Tôi đọc thật cẩn thận tỉ mỉ đoạn về Lưu Hồ Lan, khí phách quả thực phi thường. Tôi hỏi số 10, Lưu Hồ Lan trông như thế nào, ảnh trong sách bị rách xừ rồi còn đâu.
Nó cởi phăng áo, để lộ ra chiếc may – ô màu trắng, trên mặt trước có dán hình của Lưu Hồ Lan. Tôi nghĩ, đây nhất định là khởi nguồn cho văn hóa áo lót của Trung Quốc. Nó cho tôi nhìn một cái, rồi ngay tức khắc đóng cúc vào. Nói: Tao nghĩ người như mày, chắc chắn sẽ thú nhận hết mọi tội lỗi, mày quá đần. Tao phải nghĩ ra một cách khác.
Cảnh tượng bắn bi của ngày hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ như in. Khi bọn tôi chơi đến ván thứ hai, ông anh thời vụ lại xông đến như những lần trước. Tôi chăm chú quan sát bộ dạng của anh ta, trông chẳng khác gì một xác chết. Ông anh thời vụ có đôi mắt một mí, mũi hơi hếch, tai rất to, răng vàng khè, có mùi, một mét bảy, khá cao to. Hôm đó tôi bắn bi rất thất thường, chẳng mấy chốc chỉ còn lại ba viên.
Tôi cứ để ý đến số 10, nó không mang nước, không cầm theo dao, giày cũng chẳng có dây, xung quanh cũng chẳng có gậy gộc gì, số 10 sẽ giết người thế nào nhỉ. Quay sang ông anh thời vụ, thấy vẫn điềm nhiên lôi từ trong túi áo ngực ra một viên bi to, ngắm chuẩn viên bi màu của tôi, số 10 đã đến làm hậu phương cho viên bi của tôi, ông anh thời vụ bắn trượt rồi, anh ta nhổ một bãi nước bọt xuống đất, số 10 lập tức nhặt viên bi to đó chạy nhanh về phía bờ sông, lũ chúng tôi đều sững người trong mấy giây, bất giác lo lắng chạy theo. Ông anh thời vụ ngay lập tức hiểu ra, nhảy ba bước đã vượt qua đón đầu bọn tôi, lao thẳng đến ép sát số 10, số 10 cách bờ sông khoảng trăm mét nữa, tôi biết nó muốn ném viên bi to kia xuống sông, nhưng ông anh thời vụ chả mấy chốc đã gần đuổi kịp nó, trong lúc hoảng loạn, nó há miệng thật to rồi nuốt chửng viên bi xuống bụng.
Bọn tôi đều sững người, ông anh thời vụ chạy vọt lên trước, gào lớn: Mày nôn ra mau.
Số 10 bảo: Tao sắp chết rồi.
Ông anh thời vụ ba chân bốn cẳng chạy thẳng, tôi khinh bỉ nhìn kẻ đang tháo chạy kia. Số 10 nằm trong lòng bọn tôi, nhắc lại: Tao sắp chết rồi, tao thấy khó thở quá, sắp không thở được rồi, bụng tao nặng trĩu.
Bọn tôi nháo nhác hết cả lên: Mau gọi xe cấp cứu, nhanh lên. Nhưng lại chẳng đứa nào biết làm sao để gọi xe cấp cứu.
Số 10 bảo: Đừng để người lớn biết được. Tao vì bọn mày mà chết. Từ nay trở đi, gã không có bi to nữa, chúng mày nhất định phải thắng.
Tôi quả quyết: Chắc chắn bọn tao sẽ thắng.
Một thằng cạnh tôi nắm chặt tay số 10 nói: Nó còn viên bi nhỏ nữa, bọn tao chả bao giờ ke chuẩn, tao cũng sẽ nuốt nó.
Số 10 thều thào: Mẹ kiếp, tao nuốt viên to, mày nuốt viên nhỏ, mày thật là…
Nói xong, đầu số 10 ngoẹo hẳn sang một bên. Bọn tôi khóc rống lên. Tôi nức nở: Bọn tao nhất định sẽ chôn cất mày cẩn thận. Một thằng khác kêu lên: Nó vẫn chưa chết, nó vẫn còn đang thở.
Số 10 nghiêng đầu trở lại nói: Cảm giác sắp chết khó chịu quá. Tao có di ngôn muốn nói. Tao chẳng thích đứa con gái nào, lớn thế này rồi, sống cả đời rồi, mà chưa từng yêu ai khác, tao chỉ yêu một người, đó là Lưu Hồ Lan.
Lúc ấy đầu óc tôi chỉ quanh quẩn một ý, nhưng chẳng thể nói nên lời, bởi không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác đó cả.
