừa sầu ai, vừa buồn thương, cuộc đời tránh sao khỏi khổ và đau, mất đi rồi, mới biết trân trọng và giữ gìn, đau thương vì biệt ly, biệt ly cho dù ngay trước mắt, nói câu tạm biệt, tạm biệt dù chẳng phải cách xa.

Bài hát vừa kết thúc, đã nhận được những tráng pháo tay như sấm nổ của các bạn, khiến tôi xấu hổ vô cùng khi nhớ đến ca khúc Oa ha ha mà chúng tôi hát. Việc đó còn làm tôi nhớ đến bài hát mà anh Đinh Đinh từng hát cho tôi nghe. Chúng tôi khi đó còn có cảm giác đau buồn vì phải biệt ly, đó chính là lần đầu tiên tôi phải đối diện với một cuộc chia ly quy mô lớn đến thế. Tạm biệt một thời tiểu học, đó chính là lúc mà bạn không thể biết rằng những người bên cạnh bạn tương lai sẽ trở thành một nhân vật như thế nào.

Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, Lưu Nhân Nhân tiến đến trước mặt tôi, nói rằng: Mình xin lỗi.

Tôi giả bộ phớ lớ nói: Sao thế cậu?

Lưu Nhân Nhân tiếp lời: Tớ không nên sửa lại câu nói của cậu, khiến cho cậu có biệt hiệu như thế. Đặt biệt hiệu cho bạn bè là một điều không tốt, nhưng không hẳn là lỗi của tớ mà.

Tôi đáp: Mình biết, vì mình cũng ở đó mà.

Khi ấy tim tôi đập thình thịch. Tuy đã lường trước, nhưng hiện thực vô cùng phũ phàng mà tôi đã từng nghĩ đến lại bày ra trước mắt tôi lúc này, Lưu Nhân Nhân đã cao 1 mét 6 rồi, trong khi đó tôi vẫn chỉ cao có 1 mét 4. Lời xin lỗi của cô ấy lạnh lùng và kiêu ngạo giống như một tảng băng không hề có kẽ nứt, tôi biết đó là do cách giáo du͙c của gia đình cô ấy. Tôi giống như một chú chó bé nhỏ, đang đối diện với một cục xương to hơn mình rất nhiều, không biết nên gặm kiểu gì. Mơ mộng lâu như vậy, đến khi khoảnh khắc ấy đã trở thành hiện thực, dường như chẳng được đẹp dẽ như thế, và tôi cũng không còn những suy nghĩ tà dâm với Hoa Tiên Tử nữa.

Hai ngày ngay trước khi tốt nghiệp, tôi nằm lì trên giường.

Đây là khoảng thời gian khó chịu biết nhường nào, đã rất nhiều lần tôi hy vọng mình có thể chôn đi khoảng thời gian này, một bước chạy thẳng đến độ tuổi như anh Đinh Đinh. Trên thực tế, nó đã xảy ra rồi. Hồi ức của tôi còn trống một khoảng thời gian của thời niên thiếu, tuổi thơ của tôi, tuổi thanh niên của tôi, chỉ là những lát cắt đã trôi qua vùn vụt, tôi chỉ là một người bình thường có đủ loại khẩu hiệu và biểu ngữ ghi lại quá trình trưởng thành, những gì phổ biến thì tôi theo đuổi nó, ai xinh đẹp thì tôi theo đuổi người đó, còn tôi đã làm gì trong suốt một thời thiếu niên? Trong suốt những tháng năm quan trọng nhất đó, có lẽ chỉ còn Lưu Nhân Nhân đọng lại trong ký ức tôi. Cô ấy chỉ để lại cho tôi cái biệt danh Phản Cách Mạng, luôn gắn với tôi cho đến khi tìm được việc làm. Khi đi làm tôi đã rời xa tất cả bạn bè và môi trường thân thuộc của mình, thế giới rộng lớn này thực sự có thể thay đổi hoàn toàn con người bạn trong một môi trường xa lạ, tôi có thể tạo dựng một hình ảnh mới về chính bản thân mình, không có gì là không thay đổi được, vai diễn cũ của mình tôi đã diễn xong rồi, và đây là vai diễn mới tôi vừa nhận được.

