Thằng nhóc tiểu học là tôi, khi đó đã chọn cuốn Chùm nho uất hận, vì trông nó có vẻ rất hấp dẫn. Nhưng tôi chỉ đọc được một trang, vì nó hoàn toàn không phải là cuốn sách nói về nho, mà trong sân nhà tôi hiện lại đang nuôi gà và trồng nho, cây nho đã mon men bò theo lên cái giàn phơi quần áo, và tôi đang tò mò muốn biết cây nho nhà tôi nghĩ gì, cuộc đời của nó ra sao.
Ngày hôm sau, anh Đinh Đinh tìm tôi, lấy lại quyển sách Chùm nho uất hận, anh ấy bảo: Hôm qua anh nghĩ rồi, thấy rằng dù em có đọc cũng chẳng hiểu đâu.
Trong tất cả những ông anh xung quanh mình, tôi chỉ thực lòng quan tâm đến anh và gọi là anh trai, vì tôi rất nể phục anh. Anh ấy học rất giỏi, chính trực và luôn giúp đỡ người khác. Tuy rằng anh ấy chỉ toàn nhiệt tình với các chị em. Anh Đinh Đinh đã đi rất nhiều nơi, mỗi lần trở về là anh ấy lại kể tôi nghe những câu chuyện mới mẻ, anh luôn là đại diện chỗ này, đại diện nơi kia, đi đến những nơi chỉ có thể đến được bằng tàu hỏa, mà tôi thì đến cái tàu hỏa hình dáng ra sao cũng mù tịt. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy tàu hỏa cũng là do anh Đinh Đinh dẫn đi, tôi ngồi trên càng xe phía trước. Anh đạp xe không nghỉ, phi như bay, tôi ngồi đằng trước sợ hãi bám chặt cánh tay anh. Anh Đinh Đinh bảo tôi: Giá như mình có cái xe máy thì tốt nhỉ. Tôi ngạc nhiên hỏi anh: Anh biết lái không? Anh tự hào trả lời: Đương nhiên rồi.
Sau hơn một tiếng đồng hồ, tôi mới nhìn thấy đường sắt, chúng tôi ngồi đợi thêm một tiếng đồng hồ nữa, và cuối cùng tôi cũng đã được nhìn thấy đoàn tàu màu đỏ chầm chậm chạy qua trước mắt mình. Và giống như bản năng của mọi đứa trẻ khác, tôi bắt đầu đếm số toa tàu, đột nhiên phát hiện ra điều rất lạ, tôi liền quay sang hỏi anh Đinh Đinh: Tại sao đoàn tàu này không phải là màu xanh?
Anh Đinh Đinh cũng gật gù: Ừm, lạ nhỉ, lần đầu tiên anh nhìn thấy tàu hỏa màu đỏ đấy, có lẽ là tàu này chỉ dành cho các vị nguyên thủ Quốc gia thôi, vậy nên mới có màu đỏ như thế.
Tôi lập tức đứng nghiêm, hướng về chiếc tàu hỏa cúi người hành lễ.
Anh Đinh Đinh ngạc nhiên: Em làm gì thế?
Tôi bảo: Em cúi chào các vị lãnh đạo.
Anh Đinh Đinh bật cười nói: Tàu hỏa chạy nhanh như vậy, các vị lãnh đạo chẳng thể trông thấy em chào đâu.
Nhưng tôi vẫn cứ nghiêm trang cúi chào.
Toa tàu cuối cùng rít một tiếng còi inh ỏi rồi khuất dần.
Anh Đinh Đinh gào to một tiếng: Kết thúc nghi thức.
Lúc ấy tôi mới hạ tay xuống.