Số 10 nuốt một ngụm nước, quét mắt nhìn bọn tôi một lượt, hổn hển nói: Hôm nay, tao cảm thấy tao rất quang vinh, xứng đáng với Lưu Hồ Lan, so với cô ấy, tao cũng chẳng kém cỏi gì, cũng xứng đáng là một nam tử hán. Thầy Lưu dạy toán từng mắng mỏ tao trước mặt mọi người, sau này tao chết rồi, tro cốt sẽ được rắc lên cửa nhà ông ta. Thằng cờ đỏ đã mắng tao, hãy nhét tro cốt của tao vào hộp bút của nó. Còn thằng cha thời vụ kia, tao đã quyết định không giết gã, nhưng gã lại dùng viên bi để giết tao, chúng mày hãy rắc tro cốt của tao lên mái nhà gã. Bà ngoại tao tốt nhất, khi con gà mái của bà đẻ trứng, không được để người nào sờ vào nó, nhưng tao từng sờ vào con gà mái già của bà, vậy hãy đem tro của tao để vào trong ổ gà đấy. Ông ngoại tao cũng rất tốt, khi tao lén trộm túi tiền của ông, tao nhìn thấy ảnh của bà giấu trong đó, ông yêu bà lắm, hãy đem tro cốt của tao rắc vào ruộng rau của ông. Mẹ tao không tốt, tự mua cho mình đôi giày rất đắt, nhưng lại không mua cho tao đôi giày thể thao, bà còn bảo sẽ nói chuyện với thầy Lưu, hãy đem tro của tao rắc vào trong giày của mẹ. Bố tao đang ở trên tàu Viễn Dương, hãy gửi cho ông ấy một bức thư, rắc cả tro vào trong đó, tao… tao có bao nhiêu tro cốt?
Tôi bảo nó: Lúc ông ngoại tao mất tao cũng có thấy, chắc tầm mấy vốc.
Số 10 hỏi: Ít vậy sao?
Một thằng bên cạnh sốt ruột nói: Tao về ăn cơm cái đã, ăn xong quay lại nói tiếp.
Mãi đến tối ngày hôm đó, chúng tôi thay phiên nhau đi nghe di chúc của số 10, suy cho cùng tôi thấy việc nó làm thật có giá trị, nó chỉ nuốt có một viên bi, đổi lại bốn đứa chúng tôi thay phiên nhau nghe nó nói. Sau này, tôi có đem chuyện kể với anh Đinh Đinh. Nhưng tôi không nhắc đến vụ số 10 nuốt viên bi, vì anh Đinh Đinh là người lớn, một trong số những di ngôn của số 10 là không được đem chuyện này kể cho người lớn nghe. Tôi chỉ kể lại ông anh thời vụ kia đã bắt nạt bọn tôi như thế nào. Anh Đinh Đinh bảo tôi: Đợi anh nhé, lát nữa anh có hẹn đi xem phim rồi, ngày mai anh sẽ ra mặt giải quyết việc này cho em.
Đó là một đêm dài lê thê, cả đêm tôi không ngủ chỉ ngồi đợi mẹ số 10 gào khóc báo tang. Ngày hôm sau tôi uể oải lết đến bãi đất nơi bọn tôi hay tụ tập, đã nhìn thấy số 10 đang bắn bi rồi. Số 10 bảo: Tao chưa chết.
Tôi nói: Tao thấy rồi.
Số 10 bảo: Đây là lần thứ hai tao chết đi sống lại rồi, lần trước tao nuốt cả một thỏi son vào bụng, mẹ tao bảo, thỏi son này không được phép nuốt, nếu không sẽ chết thẳng cẳng, nhưng tao đợi đến ngày thứ ba, vẫn chưa thấy chết. Tao chính là Ikki[5] – Loài chim bất tử.
[5] Ikki là một trong các thánh đấu sĩ đồng, trong bộ truyện tranh Áo giáp vàng, tên gốc là Saint Seiya và Knights of the Zodiac của tác giả Kurumada Masami người Nhật. Bộ truyện tranh giành giải Animage Anime Grand Prix tại Nhật trong năm 1987. Ikki của chòm sao Phượng Hoàng: Tập huấn tại đảo Hoàng hậu.
Lúc ấy tôi rất cáu tiết, phản đối ngay: Tao mới là Ikki – Loài chim bất tử, mày chẳng phải là Hyoga[6] sao?
[6] Hyoga cũng là một trong các thánh đấu sĩ đồng, Hyoga của chòm sao Thiên Nga: Tập huấn tại vùng Siberi của Nga.
Số 10 bảo: Hai lần liền mà tao không chết, cho nên tao quyết định mình không phải là Hyoga, mà chính là Ikki – Loài chim bất tử.
Tôi tức đến ói máu, quả quyết với nó: Tao mới là Ikki – Loài chim bất tử, tao đã ngã từ trên cột cờ xuống, mà không chết, tao chính là Ikki – Loài chim bất tử.
Số 10 chế giễu tôi: Ha ha, thôi đi, mày tưởng rằng mình oách lắm à, lúc mày treo lủng lẳng trên cao, mày đã sợ phát khiếρ, bọn tao đều nhìn thấy hết. Xét cho cùng thì cặp sách của mọi người đã cứu mày. Nếu không thì mày đã chết lăn quay ra rồi, còn tao đây nuốt cả một viên bi to đùng mà chả chết, cho nên tao mới là Ikki – Loài chim bất tử. Vả lại tao quyết định rồi, tao cũng không bỏ Hyoga đâu, tao là một chiến binh lửa và băng, nên tao là Hyoga và Ikki – Phượng hoàng lửa bất tử.
Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy niềm tin hoàn toàn sụp đổ, bởi tôi vẫn ngỡ mình là loài chim bất tử, sự tồn tại của mình là duy nhất và không giống ai khác, Thượng Đế sinh ra tôi trên cõi đời này nhất định là có một sự an bài, tôi cũng chả rõ cái sự an bài ấy là gì, nhưng chắc hẳn là Ngài đã trao cho tôi một sứ mệnh nào đó, vậy nên trước khi thực hiện được mục đích đời mình, tôi không thể nào chết được. Bất tử, đó là niềm tin mãnh liệt của tôi, bởi sợ đau nên tôi không thể liều mạng như lũ bạn được, nhưng tôi có một niềm tin vững chắc rằng mình bất tử. Sau này nhìn thấy trên phim hoạt hình, mới biết, hóa ra cái tên của tôi ứng với cách gọi Ikki – Loài chim bất tử. Chúng tôi có tất cả năm thằng, đều được phân chia rõ ràng, thằng lùn nhất là Seiya (Tinh Thỉ), thằng trông giống con gái nhất gọi là Shin (Thuấn), thằng suốt ngày bị ngã, trên người lúc nào cũng bôi đầy thuốc tím bọn tôi gọi nó là Shiryu (Tử Long), còn nhà thằng số 10 có tủ lạnh đầu tiên trong nhóm, nó thường làm đá và gói vào túi bóng để ném bọn tôi, nên cả lũ gọi nó là Hyoga (Băng Hà). Hồi ấy tôi thấp cổ bé họng nhất, tất cả chỉ có bốn thánh đấu sĩ đồng, nên tôi chẳng có biệt hiệu gì cả, nhưng về sau bộ phim ấy đột nhiên lại xuất hiện Ikki (Nhất Huy) – Loài chim bất tử, tôi cực kỳ phấn khích, lý tưởng của tôi và nó lại không hẹn mà trùng, tôi lao như bay từ nhà này đến nhà khác thông báo với tất cả rằng, tôi chính là Ikki – Loài chim bất tử. Tôi vô cùng tự đắc với biệt hiệu này. Thế mà hôm nay, Hyoga đột nhiên lại quay ra nói, nó thích biệt hiệu của tôi, thậm chí vẫn giữ nguyên biệt hiệu cũ.
Vậy thì tôi là cái gì?
Trong suốt cuộc đời của mình, tôi rất hiếm khi có đủ dũng khí như vậy, bởi tôi cảm thấy như điểm tựa duy nhất của mình sắp bị lấy mất. Tôi túm chặt cổ áo số 10, định bụng sẽ dùng thứ âm thanh hùng hồn, dõng dạc nhất của mình mà nói với nó, từng câu từng chữ rằng: Tao mới chính là Ikki – Loài chim bất tử.
Thế nhưng, ngay khi tôi vừa túm được cổ áo nó, thì chả hiểu thế quái nào mà cúc áo của nó lại tuột hết, chiếc áo sơ mi phanh ra, nó kinh hoàng nhìn tôi, gió hè mơn man thổi làm những sợi tóc của nó bay bay, nó không hề đánh trả, nhưng tôi lại nhìn thấy Lưu Hồ Lan, tôi bỗng thấy hoảng hốt, nhìn khắp bốn phía, lũ kia cũng đang khiếρ đảm nhìn tôi, tôi chợt nhớ ra ngày hôm qua nó đã liều chết với ông anh thời vụ, nó là người có uy, tôi cớ sao lại dám mạo phạm nó cơ chứ. Nhưng dù thế nào, tôi cũng nhất định phải nói ra những lời tâm huyết của mình.
Tôi buông số 10 ra, hét lên với nó: Tao không phải là Loài chim bất tử.
Đó là giây phút có tính chất quyết định nhất của đời tôi tính đến thời điểm ấy, vậy mà câu thoại quan trọng đến thế tôi lại nói nhầm kịch bản. Tôi đã hoàn toàn thất bại, và mất luôn cả biệt hiệu của mình. Đúng lúc đó, anh Đinh Đinh cưỡi xe máy dừng ngay trước mặt tôi, vứt một cái túi to xuống đất, tiếng rào rào vang lên, mấy trăm viên bi rơi vãi tứ tung. Chúng tôi lập tức vỗ tay ầm ầm. Anh Đinh Đinh nổ máy, hồ hởi nói với chúng tôi: Anh nói chuyện hộ em rồi, nó trả hết bi cho bọn em đấy. Các em chia nhau đi nhé. Nói xong chiếc xe bắt đầu nhả khói, chiếc áo sơ mi màu trắng của anh bay phần phật trong gió, lại còn vô cùng phóng khoáng đánh một vòng cung đẹp mắt rời đi. Tôi bất ngờ bị anh ấy hút hồn. Tại thời điểm đó, chỉ có anh Đinh Đinh biết lái xe máy. Tôi ngẩn ngơ nhìn anh ấy khuất dần, còn lũ bạn tôi đang tranh nhau nhặt bi.