Khi vừa ngủ dậy trong căn phòng 8301, việc đầu tiên tôi làm là đi thẳng ra ban công nhìn xem 1988 có còn ở đó không. Ban ngày để ý mới thấy căn phòng này được thiết kế kỳ quái, ban công có lẽ còn rộng hơn cả căn phòng. 1988 vẫn đỗ xiêu vẹo ở bên đường. Trên ban công còn có một van nước, tôi liền rửa mặt xúc miệng ở đó, rồi tôi mở bản đồ, tiếp tục lên lịch trình cho chuyến đi, nghĩ chắc vẫn kịp đến đón người bạn nơi phương xa của mình. Tôi gập bản đồ lại đút vào túi quần và mở cửa, rồi không hiểu là thứ tình cảm gì nữa, tôi bất chợt nghĩ đến Na Na. Lúc này chắc chắn cô ấy vừa tỉnh dậy ở khách sạn Minh Châu, dù cũng cảm thấy xấu hổ nhưng thực tình tôi không còn cách nào khác. Ít ra cô ấy cũng có một giấc ngủ ngon hơn tôi, vì cô ấy ngủ trên chiếc giường đắt tiền hơn tôi, không chỉ thế, trong tay cô còn có một số tiền nho nhỏ, chí ít cũng đủ để ăn ở vài ngày, hoặc nếu dùng làm lộ phí đi đường, thì cũng có thể tìm được cha của mười đứa trẻ. Thậm chí tôi còn cảm thấy dường như việc mình đối xử với một cô gái điếm như thế sẽ khiến người khác cười nhạo. Nhưng tôi nghĩ anh Đinh đinh chắc chắn sẽ không cười nhạo tôi, nghĩ thế khiến tôi cảm thấy lòng mình thanh thản hơn. Trên thực tế, tôi của hiện tại cũng tầm tuổi với anh Đinh Đinh khi anh ấy mất, thế nhưng mỗi khi phải dấu tranh tư tưởng với bất cứ điều gì, tôi sẽ luôn lục tìm trong ký ức của mình, đoán xem thái độ của anh ấy như thế nào, đương nhiên, anh ấy sẽ luôn ủng hộ tôi. Tôi tự nhủ mình không được coi thường Na Na, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy tận trong sâu thẳm đáy lòng, mình vẫn bận tâm đến sự đồng hành của cô ấy. Dù thế nào đi chăng nữa, người phụ nữ này cũng đã bước qua cuộc đời tôi, duy nhất một điều cô ấy để lại trong lòng tôi là tôi đang mong đợi cô ấy giống như mong đợi một người sống, chứ không phải hoài niệm về cô ấy như đang hoài niệm một người chết. Nhưng những điều ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì, đường dài đằng đẵng, không ngày gặp lại.

Tôi mở cửa phòng, rút ra chìa khóa của 1988, đi về đến khúc rẽ đầu tiên của cầu thang, tôi đã gặp Na Na.

Tôi đang nghĩ lẽ nào mình bị mộng du đi lạc đến khách sạn Minh Châu.

Na Na cũng đứng ngây người chôn chân dưới dất, mãi đến khi người công nhân giặt là tới phá tan bầu không khí im lặng của chúng tôi. Anh ta nói: Hai người tránh ra một chút. Tôi và Na Na cùng đồng thời tránh sang một bên, giọt nước mắt của cô ấy rơi xuống bậc tam cấp khi ngước nhìn tôi, cô khẽ nói: Em xin lỗi.

Tôi cũng nói: Anh xin lỗi.

Na Na ngày hôm nay có vẻ không giống lắm với Na Na của ngày hôm qua, trông xinh đẹp quyến rũ hơn rất nhiều, cô ấy tự trang điểm cho mình, hơn nữa còn trang điểm rất khá, nhưng lớp son phấn trên mặt đã nhanh chóng nhòe đi bởi những giọt nước mắt. Cô ấy nhắc lại: Em xin lỗi.

Tôi hỏi: Sao vậy Na Na?

Na Na nắm chặt vạt áo của tôi, nức nở: Em xin lỗi.

Tôi hỏi, giọng gấp gáp hơn: Na Na, rốt cuộc có chuyện gì?

Na Na nói: Em xin lỗi, em đã lừa dối anh.

Tôi đột nhiên cảm thấy chân không đứng vững, vội vàng hỏi: Sao?

Na Na nói: Em cầm tiền của anh, nhưng không đặt phòng mà lẻn đi mất.