Ngày hôm ấy mông của tôi như nở hoa vậy, bạn có thể tưởng tượng được việc ngồi hai tiếng trên càng xe sẽ đau như thế nào không? Nhưng tôi vẫn rất kiên trì ngồi phía trước, vì nếu như ngồi ở đằng sau, tầm mắt của tôi sẽ bị thân hình cao lớn, vạm vỡ của anh Đinh Đinh che khuất. Trên đường về, tôi vô cùng phấn khích, lần đầu tiên đi chơi xa cùng anh Đinh Đinh tôi lại được nhìn thấy cả các vị nguyên thủ Quốc gia. Sau này những nơi anh Đinh Đinh đến càng ngày càng nhiều, càng ngày càng xa, anh ấy đi Hồng Kông, thậm chí còn được ngồi cả máy bay nữa. Anh ấy kể cho chúng tôi nghe những trải nghiệm khi được ngồi máy bay, xung quanh anh ấy là hơn ba mươi người đến từ khắp mọi nơi. Anh Đinh Đinh nói cho chúng tôi biết làm thế nào để lên được máy bay, còn phải qua cửa kiểm tra an toàn, khi chạy trên đường băng phải có vận tốc lớn như thế nào, đến cao trào miêu tả cảnh máy bay bỗng chốc bay νút lên, tất cả chúng tôi đều đồng loạt ngẩng đầu, cũng tưởng tượng và cảm nhận giây phút diệu kỳ ấy. Mỗi khi không hiểu điều gì, tôi đều chạy sang hỏi anh Đinh Đinh. Tất nhiên, mẹ tôi cũng dặn dò anh ấy là không được giúp tôi làm toán, nhưng bản thân anh Đinh Đinh cũng còn rất nhiều bài tập và tham gia vô số các cuộc thi. Anh ấy lại còn tập võ nữa. Nhà anh Đinh Đinh khá giả hơn nhà tôi một chút, nên có nhà cao ba tầng, anh ấy thường leo lên ban công tầng ba để tập võ, còn tôi thì đứng dưới cái sân phơi xi măng nhà mình để ngẩng đầu nhìn anh ấy. Mỗi lần ngước lên nhìn đến nửa tiếng đồng hồ, nhưng vì ngược sáng nên mặc dù hình ảnh đẹp lung linh, vẫn rất hại mắt. Tôi nghĩ có lẽ mắt tôi kém dần chính là vì cứ nhìn mãi như thế. Có lần tôi nhặt được cái kính râm hiệu con thỏ bị ai đó dẫm lên, một bên mắt vẫn còn dùng được, tôi liền nhặt mắt kính đó đeo lên, rồi đứng phía dưới để quan sát anh Đinh Đinh tập võ. Tôi duy trì thói quen này rất lâu, nên trong một lần nhà trường tổ chức cho học sinh xem nhật thực, hình ảnh hiển hiện trước mắt tôi lại chính là anh Đinh Đinh.
Xung quanh tôi có rất nhiều ông anh, nhưng mấy ông anh ấy đều đần độn, thậm chí còn có một anh rất thích chơi bắn bi với chúng tôi. Anh ta luôn thay đổi công việc, không bao giờ trở thành nhân viên hợp đồng, là đàn anh lớn nhất trong đám, luôn bị chúng tôi gọi là Anh nhân viên thời vụ. Hồi ấy, bắn bi là trò chơi mà lũ nhóc chúng tôi thích nhất. Tôi có khoảng mười sáu viên bi, khi đó giá hai hào một viên, tôi thích nhất là những viên bi nhiều màu, tất nhiên, đứa nào cũng thích bi nhiều màu. Khi chơi bi bọn tôi có một quy định, sau khi đã ngồi ngắm bắn rồi thì chân không được động đậy, nhưng vì hồi ấy còn bé, sức vẫn yếu nên tay được phép vươn về phía trước. Xung quanh tôi có bốn năm đứa, đứa nào đứa nấy đều chơi khá siêu. Anh nhân viên thời vụ rất thích tụ tập cùng, bọn tôi thường mang theo hai mươi ba mươi viên bi, còn anh ta chỉ mang ba bốn viên, nhưng lại có cả bi to lẫn bi nhỏ. Bởi anh ta được đến miền Nam trù phú, mà khi đó chỉ có miền Nam mới có bi nhiều kich cỡ, còn của chúng tôi thì bi nào cũng như nhau cả. Khi bắn bi của người khác anh ta dùng bi to, khi bị người khác bắn thì anh ta lại dùng bi nhỏ, và thế là ngày nào anh ấy cũng thắng hết hai ba chục viên bi của bọn tôi. Nhưng bọn tôi chẳng thể nào trốn được anh, vì chỉ có một vài điểm có thể chơi bi được. Sau này bọn tôi quy định, không được đổi bi, nhưng ông anh thời vụ này không chịu, bảo rằng luật pháp không hề quy định chơi bắn bi thì cấm được đổi bi to sang bi nhỏ, ai bảo bi của chúng tôi chỉ có một cỡ, còn của anh ta thì có đủ cỡ. Chúng tôi tỏ vẻ không tin, bởi bọn tôi là đội viên thiếu niên tiền phong, pháp luật chắc chắn sẽ bảo vệ chúng tôi. Tôi nhớ hồi ấy điều kỳ lạ nhất là anh ta lôi đâu ra được một quyển hiến pháp, chúng tôi chúi mũi lật giở từng trang và phát hiện ra đúng là luật pháp không hề quy định khi bắn bi thì cấm được tùy tiện đổi bi to sang bi nhỏ. Chúng tôi ai nấy đành cam chịu, tiếp tục bị anh ta ức hiếρ.