Số 10 đứng ra điều khiển cả lũ, nó vỗ ngực bảo tất cả là do sự dũng cảm của nó, hơn nữa lại là song Thánh đấu sĩ, thế nên nó được quyền chọn trước. Sau đó mới là đến bốn đứa tôi. Để công bằng, chúng tôi đếm hết số bi, tổng cộng bốn trăm bảy mươi hai viên, không ngờ ông anh ấy thắng bọn tôi nhiều thế. Số 10 chọn lấy một trăm năm mươi viên, tôi cũng chả nhớ mấy thằng kia chọn được bao nhiêu viên nữa, cuối cùng tôi được hơn ba mươi viên. Trong khi tôi nhớ rõ ràng rằng mình là đứa thua nhiều bi nhất.
Sau khi đứa nào về nhà đứa nấy cất bi, cả lũ lại tụ tập ở bãi đất trống bắt đầu một lượt mới. Cả lũ cùng nghĩ cách xem làm thế nào để thắng được bi của những đứa kia, tôi rất muốn thắng số 10, vì nó là thằng chọn bi đầu tiên, bi của nó mới và nhiều màu nhất. Lúc nó chuẩn bị bắn, tôi không thể ngờ được là nó lại lôi trong túi ra một viên bi to. Nó chậm rãi ngắm bắn viên bi của tôi, máu nóng trong người bất ngờ trào lên, không kịp suy nghĩ, tôi vồ ngay lấy viên bi của nó mà cho vào miệng nuốt. Số 10 vội vàng bóp cổ, lắc lắc đầu tôi và gào lên: Trả lại cho tao, trả lại cho tao, tao vừa lấy được nó ra mày đã nuốt rồi, trả lại cho tao mau lên.
Kể ra cũng lạ, viên bi ấy tôi chưa từng lấy được ra, vậy mà chúng nó cứ nghĩ rằng tôi giấu giếm, sau đó bốn thằng chúng nó đồng loạt bỏ phiếu không cho sử dụng những viên bi to nhỏ khác nhau nữa. Về sau, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường, thị trấn nhỏ của chúng tôi cũng bắt đầu xuất hiện những viên bi to nhỏ. Tôi chỉ thắc mắc mãi, không biết viên bi kia biến đi đâu mất. Có lẽ nó nằm trong người tôi, hóa thành viên sỏi nhỏ của thời kỳ non trẻ nhất.
Vóc dáng của anh Đinh Đinh cân đối, không hề giống với mấy tên mọt sách, anh ấy thích chơi thể thao và luôn cởi trần. Trong tiết tháng năm trời đang dần chuyển sang oi bức, anh ấy bắt đầu mặc quần đùi cởi trần, tập xà trên cột ngang bóng rổ, anh ấy có thể đu được ba mươi cái, còn tôi được ba cái. Anh ấy dạy tôi làm thế nào để đu người lên cột bóng rổ, quay tròn trên không trung, và thế là cả một mùa hè của tôi đã trôi qua trên cột bóng rổ cùng anh Đinh Đinh, mồ hôi chảy ướt sũng phần bụng trên áo tôi. Có một lần anh Đinh Đinh thậm chí còn nhổ hẳn cột bóng đem dựng ra chỗ khác, và bảo tôi rằng cột bóng rổ đặt ở đây không được, ngày nào ngồi học cũng trông thấy nó khiến anh ấy phân tâm.
Tôi vẫn đinh ninh rằng, ngày hôm đó anh Đinh Đinh đã đi tìm ông anh thời vụ và nện cho hắn một trận. Nhưng sau này anh Đinh Đinh mới cho tôi biết, anh ấy chỉ đến tìm hắn nói chuyện thôi, anh bảo đánh nhau tất nhiên có thể giải quyết nhiều vấn đề, nhưng nói chuyện cũng có thể làm được như vậy. Tôi hỏi anh ấy: Tại sao anh không làm như phim chưởng Hồng Kông ấy, túm cổ nện cho một trận tơi bời?
Anh trầm ngâm hồi lâu, sau đó đặt tay lên vai tôi và bảo: Bởi vì sẽ đau lắm đấy.
Tôi gật đầu.
Anh Đinh Đinh bảo tôi, ở trường anh ấy là Chủ tịch Hội sinh viên, có những chuyện chỉ cần thương lượng với nhau là được, anh ấy có khả năng lãnh đạo. Anh Đinh Đinh còn cho tôi biết: Hôm ấy, anh đi tìm ông anh thời vụ, hỏi rõ lý do, vì người lớn như bọn anh, thì chẳng ai còn bắn bi nữa.
Tôi chăm chú nhìn anh Đinh Đinh, anh ấy gật đầu nói tiếp: Quả nhiên là vậy.
Tôi băn khoăn: Vậy tại sao anh ấy lại chơi bi với bọn em.
Anh Đinh Đinh nói: Vì nó muốn thắng bi, không chỉ chơi bi với bọn em, nó còn chơi với những đám trẻ khác nữa, nó đang muốn mua một cái máy ghi âm xịn.
Tôi gật gù: Ra vậy.
Anh Đinh Đinh gồng hai bắp tay vừa lên xà vừa nói: Anh bảo anh ấy, mày làm thế không được, như thế là bắt nạt trẻ con. Mày muốn máy ghi âm để làm gì? Nó bảo, nó muốn ghi một cái đĩa, rồi hát tặng cho một người bạn chưa từng gặp mặt.
Tôi nói: Thế thì anh ấy có thể đi mượn một cái mà.