Tôi định thần lại khẽ à lên một tiếng.

Na Na nói tiếp: Em xin lỗi.

Tôi hỏi: Vậy em, sau đó, em…

Na Na bảo tôi: Lúc đó em đến quầy lễ tân của khách sạn, rồi lẻn đi qua cửa sau. Chắc anh đã đợi rất lâu, nên em không thấy anh đâu nữa.

Tôi đáp: Ừ, cũng đợi một lát gì dó.

Na Na hỏi tôi: Anh muốn lấy lại số tiền đó không? Giờ em có thể trả lại anh, nhưng em đã tiêu mất một ít rồi.

Tôi bảo: Không cần. Tại sao em có thể không nói lời tạm biệt mà ra đi như thế.

Na Na nói: Em xin lỗi, em sợ anh sẽ bỏ rơi em, em biết anh sẽ bỏ rơi em, việc này vốn chẳng liên quan gì đến anh, nhưng em vẫn thấy sợ, em đã chẳng còn đồng nào rồi, nhưng em lại không thể hỏi anh được.

Tôi đã bước vào vở kịch, thực tế trong lòng cũng hơi bực mình: Thế là em cầm tiền bỏ đi à?

Na Na nói: Vâng.

Tôi bảo: Lẽ nào anh không quan trọng bằng mấy ngàn tệ đó sao?

Na Na trả lời: Không phải.

Tôi hơi cao giọng hỏi: Vậy em chạy cái gì?

Na Na đáp: Em không bỏ chạy, chỉ là em cảm thấy anh sớm muộn gì cũng sẽ bỏ rơi em, nên em đi trước vẫn là tốt nhất.

Tôi hỏi: Em nghĩ anh là loại người như thế sao?

Na Na nói: Vâng.

Tôi trả lời: Anh đúng là loại người đó.

Tôi bỗng chốc từ một kẻ ác biến thành người bị hại, không biết làm thế nào để miêu tả tâm trạng lúc này. Tôi nói với Na Na: Đi thôi, lên đường thôi.

Na Na bảo: Thật xui xẻo!

Tôi nói: Vậy thì đi thôi, xuất phát thôi.

Na Na hỏi tôi: Em đi theo anh làm gì?

Tôi hỏi cô ấy: Vậy em có thể làm gì?

Na Na đáp: Em chẳng thể làm gì được cả, dù muốn, nhưng hiện tại em chẳng thể làm được gì.

Tôi bảo: Vậy thì em nên ngoan ngoãn mà đi thôi.

Na Na hỏi tôi: Liệu em có tạo thêm gánh nặng cho anh không?

Tôi trả lời: Không có gì, có điều anh sẽ phải tăng thêm chút dầu tiêu hao cho xe.

Na Na vô cùng lo lắng, hỏi tôi: Vậy làm thế nào?

Tôi chẳng biết đáp lại cô ấy thế nào nữa.

Ăn sáng tại một quán ven đường, tất cả như một giấc mơ, chúng tôi lại cùng nhau ngồi trên một chiếc xe. Thấy Na Na đánh thêm một chút phấn, tôi liền hỏi cô ấy: Em tự trang điểm cho mình ư?

Na Na đáp: Tất nhiên rồi.

Tôi vốn định tiếp tục bàn tán chủ đề này với cô ấy, nhưng dừng lại, tôi đột ngột nói với cô ấy: Na Na, đừng hiểu nhầm rằng anh yêu em nhé. Em cũng sẽ không yêu anh chứ?

Na Na nói: Không đâu, không đâu, anh yên tâm, điều này là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà.

Tôi bảo: Bọn em cũng có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nữa à?

Na Na bảo: Đương nhiên rồi.

Tôi cười nói: Vậy bọn em có tấm gương nghề nghiệp nào không?

Na Na bảo: Tất nhiên cũng có. Chỗ chúng em có một chị.

Tôi hỏi: Cô ấy tên là gì?

Na Na nói: Mạnh Hân Đồng.

Tôi lớn tiếng khen ngợi: Hóa ra trong nghề này những cô gái hạng A vẫn còn cái nghệ danh nghe có vẻ bình thường như thế. Có phải chỉ những cô gái hạng B như bọn em mới sử dụng tên gọi có hai chữ lặp lại như thế phải không, Na Na hay San San gì đó.