Sự việc bắt đầu xoay chuyển khi một thằng hung hăng nhất trong đám bọn tôi bắt đầu sôi máu, nó cũng là một thằng mà tôi rất ngưỡng mộ. Số hiệu của nó là 10, vì nó rất thích đá bóng, nó nói: Tao là số 10.
Tôi chợt nhận ra những người mà mình ngưỡng mộ trong cuộc đời đều có máu nóng, tuy tôi chẳng phải kẻ máu lạnh, nhưng máu trong người tôi cũng chỉ âm ấm thôi. Tôi luôn thích nhìn thấy những người máu nóng kia, hy vọng mình có thể trở thành một trong số họ. Tôi phát hiện ra, khi mình còn đang đần ra chưa biết thế nào, thì họ đã đang suy nghĩ tính toán, khi tôi đang suy nghĩ tính toán, thì họ đã bắt đầu hành động, khi tôi bắt đầu hành động, họ đã vọt lên trước mất rồi, sau đó thì tôi chẳng dám hành động gì nữa. Cái cách mà họ vọt lên trở thành thứ ngưỡng vọng tối cao trong cuộc đời tôi. Tôi ngưỡng mộ một cách vô điều kiện, hy vọng máu trên người họ có thể truyền sức nóng sang cơ thể tôi.
Cái thằng số 10 ấy, nó và chúng tôi đã từng vài lần nghiên cứu tìm cách trừng trị ông anh thời vụ kia. Có một lần, nó tập hợp bọn tôi lại và hô hào: Chúng ta phải phản kháng.
Mấy thằng nhóc còn lại lo lắng hỏi: Phản kháng thế nào?
Nó bảo: Khi ông ấy quỳ xuống để ngắm bắn, tao sẽ từ phía sau dùng dây giày trói chặt, việc chúng mày cần làm là đừng có nhìn tao, cứ giả bộ bắn bi như bình thường, chúng mày làm được không?
Tôi lắc lắc đầu, tỏ ý mình không làm nổi, tôi cảm thấy việc tày đình như thế mà xảy ra, nhất định tôi sẽ không kiềm chế được mà nhìn lão ấy cho mà xem.
Nó bảo: Vậy chúng ta sẽ hạ độc vào nước uống của anh ta, dùng thuốc chuột, việc duy nhất chúng mày phải làm là sau khi hắn chết, cảnh sát có tra khảo thì cấm đứa nào được khai ra. Chúng mày có làm được không?
Tôi lại sợ hãi lắc đầu, nói mình không làm được, chỉ cần cha tôi đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng, thì cái gì tôi cũng khai ra sạch.
Lúc đó số 10 mới rút từ trong túi sách của mình ra một cuốn ngữ văn, giở đến trang Lưu Hồ Lan[4], nói: Mày đọc đi.
[4] Lưu Hồ Lan (1932 – 1947), quê ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, 14 tuổi trở thành nữ đảng viên dự khuyết của Đảng cộng sản, 15 tuổi khi ám sát Thạch Bội Hoài, người phe đối lập bị truy nã. 12/01/1947 Bị Chủ tịch tỉnh Sơn Tây của chính quyền Quốc Dân bắt, cô cự tuyệt đầu hàng nên bị địch đâm chết, sau khi chết được phong tặng danh hiệu đảng viên. Mao Trạch Đông từng nói về cô là: “Sống vĩ đại, chết vinh quang”.