Anh Đinh Đinh bảo tôi: Thực ra nó cũng muốn giữ làm của riêng để nghe, sau đó anh đưa nó đến nhà văn hóa, mượn của một người bạn.
Tôi ngạc nhiên: Chà, đến nhà văn hóa anh cũng có người quen cơ à?
Anh Đinh Đinh đáp khẽ: Một người bạn. Tôi hỏi: Anh thời vụ muốn ghi bài gì vậy?
Anh Đinh Đinh bảo: Nó muốn hát bài Duyên trần.
Tôi ngơ ngác hỏi: Duyên trần là cái gì vậy?
Anh Đinh Đinh nói: Bố mẹ em không xem bộ phim mới à? Bài hát chủ đề trong phim ấy.
Tôi gật gù: Vậy à.
Anh Đinh Đinh hắng giọng: Duyên trần như mộng, bao phen trắc trở, hoa rơi khắp chốn, một tấm thân tàn co mình trong gió lạnh, khi ngoảnh lại nhìn chẳng nắng hay mưa, đường dài đằng đẵng, gập ghềnh trắc trở nào phải do ta, biển người phiêu bạt, nếm thử nhân tình ngọt đắng ra sao, nhiệt tình nhiệt tâm, đổi lại là lạnh vắng cô liêu, biết bao chân tình rồi lại trở về với cô tịch, người trôi theo gió, lạc mình giữa hoa nở hoa tàn, mặc cho thế gian bể dâu thế nào…
Tôi ngắt lời anh Đinh Đinh, cười phá lên: Ha, ha ha ha ha ha, anh thời vụ cũng biết hát sao.
Tôi chưa ý thức được rằng, khoảnh khắc mà anh Đinh Đinh cất vang tiếng hát khi đó, cũng là lần đầu tiên tôi được nghe, vậy mà tôi lại ngắt lời một cách vô tư, nhưng anh Đinh Đinh cũng chỉ nhìn tôi rồi tiếp tục hát: Đường xa vạn dặm, gập ghềnh trắc trở nào phải do ta.
Tôi cất giọng hòa vào cùng anh: Đường xa vạn dặm, gập ghềnh trắc trở nào phải do ta.
Anh Đinh Đinh bảo tôi: Bài hát này đã cũ, vậy mà đến giờ vẫn giữ y nguyên cảm xúc.
Tôi gật gù tiếp lời: Đúng là rất có cảm xúc!
Anh Đinh Đinh đã đồng ý dạy tôi những động tác giả trong bóng đá vào kỳ nghỉ hè năm đó, anh nói tôi đá thật quá, quay bên trái là dẫn bóng bên trái, quay bên phải là dẫn bóng bên phải, cử động của tôi đã thông tin cho đối thủ hết rồi: Muốn đá bóng tốt, em phải biết khống chế bóng dưới chân mình, cần phải học các động tác giả, mắt em nhìn sang bên phải, cơ thể nghiêng sang phải, em duỗi chân phải, mọi người đều cho rằng em sẽ đá sang phải, đúng lúc ấy, chân trái của em tạo lực, đổi hướng chạy sang trái, em khiến cho mọi người đều mắc lừa, trong một trận đấu muốn lừa bóng qua đối thủ nhất định phải làm động tác giả. Đợi khi nào anh về sẽ dạy em cách làm động tác giả.
Mùa xuân đến, anh Đinh Đinh chuẩn bị xong xuôi hành lý, tay cầm vé tàu sang nhà tạm biệt tôi.
Tôi hỏi: Anh Đinh Đinh, anh đi miền Bắc hay miền Nam?
Anh đáp: Anh sẽ đến miền Bắc.
Tôi bảo: Oa, cho em đi với.
Anh bảo: Không được, em còn nhỏ quá.
Tôi nói: Em ngồi tàu hỏa không mất tiền mà.
Anh nói: Sao lại không, em lớn quá rồi.
Tôi hỏi: Anh Đinh Đinh, anh đi làm gì thế?
Anh đáp: Anh đi nói chuyện với họ.
Tôi hỏi: Anh nói chuyện với ai vậy?
Anh Đinh Đinh nở nụ cười trên khóe miệng, háo hức trả lời: Với thế giới này.
Tôi reo lên một cách thích thú: Ôi chao.
Nếu anh Đinh Đinh còn sống, chắc bây giờ tầm 38 tuổi? 39 tuổi? Hay 40 tuổi rồi nhỉ? Tôi cũng không còn nhớ rõ. Na Na đã mua xong hai túi đồ ăn to tướng và đang tiến về phía tôi. Chưa được mấy bước, cô nàng vịn ngay vào thùng rác nôn ọe. Tôi vội vã mở cửa bước xuống, đúng lúc đụng ngay một ông lão đang vác theo một bình gas bước đến từ phía bên đường. Tôi chẳng thèm dừng lại, hối hả chạy sang. Ông lão quát lớn: Này cậu kia, đứng lại, đâm vào người khác lại bỏ chạy thế hả?
Tôi lập tức đứng lại. Những người xung quanh giật mình, đổ dồn ánh mắt nhìn tôi. Tôi quay lại bước về phía ông lão, ân cần hỏi thăm: Ông có sao không?
Ông lão tức giận hầm hè, chỉ vào mặt tôi nói: Có chuyện gì hay không, giờ chưa biết được.