Na Na bảo tôi: Tên của mỗi người đều được đặt từ trước rồi, có điều đúng là cô ấy rất xinh đẹp, từ trước đến nay em chưa từng gặp cô ấy nhưng có một vị khách của em đã gặp rồi, bọn em đều biết trông cô ấy như thế nào, vì có ảnh của cô ấy mà. Vị khách đó chỉ thích nói chuyện với em, mỗi lần đến đều gọi em mát xa, rồi vẫn trả đủ tiền như trọn gói, lần nào cũng như thế, cho nên em rất thích nói chuyện với anh ta. Anh ta bảo lần trước đi Tạp Thành, cuối cùng cũng gặp được mỹ nhân hàng đầu Trung Quốc được truyền tai trong truyền thuyết, đúng là vô cùng xinh đẹp. Anh ta lấy một số thứ tự, rồi đợi gọi đến số của mình, sau đó bay trở về. Nhưng sau này anh ta cũng chẳng thể bay đến được nữa, vì khi anh ta đợi được gần đến số 200 của mình, thì Mạnh Hân Đồng biến mất không tung tích.

Tôi hỏi Na Na: Cô ấy đi đâu?

Na Na đáp: Làm sao em biết được. Có thể chết rồi, hoặc tìm được ai đó để nhờ cậy. Nhưng bọn em từng thử nhẩm tính tổng thu nhập của cô ấy chắc chắn phải lên đến hàng ngàn vạn ấy chứ. Cô ấy không chỉ là mỹ nhân hàng đầu của Tạp Thành, mà còn là mỹ nhân hàng đầu của cả nước nữa. Bắc Kinh tuy có đến mấy cái hộp đêm, tiếng tăm lừng lẫy, thế mà vẫn không át được sức nóng của cô ấy. Nếu anh muốn tìm cô ấy, phải bay đến Tạp Thành, ngồi máy bay riêng, sau đó đi thêm hai tiếng bằng ô tô nữa mới có thể lấy được một số thứ tự, đó là hình thức gì vậy không biết, sau đó họ sẽ thông báo cho anh trước một ngày, anh phải qua đó xem có được hay không, hoặc cầm số thứ tự đó chuyển đến người khác. Anh không ở trong nghề nên không biết sự lợi hại của người phụ nữ kỳ lạ này đâu. Cô ấy là thần tượng của bọn em. Tiếc là cuối cùng chẳng thấy bóng dáng cô ta đâu nữa.

Tôi bảo: Chưa biết chừng cô ta chuyển đến một thành phố khác bắt đầu cuộc sống mới rồi.

Na Na cười khẩy, nói: Cái nghề này của bọn em, dù có chuyển đến một thành phố khác thì vẫn sẽ làm nghề cũ thôi. Nhiều khi không phải vì thiếu tiền, cũng chẳng phải vì thích cái nghề này, đơn giản chỉ vì bọn em không thể làm nghề nào khác. Kể cả có lúc không thiếu tiền, nhưng bọn em thà phải làm còn hơn ngồi nhà chơi không cả ngày, thậm chí xong việc bị khách bùng tiền dù sao cũng thấy yên tâm hơn.

Tôi nói: Vậy thì em thật vất vả, một tháng đều làm đủ ba mươi ngày.

Na Na nghiêm túc nói với tôi: Không, chỉ hai mươi lăm ngày thôi.

Tôi bảo: À, quên mất là các em có mấy ngày phải nghỉ. Vậy em không hẹn hò với bạn trai sao?

Na Na bảo: Hẹn hò à, trước đây có một cậu bạn cùng lớp, sau này tuy ở hai thành phố khác nhau nhưng lại tìm thấy nhau trên mạng, thế rồi không hiểu lú lẫn thế nào em lại nhận lời yêu thương. Cậu ấy đề nghị gặp em suốt, nhưng em làm gì có thời gian chứ, chỉ đợi đến ngày nghỉ của mỗi tháng mới gặp cậu ấy, thế là cậu ấy đi tàu đến. Bọn em kiên trì như thế được khoảng nửa năm thì tan vỡ.

Tôi hỏi: Tại sao lại tan vỡ?

Na Na đáp: Cậu ấy đến gặp em bảy lần thì cả bảy lần em đang đến tháng, nhưng lại không dám dùng miệng. Em sợ em không kiềm chế được động tác quá điêu luyện và thành thục của mình lại dọa người ta sợ bỏ chạy mất, bọn em cứ kìm nén như thế, sau này cậu ấy không chịu đựng nổi nữa. Bọn em cãi nhau, sau đó thì chia tay.

Tôi bảo: Cậu bạn trai của em công nhận nhịn cũng giỏi nhỉ, khi chia tay cậu ấy có nói gì không?

Na Na nói: Cậu ấy bảo, anh biết em là một cô gái tốt, anh biết em làm như thế là cố ý muốn giữ lần đầu tiên cho đêm tân hôn của mình, em là cô gái thuần khiết nhất mà anh từng gặp, nhưng chúng ta không thể cứ mãi như thế này được, mỗi lần anh đến đây đâu có đơn giản chứ, lần sau anh có thể gặp em không phải là vào kỳ kinh nguyệt được không?

Tôi và Na Na cùng cười ngặt nghẽo. Na Na chỉ tay về phía trước, nói: Nhìn đường, nhìn đường, anh lái xe cẩn thận kìa.

Tôi cười sảng khoái, nói: Ha ha ha ha ha, cô gái thuần khiết nhất.

Na Na cũng cười theo tôi, nói: Đúng vậy, đúng là đồ ngốc.

Tôi thu lại nụ cười, nắm chặt vô lăng xe.

Na Na co hai chân lên ghế xe, ôm đầu gối rồi nói: Cơ bản mà nói, thực ra cậu ấy rất tốt, em cũng thấy mình có lỗi với người ta, nhưng tại sao em lại chẳng thấy áy náy gì cả?

Tôi hỏi tiếp: Tại sao vậy?

Na Na bảo: Vì em chẳng yêu cậu ấy, chẳng có chút tình cảm nào, em không thích mẫu người đó.

Tôi hỏi Na Na: Vậy em từng yêu ai chưa?

Na Na bảo: Em từng thực sự yêu một người.

Tôi huênh hoang nói: Chắc lại một anh chàng đẹp trai nào đó học cùng cấp ba hay đại học ấy hả?

Na Na trừng mắt nhìn tôi, nói: Xin lỗi nhé, em chưa từng học đến đó.

Tôi vội vàng nói xin lỗi.

Sắc mặt Na Na thoáng hiện vẻ không vui, nhưng ngay sau đó lại được bao phủ bởi một niềm vui từ sâu tận trong đáy lòng, cô nói: Là thế này, người đàn ông em thích, là chồng của bà chủ quán gội đầu nơi em làm việc đầu tiên.

Tôi nói: À, vậy đó cũng là ông chủ của em.

Na Na nghiêm túc nói: Không phải, không giống nhau, cửa hàng đó là bà chủ của em mở, chồng bà ấy cũng tự mở một cửa hàng khác, làm ăn lớn hơn nhiều.

Tôi hỏi: Làm ăn cái gì?

Na Na nói: Ông ấy mở quán mát xa xông hơi.

Tôi bảo: Chẳng phải cũng giống nhau cả sao?

Na Na lập tức quay sang tôi phổ biến kiến thức: Sao giống nhau được, đương nhiên là khác nhau chứ, quy mô hoàn toàn khác nhau, một quán gội đầu, chỉ cần 10 vạn tệ là có thể mở được, một năm kiếm tiền nhiều nhất là được hai ba mươi vạn. Một quán mát xa không có một ngàn tệ thì không mở được, làm tốt thì một năm có thể kiếm được hai ba ngàn vạn tệ. Tất nhiên, nơi em đến khi ấy chỉ là một thị trấn nhỏ, quy mô mở quán mát xa không cần lớn quá, có điều đẳng cấp thì vẫn không giống nhau được. Em đã đi đến một vùng nhỏ hơn, mở một tiệm mát xa với quy mô không được lớn như thế, nhưng đẳng cấp cũng khác nhau. Tại quán gội đầu khi có có khách muốn đi tới bến thì em sẽ được 150 tệ, còn trong tiệm mát xa ở trung tâm thì có làm gì đi chăng nữa cũng đều phải trả 300 tệ. Chồng của bà chủ trông rất có khí chất, đã thế lại còn biết cách trá hình.

Tôi nói: Thế sau này thì sao?

Na Na nói: Ừ, bị bắt đi rồi.

Tôi hỏi: Chẳng phải ông ấy giỏi trá hình sao?