Mấy người xung quanh bước đến nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi quay sang nói bằng giọng địa phương: Ông có sao không, cử động xem nào, nhanh cử động xem nào, nhân lúc người ta đang còn ở đây, chỗ nào đau phải nói ngay, đợi người ta chạy mất mới thấy khó chịu thì đúng là đen đủi.
Ông lão cử động đôi chân, xoay xoay cánh tay, nói: Tay tôi thấy hơi đau.
Tôi nhìn sang phía bên đường, Na Na đang không ngừng nôn ọe, nước mắt lưng tròng nhìn tôi xua xua tay, tôi vội vàng rút ra tờ một trăm tệ, nhét vào tay ông lão, nói: Ông à, bạn cháu đang ốm, cháu phải sang xách đồ giúp cô ấy, ông xem thế nào đi mua ít thuốc bổ mà uống, cháu xin lỗi nhiều.
Nhét tiền vào tay ông lão xong tôi liền chạy đi. Ông lão chẳng nói thêm gì nữa, cầm lấy tờ tiền gấp vuông vắn, rồi cẩn thận cho vào túi áo và tiếp tục đẩy bình ga chậm rãi tiến về phía trước. Tôi nhìn theo thấy cách đó khoảng mấy mét, thấp thoáng một cái nhà máy lẩn khuất trong vùng tiếp giáp của bóng tối đen sẫm và ánh đèn màu vàng cam, nơi đó đang dựng hai chiếc bình lớn, chắc là ông lão vừa đổi gas mang về nhà. Tôi vỗ nhẹ vào lưng Na Na, Na Na gắt gỏng: Anh đừng vỗ nữa, càng vỗ em càng buồn nôn.
Tôi nói: Trên ti vi họ cũng hay làm thế mà Na Na.
Na Na rút ra chiếc khăn giấy, lau khô miệng rồi nói: Lên xe đi.
Tôi liếc mắt nhìn cái gã đang cởi trần kia, hắn ta không hề có khí chất của anh Đinh Đinh, hắn ta chỉ là một kẻ lưu manh quanh quẩn ở quầy bi – a lộ thiên này, nhưng cảnh tượng nhảy lên bàn bi – a mà nói chuyện của hắn thì giống những việc mà anh Đinh Đinh có thể sẽ làm. Tôi của lúc đó đã lớn hơn rất nhiều so với thời điểm của anh Đinh Đinh, nhưng sao tôi vẫn luôn cảm thấy mình chẳng được như anh. Anh ấy đeo hành lý trên vai, chỉ để lại mấy câu rồi rời đi, còn tôi muốn bước đến tận cuối đường lại phải chuẩn bị những bốn năm trời, mỗi lần đều viện cớ, nếu không phải vì sợ xe hỏng, thì cũng lo lắng mình chuẩn bị chưa tốt, cũng vẫn chỉ là con đường dài 5.476 km. Tôi cúi xuống nhìn lịch trình của mình, vậy là đã đi được hơn 500 km rồi. Thế nhưng, đang bị bao quanh bởi bóng tối của tỉnh nào đây, tôi cũng chẳng biết. Tôi chỉ nhớ lần đầu tiên tôi lái xe được 300 km, sau đó dừng lại mấy tháng trời. Vì thời điểm đón bạn tôi vẫn chưa đến, ngày ra tù của nó đã bị dời lại. Lần này có lẽ mới là một chuyến hành trình thực sự.
Na Na ngồi trong xe, nói: Ở đây nhộn nhịp quá, anh đi về phía trước xem sao.
Tôi gật đầu: Được. Rồi chậm rãi bẻ lái rẽ sang tay trái, nhưng đi chưa đầy một mét, lại một ông già va phải gương chiếu hậu xe tôi.
Không được đi, anh kia.
Ông lão hét ầm lên. Tôi thò đầu ra ngoài nhìn, lại một ông già khác. Ông này chỉ thẳng vào mặt tôi mà chửi bới: Thanh niên các anh bây giờ thật không biết trước sau, lái xe đâm phải người ta mà không biết đường xuống xe.
Na Na hỏi tôi: Sao vậy?
Tôi nói: Không sao đâu Na Na. Em đừng xuống.
Tôi nhảy xuống xe, nhanh chóng mở ví, lại rút ra tờ 100 tệ mới coóng, dúi vào tay ông già, rồi nhẹ nhàng bảo: Bác à, thôi bác đừng nói nữa, bác chịu khó mua thuốc tẩm bổ thêm nhé.
1988 bò từng bước trong đêm tối, Na Na hỏi tôi: Anh vừa mất 100 tệ à?
Tôi bảo: Anh mất 200 tệ rồi.
Na Na nói: Em cho anh biết nhé, em mà đã cãi nhau thì là cao thủ số một.
Cuối cùng tôi cũng đã bắt được một kênh âm nhạc. Chương trình đang phát bài Tương lai của anh không phải giấc mơ do Trương Vũ Sinh thể hiện. Tôi thở dài, nói: Na Na, thôi bỏ đi, không cần phải đôi co như thế, chỉ là 100 đồng thôi, dẫu sao người ta cũng già rồi, em đi cãi nhau với người già, dù thế nào em cũng chỉ thiệt thân thôi.
Na Na ngồi trên ghế xắn tay áo nói: Còn em là phụ nữ mang thai.
Tôi bật cười: Em và người ta dẫu sao cũng cùng cấp bậc. Nói cho anh nghe, trước khi làm nghề này, em làm gì?
Na Na bóc một túi khoai tây chiên, thản nhiên trả lời: Học sinh.
Tôi bảo: Ừ, chỉ tiếc là em làm xong nghề này mới chuyển sang nghề kia, nếu kiêm cả hai cùng lúc, thì có khi là em kiếm được nhiều hơn nữa đấy.
Na Na rõ ràng không hiểu ý tôi lắm, cô ấy cầm một miếng khoai nhét vào miệng tôi, hỏi: Vậy anh làm nghề gì?
Tôi im lặng không nói, nhìn về phía trước.
Na Na đột nhiên vén áo tôi lên. Tôi hơi thu người về phía sau, nói: Em bắt đầu nổi hứng à?
Na Na nói: Em xem có phải anh mặc thường phục hay không?
Tôi hỏi: Sao em biết được?
Na Na đáp: Nhìn thắt lưng thì biết thôi, bọn em thường kháo nhau, cảnh sát khi mặc thường phục, thông thường vẫn phải dùng thắt lưng của ngành.
Tôi nói: Vậy em nhìn cho kỹ xem anh có mặc thường phục không?
Na Na bảo: Anh thì không, nhưng lỡ anh có mặc thường phục thật, thì em cũng chẳng còn gì cả, chẳng có lý do gì để anh theo dõi em. Em đói rồi.
Tôi hỏi: Sao lại đã đói rồi?
Na Na đáp: Phụ nữ có thai đều thế cả, đều rất nhanh đói, anh không biết à?
Tôi bảo: Anh không biết.
Dọc đường quốc lộ thấp thoáng một con hẻm, Na Na nhìn thấy tiệm mỳ Lan Châu. Tấm biển hiệu còn khá mới, khách khứa ra vào tấp nập, từ đằng xa đã có thể trông thấy, cả quán có bốn cái bàn đều đã chật kín, mấy chiếc bàn được kê thêm có vẻ cũng sắp lấn vạch ngăn cách. Na Na gọi một bát mỳ, thêm hai tệ thịt bò, đặc biệt còn yêu cầu phục vụ bàn mang đến một chai coca – cola. Nhưng chưa được mấy miếng, cô nàng quay sang nhìn tôi một cách đáng thương, nói: Em no rồi. Lúc này bát bún bò của tôi còn chưa được bưng lên, tôi trách móc: Em sao thế, bảo đói lắm cơ mà.
Cô ấy lôi từ trong túi ra một cuốn sách, bên trong toàn là những ký hiệu hình tam giác, rồi thành thạo giở đến một trang, đọc: Phụ nữ mang thai nên ăn thành nhiều bữa.
Tôi giật lấy cuốn sách của cô ấy, tiêu đề là Cẩm nang mang thai, nhưng chỉ mỏng dính bằng một cuốn sổ tay tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, tôi hỏi: Sao có mấy trang thế này, trước anh nhìn thấy ở nhà bạn anh, toàn dày cộp như quyển từ điển ấy.
Na Na giải thích: À, có loại dày như thế, nhưng đây là bản tóm tắt, em mua ở vỉa hè đấy.
Tôi trả lại cô ấy, hỏi: Sách lậu hả?
Na Na gật đầu, phân trần: Nhưng nội dung rất đáng tin cậy, em còn mang đến tận hiệu sách để đối chiếu cơ. Nó lược bớt phần nguồn gốc của thai nhi, quá trình hình thành thai nhi, và sinh mệnh…
Tôi cắt ngang lời cô ấy, hỏi lại: Thế trong sách của em nói những gì?
Na Na bảo: Quyển sách này khá hữu ích, nó dạy người mẹ khi mang thai cần chú ý những điều gì, ví dụ như…
Na Na tiện tay lật đến một trang, đọc to: Thời kỳ mang thai thực ra vẫn có thể sinh hoạt tình du͙c được, nhưng phải chú ý tư thế… Thật ngại quá… giở một cái lại đến trang này luôn, thực ra em không có ý đó, em còn chưa đọc đến trang ấy, đấy là nói đến tháng thứ Tư, em mới ở tháng thứ hai…
Tôi nói: Ồ, em đọc được hết cuốn này sao? Thuộc tất cả các mặt chữ chứ?
Nói xong, cả hai chúng tôi đều im lặng một hồi lâu.
Bát bún bò của tôi xuất hiện rất đúng lúc. Tôi chẳng bận tâm nóng nguội thế nào, cắm đầu ăn lấy ăn để.
Na Na thấp giọng nói: Thực ra thì em cũng biết, cũng… đọc được hết, cơ bản thì đều biết.
Tôi giả bộ thản nhiên đáp: Ừ, không sao, Na Na, anh chỉ đùa thôi, đừng bận tâm nhé. Cái gì ấy nhỉ, à, em mau liên lạc với ông khách thứ hai của em đi, nếu không sẽ không đủ tiền sinh con đâu.