Na Na bảo: Vỏ bọc có lớn đến đâu thì cũng chỉ che được bán kính nhất định, ông ấy chạy đi nơi khác đánh bạc, bị bắt đi rồi.

Tôi nói: Em thích người ta ở điểm gì?

Na Na bảo: Em thích việc ông ấy có thể tạo ra được một lớp vỏ bọc.

Tôi nói vẻ khinh thường: Chẳng phải cuối cùng cũng bị lột mất cái vỏ đấy sao?

Na Na nói: Cái đó không giống nhau, ít nhất là trước khi bị lột mất vỏ, ông ấy luôn mang đến cho em cảm giác an toàn, ông ấy là người đàn ông duy nhất mang lại cho em cảm giác đó. Những người khác cứ đến rồi đi như thế, em và ông ấy ở cùng nhau hơn ba năm trời. Khi đó em vẫn chưa biết làm nghề này, cũng chính tay ông ta dạy em, lần đầu tiên em thử cũng là với ông ta đấy.

Tôi bảo: Vậy vợ của ông ta, chẳng phải là bà chủ của em sao?

Chính bà chủ sắp xếp hết người này đến người khác cho ông ta thử, nhưng em chưa đủ điều kiện để vào trung tâm mát xa, vẫn chỉ được làm việc ở quán gội đầu thôi.

Tôi thoáng chút thương cảm hỏi cô ấy: Na Na, em đã thích ông ta như thế, vậy sao ông ta không sắp xếp cho em làm ở trung tâm mát xa? Phần trăm được trích ở trung tâm mát xa chắc chắn cao hơn, công việc cũng an toàn hơn một chút.

Na Na nói: Đúng vậy, thời gian đó, được bước vào trung tâm mát xa là mơ ước duy nhất của em.

Tôi cười nói: Em chỉ theo đuổi mỗi cái đó thôi sao?

Na Na nói: Vậy thì sao chứ, ít ra trong lòng em luôn vươn đến một cái gì đó cao hơn thực tại.

Tôi châm điếu thuốc, bảo cô ấy: Kể tiếp câu chuyện của em đi.

Na Na nhăn mặt nói: Anh tắt thuốc lá dùm em.

Tôi dập vội điếu thuốc vừa châm, rồi nói: Anh xin lỗi.

Na Na nghịch nghịch sợi dây an toàn, nói với tôi: Ông chủ ấy họ Tôn. Ông ta rất hay đổi tên nên em chỉ gọi là ông chủ Tôn, trước đây ông ấy bị cơ quan sa thải, à không, là bỏ ra ngoài làm ăn. Nơi đầu tiên mà em đến là Nghi Xuân. Anh không biết đâu, chỗ đó là một phố huyện bé tí. Vì tàu đến đấy là bị kiểm tra vé, em trốn nhà đi trên người không mang theo một đồng nào nên đã đến đó. Nhưng thực tế thì nơi đó cách nhà em cũng chẳng xa lắm, chỉ khoảng một ngày đường, chắc tầm sáu bảy trăm cây thôi.

Nghi Xuân là một con phố huyện bé tí, ờ, em vừa nói rồi mà nhỉ. Không nhớ em bao nhiêu tuổi, để em nhớ lại xem nào, có lẽ chưa đầy hai mươi tuổi. Em vẫn cho rằng mình bỏ nhà đi hơi muộn. Hồi em còn nhỏ các chị em đều đi hết rồi, khắp nơi trong cả nước. Bắt đầu từ năm mười sáu tuổi, bạn bè bên cạnh em càng ngày càng ít, đến khi em bắt đầu bước vào đời thì chẳng còn đứa nào, chỉ còn mỗi thằng em trai em. Nhưng em trai em thì không được tính là bạn rồi.

Em sống ở Nghi Xuân tầm ba hay bốn năm nhỉ? Chắc khoảng bốn năm. Anh hỏi em tại sao lại yêu ông chủ Tôn ư? Em cũng không thể giải thích được. Chỉ có điều em cảm thấy rằng nếu mình có một người đàn ông như thế thì sẽ không còn cần thêm bất cứ điều gì. Khi đó em cần phải có một cái gọi là giấy chứng nhận kiểm dịch gì đó, em cũng chẳng rõ lắm, giống như ở ngoài chợ người ta bán thịt lợn ấy, chứng nhận kiểm dịch an toàn, em nói em không biết phải làm gì, ông chủ Tôn liền gọi một cuộc điện thoại thế là xong. Ông ấy có rất nhiều mối quan hệ. Bà chủ lái xe sai luật bị bắt, ông ấy cũng chỉ cần một cuộc điện thoại là xong, nói chung chuyện gì cũng chỉ cần một cuộc điện thoại là xong xuôi hết, ngay cả việc mất điện thoại, cũng chỉ cần một cuộc điện thoại là xong.