Na Na rút từ trong túi ra chiếc điện thoại, cảm ứng nhấp nháy sáng liên hồi, tìm phần danh bạ, trước khi chuẩn bị gọi còn liếc nhìn tôi, tôi nhẹ nhàng động viên: Không sao đâu, em gọi đi, nếu không xa anh đưa em đi tìm hắn.
Na Na nhìn cái điện thoại hồi lâu rồi lại nhét vào túi.
Tôi bảo: Em sợ gì chứ.
Na Na bảo: Không phải em sợ.
Tôi nói: Anh bị phạt hết tiền rồi, em mau đi tìm một ai có thể dựa dẫm được, mau gọi đi.
Na Na bảo: Không, không, em không thể gọi.
Tôi sốt ruột hỏi: Tại sao em không thể gọi? Na Na trả lời: Người đàn ông này không được, em không thể biến hắn ta trở thành cha của đứa trẻ, hắn sẽ dạy con những điều xấu xa.
Tôi đã bắt đầu hơi mất kiên nhẫn, nói: Em nghĩ xa xôi như thế làm gì, tìm một nơi nào để mình gửi thân đã rồi hãy tính, mau gọi đi.
Na Na càng trở nên cố chấp, nắm chặt điện thoại trong tay, quả quyết: Không được.
Tôi đẩy bát bún bò ra xa, đổi sang chỗ ngồi đối diện với Na Na, nhìn thẳng vào cô ấy và nói một cách nghiêm túc: Na Na, em phải nghĩ như thế này, nếu em không có tiền, ngay đến chỗ trọ cũng không có mà ở đâu, em có quay về khu Tam giác vàng, thì cũng là bước ra từ đồn cảnh sát, hồ sơ vụ án của em vẫn còn ở đó, má mì cũng chẳng cần em nữa. Em sẽ đi làm thuê, nhưng việc gì em cũng chả biết làm, hơn nữa…
Tôi vớ lấy cuốn Cẩm nang mang thai, giở đến mục những điều cần chú ý vào tháng thứ ba, câu đầu tiên là: “Trong tháng này thai phụ rất dễ sảy thai, hơn nữa sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.” Tôi cứ ngâm nga đọc đúng những gì viết trong sách, rồi tiếp tục tấn công: Em cũng không thể tìm được công việc gì cả. Cách đơn giản nhất bây giờ là kiếm một người đàn ông. Anh không thể chịu trách nhiệm về em, vì anh còn phải đi tiếp con đường của mình. Người đàn ông bình thường cũng sẽ không chịu trách nhiệm với em đâu, vì em đang mang thai, tốt nhất là em nên đi tìm bố của đứa trẻ, dù gì chăng nữa người ta cũng phải có trách nhiệm với em, em cũng cần một chút tiền, nếu không em có thể nói với hắn ta, nếu cần thiết có thể xông thẳng đến cơ quan của hắn, hoặc nói với vợ của hắn, miễn sao có tiền nuôi con là được rồi. Mặc cho gã đó có là cầm thú, không muốn chu cấp hoặc muốn rũ sạch mối quan hệ với em, em vẫn có thể giả vờ nhượng bộ nói với gã rằng, vậy anh định vứt bỏ đứa con này sao, nhưng anh cũng phải chu cấp cho em tiền để sinh đứa bé này ra chứ, em sẽ…
Na Na cắt ngang lời tôi, nói: Chưa đủ.
Tôi bảo: Dù là chưa đủ, nhưng cũng đỡ được phần nào. Na Na, em nghe lời anh đi, nhìn anh này, em hãy nghe…
Trong khi tôi đang hùng hồn diễn thuyết, thì bà chủ quán từ đâu chạy đến ngắt lời tôi: Ăn xong thì trả tiền rồi đi, vẫn còn khách đang đợi đấy.
Tôi lấy ra mười lăm tệ đặt lên bàn, sau đó đỡ Na Na dậy tiến về phía 1988. Bên cạnh đó có hai hiệu giày rất lớn, một hiệu thì treo biển: Giảm giá hết cỡ, 29 tệ một đôi giày da bò, hiệu bên kia treo: Hàng xuất dư xịn, hai đôi tông năm tệ, cả hai hiệu giày này nhìn là biết có quan hệ mật thiết với nhau, ngay cửa chính dựng một bộ loa rởm, một bên đang phát bài hát của Trương Quốc Vinh[7], bên kia thì mở nhạc của Đàm Vịnh Lân[8]. Chúng tôi chui vào 1988, đóng cửa xe lại, nhưng chẳng cách âm được gì. Na Na nói: Lùi xe lại đi anh.
[7] Trương Quốc Vinh (12/9/1956 – 1/4/2003) là một diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Hồng Kông. Không chỉ sở hữu một sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh thành công rực rỡ, Trương Quốc Vinh còn được biết đến như một trong những ngôi sao được yêu thích và có ảnh hưởng nhất tại châu Á.
[8] Đàm Vịnh Lân, khán thính giả Việt Nam quen gọi là Đàm Vịnh Luân, là một diễn viên, ca sĩ, nhà phát hành nhạc của Hồng Kông. Trong thập niên 1980, Đàm Vịnh Lân nổi tiếng với những bản ballad tình ca lãng mạn với thể loại đương đại.