Em không thích ông chủ Tôn cũng khó, ông ấy là người đàn ông duy nhất em gặp thường xuyên, những người khác, về cơ bản em chỉ gặp một lần. Sau này tay nghề cao hơn rồi, có thể gặp vài người thêm lần nữa, thế nhưng anh cũng biết cái đám đàn ông đó đấy, lũ giả dối, sáo rỗng, rõ ràng nói là lần sau vẫn sẽ chọn em, nhưng lần sau đến lại chọn người khác, còn làm bộ không quen biết em. Có điều em cũng có thể hiểu được, giống như việc tiêu tiền vậy, đương nhiên muốn chơi bời cái gì khác đi, chơi tới chơi lui một chỗ thì chán lắm, như thế chẳng khác gì với việc ở nhà ôm vợ. Thế nhưng em không chấp nhận được cái kiểu dối trá ấy. Ông chủ Tôn cũng có ý cân nhắc em, ông ấy luôn tính toán làm sao để điều em sang trung tâm mát xa, nhưng bà chủ ngăn lại, vì em làm một thời gian, cũng có không ít khách quen. Anh đừng thấy em dung nhan tầm thường, thực ra em chỉ cần trang điểm một chút, cũng xinh đẹp ra phết đấy, thật đấy, anh xem, em hôm nay và hôm qua có khác nhau gì không? Trước đây em học trang điểm. Em vốn định trở thành thợ trang điểm, làm nghề đó sẽ được trang điểm cho rất nhiều minh tinh, thật đó, em thích lắm, rất nhiều người không động được vào họ, còn em chỉ cần bảo họ nhắm mắt, là họ sẽ nhắm mắt, em bảo họ hé miệng, họ phải hé miệng, em muốn sờ thì sờ, muốn nắn thì nắn. Như thế thích thật. Em nói điều này với duy nhất một ông khách, ông ta nói những người luôn cảm thấy không có cảm giác an toàn đặc biệt đều có khả năng kiềm chế du͙c vọng. Em cảm thấy có lẽ mình không có cảm giác an toàn. Ai có, anh nói ai có, em chưa từng thấy ai có cảm giác an toàn, đến cả ông chủ Tôn cũng không có, nếu có thì sao ông ta lại còn giấu tiền trong bình nóng lạnh của quán gội đầu. Ông chủ Tôn đã đủ lợi hại lắm rồi. Có điều ông ấy cũng chưa nhìn thấy minh tinh, anh nhìn thấy minh tinh bao giờ chưa?

Tôi nhìn Na Na chăm chú, nói: Na Na, kể chuyện thì phải có chút liên quan chứ, như hôm qua em kể chuyện đi bệnh viện khám bệnh ấy rất logic, sao hôm nay lại lộn xộn hết cả lên thế?

Na Na bảo: Hôm qua là kể chuyện, hôm nay là tâm sự. Nói những điều liên quan đến cảm xúc đương nhiên là lộn xộn rồi. Em nói đến đâu rồi nhỉ, à, ông chủ Tôn, mà anh phải nói trước đã, anh cảm thấy hôm nay em trang điểm thế nào?

Tôi ngồi thẳng người suy nghĩ khoảng hai giây rồi nói với Na Na: Không tệ đâu, so với cái hôm em xông vào phòng anh thì đẹp hơn nhiều. Hôm đó nếu em trang điểm giống hôm nay, nhất định anh sẽ boa cho em thêm một trăm.

Na Na lập tức khẽ nhổm người lên khỏi ghế, nói: Đúng rồi, nhắc đến tiền, trả cho anh, bị anh túm được rồi, em chả dám quỵt tiền của anh nữa. Tiền anh đưa em, em chỉ tiêu có sáu mươi đồng, trả tiền khách sạn Khải Hoàn một đêm.

Tags: , , ,

Bình luận

Có thể bạn cũng muốn đọc

Thể loại

Top 10 truyện hay nhất